Thủ tướng thăm Singapore: Đưa hợp tác kết nối kinh tế hai nước lên tầm cao mới
12:00 | 07/02/2023
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore nhằm khẳng định đưa hợp tác kết nối kinh tế hai nước lên tầm cao mới trong bối cảnh một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực và đi vào triển khai.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long và Quốc vương Brunei Darussalam Hasanal Bolkiah, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ thăm chính thức Cộng hòa Singapore và Brunei Darussalam từ ngày 8-11/2/2023.
Chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore phát triển năng động, mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Năm 2023, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp giữa hai nước được duy trì thường xuyên, hiệu quả, đặc biệt là trong năm 2022 vừa qua với các chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp Nhà nước tới Singapore (2/2022); Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin thăm chính thức Việt Nam (5/2022); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng điều phối chính sách kinh tế Singapore Heng Swee Keat thăm chính thức Việt Nam (9/2022); Tổng thống Singapore Halimah Yacob thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (10/2022).
Về đầu tư, thương mại, Singapore là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở khu vực. Tổng kim ngạch thương mại năm 2022 đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 10,1% so với năm 2021 (năm 2021 đạt 8,3 tỷ USD).
Khu công nghiệp VSIP Bình Dương
Singapore giữ vị trí dẫn đầu trong ASEAN và thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 3.032 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 70,39 tỷ USD. Các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) là biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai nước với 12 khu VSIP tại 9 tỉnh, thành ở Việt Nam với tỷ lệ lấp đầy cao (khoảng 83,2%), thu hút được 17,6 tỷ USD tổng vốn đầu tư cho khoảng 900 dự án, tạo gần 300.000 việc làm.
Trong các chuyến thăm cấp cao gần đây, lãnh đạo hai bên đã nhất trí về một số phương hướng hợp tác lớn, phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, chuyển đổi số, kết nối chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, hợp tác theo chuỗi trong sản xuất.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm khẳng định đưa hợp tác kết nối kinh tế Việt Nam – Singapore lên tầm cao mới trong bối cảnh một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có sự tham gia của Việt Nam và Singapore có hiệu lực và đi vào triển khai, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Về hợp tác quốc phòng, an ninh, Hiệp định về hợp tác quốc phòng song phương ký tháng 2/2022, Kế hoạch hợp tác quốc phòng giai đoạn 2023-2025 và Bản ghi nhớ trong lĩnh vực an ninh mạng ký tháng 10/2022 đang được hai nước triển khai; phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, tăng cường hợp tác giữa các quân, binh chủng.
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang gặp song phương Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen tháng 6/2022. Ảnh: qdnd.vn.
Theo học giả, chuyên gia quan hệ quốc tế kỳ cựu của Thái Lan, ông Kavi Chongkittavorn, điều làm cho mối quan hệ Việt Nam-Singapore trở nên độc đáo là mối quan hệ hợp tác của hai nước trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, với việc duy trì các hoạt động thăm viếng cấp cao và tổ chức đối thoại chiến lược. Trong ASEAN, Việt Nam và Singapore đều chia sẻ quan điểm chung về hoạt động cạnh tranh nước lớn và những hệ lụy đối với khu vực. Hai nước đều ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN, kêu gọi tất cả các đối tác đối thoại của ASEAN can dự tích cực, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.
Bên cạnh đó, hợp tác giữa hai nước Việt Nam –Singapore trong các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, du lịch… cũng được củng cố, thúc đẩy bằng những văn bản thỏa thuận, bản ghi nhớ cụ thể, thực chất.
Singapore là thành viên quan trọng, có tiếng nói trong ASEAN, tại diễn đàn đa phương và trên trường quốc tế. Hai nước hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông; thúc đẩy hợp tác tại các tổ chức, diễn đàn đa phương (Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC…) và các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương cả hai nước cùng tham gia, ký kết (CPTPP, RCEP)./.