chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Tăng giá điện và những vấn đề đặt ra
12:00 | 15/05/2023
Theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 4/5/2023, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng/kWh so với mức hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương ứng mức tăng 3%...
Sau hơn 4 năm kìm giữ không tăng giá bán điện (từ tháng 3/2019) theo yêu cầu của Chính phủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế và người dân vượt qua đại dịch Covid-19, EVN gặp nhiều khó khăn, thậm chí lỗ lớn khi giá đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện tăng cao.
TĂNG GIÁ ĐIỆN GIÚP GIẢM SỨC ÉP GÂY LỖ CHO EVN
Theo công bố từ kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện trong 2 năm 2021 - 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,9 đồng/kWh; năm 2022 tăng 9,27% lên 2.032,26 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân của EVN là hơn 1.864 đồng/kWh.
Như vậy, theo EVN, cứ 1 kWh điện bán ra thấp hơn 10,57% (tương đương 168 đồng) so với giá thành sản xuất kinh doanh điện. Chi phí đầu vào tăng vọt, chủ yếu từ khâu phát điện tăng gần 21,5% so với năm 2021 do giá nhiên liệu (than, khí, dầu) leo thang, vì vậy, năm 2022, EVN lỗ hơn 36.294 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện.
Sau khi trừ đi thu nhập tài chính khác, số lỗ của EVN còn 26.235,78 tỷ đồng.
Đáng nói, khoản lỗ này còn chưa tính đến 14.700 tỷ đồng khoản tiền chênh lệch tỷ giá hiện vẫn chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022.
Trước đó, trong một báo cáo gửi Bộ Công thương đầu năm 2023, EVN tính toán tổng lỗ sản xuất kinh doanh 2 năm 2022 và 2023 sẽ lên tới 93.817 tỷ đồng. Rõ ràng, việc tăng giá điện đã trở thành vấn đề đáng quan tâm.
Chính vì vậy, ngày 27/4/2023, Tập đoàn EVN có Quyết định số 377/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh dựa trên Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Văn bản số 304/BCT-ĐTĐL ngày 27/4/2023 của Bộ Công Thương về việc thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ cho phép EVN được điều chỉnh giá điện.
Ngày 4/5/2023, Bộ Công Thương có Quyết định số 1062/QĐ-BCT, quy định giá bán điện cho ngành sản xuất được chia theo cấp điện áp và khung giờ thấp điểm, bình thường và cao điểm.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh.
Với việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tăng 3%, mỗi tháng EVN thu thêm được 1.000 tỷ đồng, đến hết năm 2023 sẽ thu thêm khoảng 8.000 tỷ đồng, giảm sức ép về kết quả lỗ trong kinh doanh năm 2023.
Như vậy, việc tăng giá điện như hiện nay về kỹ thuật cũng chỉ giúp EVN giảm bớt khó khăn, còn liệu có thoát lỗ hay không, xử lý thế nào với khoản lỗ đang có vẫn là bài toán cần xem xét.
Theo đó, cấp điện áp từ 110 kV trở lên, giá điện dao động 999 - 2.844 đồng/kWh tùy khung giờ thấp điểm, bình thường và cao điểm.
Cấp điện áp 22 kV đến dưới 110 kV, giá 1.037 - 2.959 đồng/kWh, tùy khung giờ. Cấp điện áp 6 kV - dưới 22 kV, giá bán 1.075 - 3.055 đồng/kWh, tùy khung giờ. Ở cấp điện áp dưới 6 kV, giá bán lẻ điện là 3.171 đồng, giờ bình thường là 1.738 đồng và thấp điểm 1.133 đồng/kWh.
Với khối hành chính sự nghiệp, giá bán lẻ điện mới là 1.690 - 1.940 đồng/kWh tùy khung giờ, cấp điện áp. Giá bán lẻ cho lĩnh vực kinh doanh có sự chênh lệch khá cao giữa giờ cao điểm, thấp điểm và cấp điện áp, tương ứng là 4.724 đồng và 1.402 đồng/kWh. Các giá này chưa gồm thuế giá trị gia tăng.
Với giá điện sinh hoạt, giá bán lẻ bình quân đã tăng từ 1.864,44 đồng/kwh lên mức là 1.920,37 đồng/kWh.
Theo đó, mức giá cho khách hàng sử dụng từ 0 – 50 kWh/tháng là 1.728 đồng. Với khách hàng sử dụng từ 51 – 100 kWh/tháng sẽ chịu mức giá 1.786 đồng/kWh. Mức giá cho khách hàng sử dụng từ 101 – 200 kWh/tháng là 2.074 đồng/kWh. Khách hàng sử dụng điện từ 201 – 300 kWh là 2.612 đồng/kWh. Khách hàng dùng từ 301 – 400 kWh/tháng sẽ chịu mức giá 2.919 đồng/kWh. Với khách hàng dùng từ 401 kWh/tháng trở lên, mức giá điện bán lẻ là 3.015 đồng/kWh.
