Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Thủ tướng: "Đã có bệnh thì phải chữa, trong điều kiện khó khăn nên càng khó khăn"

12:00 | 19/12/2022

Theo Thủ tướng, việc xử lý các sai phạm để các thị trường phát triển đúng bản chất, lành mạnh, bền vững; "chữa bệnh thì phải mất thuốc, mất thời gian, mất công sức và phải chờ thời gian để ngấm thuốc...".

Chiều 17/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề: "Kinh tế Việt Nam năm 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức".

Diễn đàn được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế đa phương và đại sứ quán, lãnh sự quán một số nước, các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia... trong nước và quốc tế.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung vào phân tích, đánh giá làm rõ bối cảnh và các xu hướng lớn của thế giới và khu vực; làm rõ thêm xu hướng mất cân đối toàn cầu hiện nay đang đặt ra những cơ hội và thách thức gì cho kinh tế Việt Nam năm 2023 và những năm tới. Đồng thời, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức vượt qua những thách thức lớn mà các nền kinh tế hiện nay đang phải đối mặt, đặc biệt là từ xu hướng kép vừa suy thoái vừa lạm phát cao đang diễn ra ở nhiều nền kinh tế...

Cần tiếp tục củng cố niềm tin...

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ này sẽ giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt là việc phải thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu tới hạn, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư.

Ông Chi cho biết, bộ này đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu, trong đó có quy định về nhà đầu tư, nhằm củng cố niềm tin thị trường, đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.

Thủ tướng:

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Diễn đàn.

Trong phần chia sẻ, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng của BIDV cho biết 4 công điện chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ đã giúp tăng thêm niềm tin và kỳ vọng vào sự thay đổi tích cực của các doanh nghiệp. Ông Lực nhận định, đây là những chỉ đạo rất kịp thời và quyết liệt của Thủ tướng, hướng tới phát triển các lĩnh vực này phát triển theo hướng "minh bạch, thị trường và chuyên nghiệp".

Kinh tế trưởng của BIDV nhấn mạnh tinh thần cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả 4 công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, an toàn, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tháo gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Trong ngắn hạn, ông Lực đề nghị cần tiếp tục củng cố niềm tin cho thị trường và các nhà đầu tư, với các thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mọi chủ thể, xử lý dứt điểm các sai phạm vừa qua. Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đồng thời nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng phải chia sẻ rủi ro với nhau.

Liên quan đến thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, bên cạnh những chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp phải thấy trách nhiệm của mình trước những khó khăn của thị trường và thời gian qua, các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực.

Trong đó, ông Châu cho rằng, các doanh nghiệp phải có giải pháp để giảm giá nhà ở một cách thực chất và chuyển hướng, cơ cấu lại sản phẩm để hướng về nhu cầu thật, bên cạnh nhà cho những người giàu thì cũng phải phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp.

Thủ tướng:

Ông Don Lam, Chủ tịch Quỹ VinaCapital phát biểu tại Diễn đàn.

Chung quan điểm, ông Don Lam, Chủ tịch Quỹ VinaCapital cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam về cơ bản lành mạnh, không giống như Trung Quốc - nơi các công ty bất động sản sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính và có tình trạng xây dựng quá mức ồ ạt. Tuy nhiên, đang có vấn đề là nhiều doanh nghiệp địa ốc tại Việt Nam đang không có vốn để hoàn thành dự án.

Chủ tịch VinaCapital nhận định khó khăn xuất phát từ ba nguyên nhân chính. Trước hết, do Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ và kiềm chế lạm phát. Thứ hai là các ngân hàng được khuyến khích cho người mua nhà vay thay vì cho các công ty bất động sản vay. Cuối cùng là các công ty địa ốc ở Việt Nam thường vay ngắn hạn (khoảng 2 năm) cho các dự án dài hạn và việc tái cấp vốn cho các khoản nợ đó đôi khi có nhiều khó khăn.

Từ 3 "điểm nghẽn" trên, theo ông Don Lam, việc giải quyết hai vấn đề đầu có thể giúp thị trường bất động sản trở lại hoạt động bình thường trong vòng 6 tháng tới. Còn vấn đề cuối cùng là sự cần thiết để đảm bảo sức khỏe lâu dài của thị trường tài chính và thị trường bất động sản.

"Đã có bệnh thì phải chữa..."

