Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước

12:00 | 13/12/2022

Ngân hàng Nhà nước được xác định là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội

Ngày 12/12/2022, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Nghị định 102/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 và thay thế Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Nghị định 102/2022/NĐ-CP quy định NHNN là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối (sau đây gọi là tiền tệ và ngân hàng); thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng (TCTD) và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của NHNN.

Nhiệm vụ và quyền hạn

NHNN thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật NHNN, Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:

Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của NHNN đã được phê duyệt và các nghị quyết, dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hàng năm và dài hạn; chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động và các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc lĩnh vực NHNN quản lý.

Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc lĩnh vực NHNN quản lý hoặc theo phân công.

Ban hành thông tư và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NHNN. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển đã được ban hành hoặc phê duyệt thuộc phạm vi quản lý của NHNN.

Xây dựng chỉ tiêu lạm phát hàng năm để trình Chính phủ; sử dụng các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm: tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở, phát hành tín phiếu NHNN và các công cụ, biện pháp khác để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Tổ chức thống kê, điều tra thống kê, thu thập và lưu trữ thông tin về kinh tế, tài chính, tiền tệ và ngân hàng trong nước và ngoài nước thuộc thẩm quyền của NHNN; thực hiện công tác phân tích và dự báo về tiền tệ và ngân hàng; công khai thông tin về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các TCTD, giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho tổ chức không phải là ngân hàng; cấp, cấp lại, thay đổi nội dung và thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng cho các tổ chức; cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đối với chương trình, dự án tài chính vi mô; chấp thuận việc mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và giải thể TCTD theo quy định của pháp luật.

Quyết định áp dụng biện pháp xử lý đặc biệt đối với TCTD vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng;…

Chấp thuận danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc) của TCTD; chấp thuận những thay đổi khác theo quy định của Luật Các TCTD.

Thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng; kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng, hoạt động phòng, chống rửa tiền; kiểm soát tín dụng; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối và phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật.

Thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

Chủ trì lập, theo dõi, dự báo và phân tích kết quả thực hiện cán cân thanh toán quốc tế; báo cáo tình hình thực hiện cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam theo quy định của pháp luật; làm đầu mối cung cấp số liệu cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam cho các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, quản lý, vận hành và giám sát bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia, cung ứng dịch vụ thanh toán cho các ngân hàng; giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; tham gia tổ chức và giám sát sự vận hành của các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế; quản lý các phương tiện thanh toán trong nền kinh tế.

Quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng: quản lý hoạt động ngoại hối trong các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam; hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối; quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước theo quy định của pháp luật; công bố tỷ giá hối đoái; quyết định chế độ tỷ giá hối đoái, cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái;…

Đại diện cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB), Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế (IBEC), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và các tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế khác. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của Việt Nam tại các tổ chức tiền tệ và ngân hàng quốc tế mà NHNN là đại diện,…

Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và ngoại hối theo quy định của pháp luật; tham gia, triển khai thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách thành viên các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Các nhiệm vụ khác gồm: ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính; thực hiện các nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương; thực hiện cho vay đặc biệt đối với TCTD theo quy định của pháp luật; tổ chức hệ thống thông tin tín dụng và cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các tổ chức hoạt động thông tin tín dụng; làm đại lý và thực hiện các dịch vụ ngân hàng cho Kho bạc Nhà nước; tham gia với Bộ Tài chính về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông ngành ngân hàng liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của NHNN,…

25 đơn vị của NHNN

Nghị định quy định cơ cấu tổ chức của NHNN gồm 25 đơn vị: (1) Vụ Chính sách tiền tệ (2) Vụ Quản lý ngoại hối (3) Vụ Thanh toán, (4) Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, (5) Vụ Dự báo, thống kê, (6) Vụ Hợp tác quốc tế, (7) Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, (8) Vụ Kiểm toán nội bộ, (9) Vụ Pháp chế, (10) Vụ Tài chính - Kế toán, (11) Vụ Tổ chức cán bộ, (12) Vụ Truyền thông, (13) Văn phòng, (14) Cục Công nghệ thông tin, (15) Cục Phát hành và kho quỹ, (16) Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, (17) Cục Quản trị, (18) Sở Giao dịch, (19) Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, (20) Các chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,(21) Viện Chiến lược ngân hàng, (22) Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, (23) Thời báo Ngân hàng, (24) Tạp chí Ngân hàng, (25) Học viện Ngân hàng.

Thông đốc NHNN trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc NHNN.

Thống đốc NHNN ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc NHNN theo quy định của pháp luật, trừ Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Vụ Quản lý ngoại hối, Sở Giao dịch tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định hiện hành cho đến khi Thống đốc NHNN ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, Vụ Quản lý ngoại hối và Sở giao dịch.

Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng được hoàn thành các nhiệm vụ đang thực hiện cho đến khi Thống đốc NHNN thực hiện xong việc sắp xếp tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản của Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng.

P.V

undefined