Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Thủ tướng đề nghị Samsung coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng nhất, chiến lược toàn cầu

12:00 | 23/12/2022

Sáng 23/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) của Samsung tại Việt Nam (khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội).

Cùng dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Oh Young Ju; ông Lee Jae Yong - Chủ tịch Tập đoàn Samsung Điện tử; ông Roh Tae Moon- Tổng Giám đốc Samsung Điện tử; ông Choi Joo Sun- Tổng Giám đốc Samsung Display; ông Choi Joo Ho- Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam.

Trung tâm R&D mới của Samsung Việt Nam có quy mô đầu tư 220 triệu USD, được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng là 11.603 m2 và diện tích sàn là 79.511 m2. Theo Samsung, với việc đưa vào hoạt động trung tâm này, Samsung trở thành doanh nghiệp FDI đầu tiên xây dựng trung tâm riêng, chuyên về nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn. Đồng thời, Samsung đã hoàn thành lời hứa với Chính phủ Việt Nam về việc khánh thành Trung tâm R&D mới vào cuối năm 2022.

Quá trình xây dựng tòa nhà này của Samsung cũng đúng là lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Việt Nam. Tuy nhiên, Samsung đã vừa nghiêm ngặt tuân thủ các quy định phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam, vừa bảo đảm an toàn cho số lượng nhân lực tham gia xây dựng mỗi ngày khoảng 1.300 người. Nhờ đó, công trình đã được hoàn thành theo đúng kế hoạch và không phát sinh bất kỳ một tai nạn lao động nào.

Tính đến thời điểm hiện tại, 50% tổng sản lượng điện thoại di động cung cấp trên toàn thế giới của Samsung đang được sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Samsung cũng đang phát triển và kiểm định phần mềm (S/W) của thiết bị di động và network tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, Samsung có kế hoạch nâng tầm vị thế của Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu để trở thành cứ điểm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của Samsung trên toàn cầu.

Thủ tướng đề nghị Samsung coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng nhất, chiến lược toàn cầu - Ảnh 2.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Samsung đề ra kết hoạch phát triển Trung tâm R&D tại Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển số một toàn cầu thông qua việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các trường đại học trong các lĩnh vực công nghệ then chốt của tương lai, bên cạnh việc gia tăng hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin (IT) của Việt Nam.

Ngoài ra, thông qua Trung tâm R&D, Samsung hy vọng sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của lĩnh vực phần cứng (H/W), phần mềm (S/W) phù hợp với lĩnh vực công nghệ thông tin tiên tiến và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Roh Tae Moon - Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử bày tỏ: "Tôi hy vọng rằng Trung tâm R&D Samsung sẽ trở thành cái nôi nuôi dưỡng nhân tài công nghệ thông tin ưu tú của Việt Nam và là nơi sản sinh ra những công nghệ hàng đầu thế giới. Mong rằng những nhân tài công nghệ được bồi dưỡng, phát triển tại đây sẽ là nguồn lực đóng góp tích cực việc nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam. Samsung sẽ luôn nỗ lực hơn nữa để trở thành doanh nghiệp được người dân Việt Nam yêu mến và luôn là người bạn đồng hành cùng Việt Nam trên con đường hướng tới tương lai".

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992), quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực, đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau và hình mẫu thành công dựa trên sự chân thành, tin cậy về chính trị; sự năng động, linh hoạt, bền vững trong hợp tác kinh tế và sự gắn bó sâu sắc trong giao lưu nhân dân. Tin cậy chính trị và hiểu biết giữa hai nước không ngừng được củng cố. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư vừa là trụ cột quan trọng, vừa là động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác.

Samsung là nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất và cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, hoạt động hiệu quả của Samsung thời gian qua đã có đóng góp quan trọng cho Việt Nam về doanh thu xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và đóng góp các loại thuế cho ngân sách Nhà nước.