Phát biểu tổng kết Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông đã lắng nghe và thu hoạch được rất nhiều nội dung rất đúng, rất trúng tại sự kiện. Qua đó, thời gian tới, ông đề nghị các cơ quan chức năng, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp, "tất cả đều phải vào cuộc", càng khó khăn, thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức với tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đồng tình với nhiều chia sẻ, phát biểu của các đại biểu, Thủ tướng phân tích thêm về tình hình, chỉ ra nguyên nhân và các định hướng lớn trong xử lý những vấn đề tồn tại, bất cập cần tiếp tục giải quyết liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng tín dụng, thị trường lao động, cũng như tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng dầu, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vừa qua.

Ông lấy ví dụ, thị trường chứng khoán dễ bị "thổi" lên. Nhiều trái phiếu doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm, lãi suất cao đi kèm rủi ro nhưng không tư vấn cho khách hàng... Lĩnh vực ngân hàng có tình trạng sở hữu chéo. Thị trường bất động sản tập trung vào phân khúc cho người giàu.

Theo Thủ tướng, đây là những vấn đề xuất hiện trong quá trình vận động và phát triển do nhiều nguyên nhân khác nhau. "Đã có bệnh thì phải chữa, nhưng chúng ta cùng lúc xử lý nhiều vấn đề trong điều kiện khó khăn nên càng khó khăn".

Thủ tướng:

Thủ tướng: "Đã có bệnh thì phải chữa, trong điều kiện khó khăn nên càng khó khăn"

Thủ tướng cho rằng, trong lúc khó khăn thì khối lượng công việc phải xử lý nhiều và nặng nề hơn, khi xử lý cũng không có phương án nào là hoàn toàn đúng đắn mà phải lựa chọn phương án tối ưu nhất. Điều quan trọng là phải xử lý cho thị trường hoạt động lành mạnh, đúng bản chất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải dứt khoát phải xử lý các sai phạm để các thị trường phát triển đúng bản chất, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, giữ ổn định hệ thống, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan.

"Chữa bệnh thì phải mất thuốc, mất thời gian, mất công sức và phải chờ thời gian để ngấm thuốc", Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, chúng ta tôn trọng quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, trong bối cảnh không bình thường thì Nhà nước phải có sự can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết; các cơ quan chức năng phải phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn. Vì vậy doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại, người dân cũng phải chia sẻ; tất cả cùng suy nghĩ, cùng làm; hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, tránh tình trạng "lúc thuận lợi thì không sao, lúc khó khăn lại kêu Nhà nước".

Thủ tướng đề nghị các ngân hàng tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn. Các tổ chức phát hành trái phiếu cần thực hiện theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, chủ động đàm phán với nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp phát hành, theo đúng quy định pháp luật.

Về thị trường bất động sản, phải cơ cấu lại các phân khúc, giá, sản phẩm, hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp... "Nhà nước có chính sách nhưng các doanh nghiệp cũng phải thay đổi, không thể neo giá cao mãi, chỉ làm phân khúc cho người giàu thì người nghèo, thu nhập thấp không thể tiếp cận được", Thủ tướng nhấn mạnh.


"Không hoang mang, lo sợ, nhưng cũng không lơ là, mất cảnh giác"

Thủ tướng nhấn mạnh, 2023 là năm bản lề của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025 với dự báo khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022; nhưng cũng có nhiều thời cơ thuận lợi, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.

"Chúng ta không hoang mang, lo sợ, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, mà giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp. Tất nhiên, không có giải pháp hoàn hảo, cũng không có lựa chọn hoàn hảo, chỉ có giải pháp, lựa chọn tốt nhất và phải có ưu tiên phù hợp", Thủ tướng cho biết.

Trong công tác điều hành, ông yêu cầu theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động, linh hoạt, có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, dứt khoát, lựa chọn ưu tiên phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm trong bối cảnh nguồn lực có hạn, công việc nhiều; tuyệt đối không chuyển trạng thái đột ngột, "giật cục".

Đồng thời, ông yêu cầu giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; thực hiện nghiêm túc, đồng bộ 4 công điện của Thủ tướng Chính phủ về các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, phát triển thị trường lao động, chăm lo đời sống người lao động.

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm làm, nhưng phải đôn đốc các bộ, ngành làm tích cực hơn", Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, nhân dịp Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ cũng đã bày tỏ sự cảm ơn các nước, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đã ủng hộ Việt Nam trong suốt những năm qua. Đồng thời kỳ vọng các tổ chức, đơn vị, cá nhân này tiếp tục có nhiều ý kiến góp ý và những hành động thiết thực giúp Việt Nam phát triển, trên tin thần hợp tác tin cậy, hiệu quả...

Tuấn Việt

Theo Bizlive

undefined