Hiện nay, EVN cũng đang thực hiện tiết kiệm tối đa các chi phí trong sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, tập đoàn đã tiết kiệm, cắt giảm 30% chi thường xuyên; cắt giảm sửa chữa lớn tới 40%; các chi phí nhân công, vận hành cũng được tiết kiệm tối đa; đồng thời, ưu tiên huy động các nguồn điện giá thành thấp như thủy điện. Tập đoàn cũng làm việc, đàm phán với các đối tác, nhà đầu tư giảm chi phí bán hàng cho doanh nghiệp.
Việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% gây những trở ngại nhất định cho nền kinh tế đang gặp khó khăn trong hồi phục và đời sống người dân.
Tuy nhiên, theo tính toán, mức độ tác động của việc tăng giá điện không quá lớn. Theo tính toán, với mức tăng giá điện 3% sẽ tác động làm giảm mức tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 0,1% và làm tăng chỉ số lạm phát CPI khoảng 0,12%; đồng thời, tác động của yếu tố tăng giá điện đến đời sống người dân và các hộ sử dụng điện không quá lớn.
LẤN CẤN 5 VẤN ĐỀ
Tuy nhiên, cùng với việc tăng giá điện, có một số vấn đề cần làm rõ.
Thứ nhất, cần thực hiện kiểm tra, kiểm soát, công khai, minh bạch các khoản lỗ của EVN trong thời gian qua.
Theo công bố từ Bộ Công Thương, trong khoản lỗ hơn 26.235,78 tỷ đồng của năm 2022, vẫn còn các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện. Đó là các khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện từ năm 2019 - 2022 khoảng hơn 14.700 tỷ đồng. Như vậy, nếu cộng khoản này thì số lỗ của EVN sẽ còn cao hơn.
Trái ngược với tình trạng thua lỗ nặng nề của EVN, hầu hết các công ty thủy điện, nhiệt điện niêm yết đều có một năm lãi lớn, tăng trưởng cao so với năm 2021.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã kết thúc năm 2022 với doanh thu thuần 3.084 tỷ đồng, tăng trưởng 91% so với năm 2021 và vượt hơn 52% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế cả năm của công ty đạt 1.264,8 tỷ đồng, vượt 40,8% so với kế hoạch năm và tăng gấp 3 lần mức lãi của năm 2021.
Hay Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà (có 30% vốn của Evngenco 3) báo đạt doanh thu hơn 742 tỷ đồng, tăng 44,2% và lợi nhuận sau thuế lên đến hơn 378,7 tỷ đồng, tăng 80,8% so với năm 2021…
Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thủy điện đều tăng cao, hầu hết đạt từ 40% trở lên.
Các công ty nhiệt điện cũng báo lãi khủng. Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh đạt doanh thu thuần 10.417 tỷ đồng, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 760 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021, đồng thời vượt 76% kế hoạch cả năm. Hiện Tổng công ty Phát điện 2 thuộc EVN sở hữu 40% vốn tại công ty này…
Thậm chí, những công ty phát điện là công ty con được hạch toán vào báo cáo của EVN cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khá cao.
Điển hình, Tổng công ty Phát điện 3 (Evngenco 3) công bố cả năm 2022 đạt doanh thu thuần hợp nhất 47.287 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021; lãi sau thuế đạt gần 2.550 tỷ đồng, tăng gần 30% so với kế hoạch năm.
Hay Công ty Evngenco 2 đặt kế hoạch đạt sản lượng năm 2022 gần 1,6 tỷ kWh; tổng doanh thu hơn 4.228 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 1.094 tỷ đồng. Kết quả hoạt động cả năm 2022 công ty chưa công bố nhưng báo cáo tài chính quý 3/2022 cho thấy tính đến hết tháng 9/2022, Evngenco 2 đã đạt doanh thu thuần tổng cộng hơn 18.142 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 3.668 tỷ đồng, gần gấp đôi kế hoạch đặt ra…
Rõ ràng, các công ty con, công ty thành viên từ sản xuất đến truyền tải điện đều báo lợi nhuận tăng cao trong năm vừa qua thì người dân có quyền đặt câu hỏi vì sao công ty mẹ là EVN lại thua lỗ? Khoản lỗ đó đến từ đâu? Khách quan hay chủ quan?
Thứ hai, cần làm rõ quy định giá bán điện cho ngành sản xuất, khối hành chính sự nghiệp thấp hơn giá bán điện bình quân cho các hộ gia đình, thậm chí thấp hơn giá thành sản xuất điện, có phải là nguyên nhân chính gây ra thua lỗ cho EVN và gây tăng giá bán lẻ điện tiêu dùng...
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, Bộ Tài chính
Theo VnEconomy