Trong giai đoạn COVID-19, Tập đoàn đã vừa thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, không để gián đoạn sản xuất; đồng thời cũng luôn đi đầu trong các hoạt động an sinh xã hội, không chỉ trong cuộc chiến chống dịch COVID- 19 mà còn thường xuyên trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Samsung coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng nhất, chiến lược toàn cầu - Ảnh 4.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam đã trở thành cử điểm sản xuất quan trọng của Samsung trên toàn cầu. Việc Samsung triển khai dự án đầu tư Trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội là minh chứng cho định hướng và cam kết của Samsung hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

Theo Thủ tướng, việc tập đoàn tổ chức lễ khánh thành Trung tâm R&D thể hiện tình cảm và trách nhiệm, là tiền đề để Samsung hiện thực hóa các mục tiêu phát triển tại Việt Nam; là minh chứng cho những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao; là một trong những thành quả của quá trình hợp tác phát triển giữa Việt Nam-Hàn Quốc trong 30 năm qua để cho đến ngày nay là đối tác chiến lược toàn diện.

Thủ tướng đánh giá, toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ngày càng thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tại Việt Nam, phát triển khoa học công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, là một đột phá chiến lược để phát triển kinh tế-xã hội với quan điểm "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số".

Để Trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội nói riêng và Tập đoàn Samsung nói chung hoạt động hiệu quả góp phần hiện thực hóa chủ trương, chính sách phát triển khoa học công nghệ Việt Nam, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế nhanh, bền vững thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương của Việt Nam tiếp tục phát huy phương châm làm việc "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".

"Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, thực hiện thì phải có hiệu quả. Hiệu quả là phải bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, ngày càng phát triển, lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ và tất cả các bên cùng thắng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân", Thủ tướng phát biểu.

Cùng với đó, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Tập đoàn Samsung đầu tư kinh doanh hiệu qua và lâu dài tại Việt Nam, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Vấn đề nào khó, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, quyết định.

Thủ tướng đề nghị Samsung coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng nhất, chiến lược toàn cầu - Ảnh 5.

Thủ tướng cam kết sẽ tiếp tục cũng đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án của tập đoàn đầu tư kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Về phía Tập đoàn Samsung, Thủ tướng mong muốn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh; coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng nhất, chiến lược toàn cầu, toàn diện hơn nữa về sản xuất, nghiên cứu-phát triển các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế; đưa Trung tâm R&D tại Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở Đông Nam Á và trên thế giới.

Cùng với đó, thúc đẩy các hợp tác cụ thể trong nghiên cứu, liên kết mạng lưới các chuyên gia, trí thức Việt Nam tại các viện, trường, doanh nghiệp công nghệ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam để cùng thúc đẩy các dự án công nghệ phù hợp theo nhu cầu của Samsung, khả năng, điều kiện thực tế tại Việt Nam và mang lại những tác động tích cực, hiệu quả cho cả hai bên với việc kết nối đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực.

Thủ tướng mong muốn Tập đoàn sẽ tiếp tục phát huy tinh thần nỗ lực vượt khó như đã thực hiện khi xây dựng Trung tâm, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung tại Thái Nguyên cũng như một số địa phương khác. Đây sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho mục tiêu khép kín "chuỗi sản xuất" trong lĩnh vực điện tử của tập đoàn tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đề nghị Samsung đẩy mạnh đào tạo nhân lực toàn diện tại Việt Nam, trong tất cả các khâu sản xuất, nghiên cứu, cung ứng, quản lý, sớm có người Việt Nam tham gia ban lãnh đạo Samsung tại Việt Nam và Hàn Quốc, điều này sẽ khẳng định sâu sắc hơn nữa tình cảm, trách nhiệm giữa Samsung với Việt Nam và giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Về phía Việt Nam, Thủ tướng cam kết sẽ tiếp tục cũng đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án của tập đoàn đầu tư kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững tại Việt Nam. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam đang chuyển trạng thái trong quan hệ hợp tác với các nước, từ giai đoạn các đối tác chủ yếu là hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn, xóa đói, giảm nghèo, sang giai đoạn hợp tác bình đẳng, hai bên cùng có lợi.

Với tinh thần đó, Thủ tướng chúc Tập đoàn Samsung sẽ tiếp tục phát triển và thành công, hưởng đến những mục tiêu mới, thành tựu mới. Việc hình thành Trung tâm R&D tại Việt Nam sẽ là ngọn lửa truyền cảm hứng đối mới sáng tạo, dẫn dầu các công nghệ trong tương lai, tạo ra giá trị mới thông qua kiến thức và sự đổi mới không ngừng.

Thủ tướng đề nghị Samsung coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng nhất, chiến lược toàn cầu - Ảnh 6.

Thủ tướng đã tiếp ông Lee Jae Yong - Chủ tịch Tập đoàn Samsung Điện tử - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng tiếp Chủ tịch tập đoàn Samsung Điện tử

Nhân dịp này, Thủ tướng đã tiếp ông Lee Jae Yong - Chủ tịch Tập đoàn Samsung Điện tử.

Trong các cuộc gặp trước đây với lãnh đạo Samsung, Thủ tướng đều đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm hoàn thành Trung tâm R&D tại Hà Nội trong năm 2022, đồng thời sớm có người Việt Nam tham gia ban lãnh đạo Samsung tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Samsung trong việc hoàn thành Trung tâm R&D, cảm ơn những đóng góp của Samsung với Việt Nam với vai trò là doanh nghiệp FDI lớn nhất, bày tỏ chia sẻ với Samsung về những khó khăn, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, chúc thành công Samsung thành công toàn diện hơn nữa tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Samsung mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhân lực, kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam; tăng tỷ lệ nội địa hóa và giá trị sản xuất nội địa tại Việt Nam, giảm nhập khẩu từ nước ngoài. Mặt khác, tỷ trọng lợi nhuận của Việt Nam chưa tương xứng với tỷ trọng đóng góp vào giá trị sản xuất của Samsung, Việt Nam mong muốn tỷ trọng này thay đổi nhanh hơn theo hướng cân bằng, hài hòa hơn.

Chủ tịch Samsung khẳng định sẽ tích cực triển khai các nội dung mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo; cho biết Samsung sẽ đẩy mạnh hoạt động R&D tại Việt Nam, đào tạo, phát triển nhân lực có thể đáp ứng môi trường làm việc toàn cầu, phối hợp với phía Việt Nam để nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa cả phần cứng và phần mềm.

Trước mong muốn của Thủ tướng về việc có nhiều hơn nữa người Việt tham gia ban lãnh đạo Samsung tại Việt Nam, Chủ tịch Samsung cho rằng đây chỉ là vấn đề thời gian. Ông nhắc tới thực tế là các nhà ăn tại các cơ sở của Samsung ở Hàn Quốc ngày càng có nhiều món ăn Việt Nam hơn, lý do là có rất nhiều kỹ sư Việt Nam làm việc tại đây và đội ngũ này sẽ ngày càng phát triển.

Thủ tướng đề nghị Samsung coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng nhất, chiến lược toàn cầu - Ảnh 7.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông bày tỏ, nếu không có sự nhiệt thành và hỗ trợ của phía Việt Nam, trong đó có sự quan tâm của Thủ tướng thì không thể thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đầu tư tại Việt Nam như thời gian qua.

Bắt đầu với nhà máy sản xuất điện thoại tại tỉnh Bắc Ninh vào năm 2008, Samsung đã không ngừng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam thông qua thành lập nhà máy sản xuất điện thoại thứ 2 tại tỉnh Thái Nguyên, khu tổ hợp sản xuất hàng gia dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến cuối năm ngoái, tổng số vốn đầu tư lũy kế của Samsung tại Việt Nam là 18,2 tỷ USD và được dự đoán sẽ vượt quá 20 tỷ USD vào cuối năm 2022.

 


Hà Văn

Theo VGP

undefined