Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Thủ tướng yêu cầu ngành ngoại giao tìm cơ hội mới, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước

12:00 | 11/01/2023

Sáng 10/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 - Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 - Ảnh: VGP

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại trụ sở Bộ Ngoại giao với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Cùng dự Hội nghị có đồng chí Phạm Bình Minh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;  Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Năm 2022, tình hình quốc tế tiếp tục trải qua những biến động lớn, có những diễn biến nhanh, phức tạp và ngoài dự báo thông thường. Trong bối cảnh đó, triển khai phương châm ngoại giao "Tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển", ngành ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân và các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, đạt kết quả toàn diện và quan trọng, đóng góp vào thành tựu đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2022.

Tại hội nghị, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương đã tham luận, làm rõ những kết quả nổi bật của công tác đối ngoại năm 2022, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2023. Đặc biệt, đề xuất các nhiệm vụ phối hợp chặt giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại để công tác đối ngoại trong năm 2023 và thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.

Các báo cáo, ý kiến tham luận cũng cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, ngành ngoại giao vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục và làm tốt hơn nữa, như việc nắm bắt cơ hội để khai thác dư địa hợp tác, xử lý, tháo gỡ vướng mắc có nơi, có lúc còn chưa hiệu quả; công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo có lúc chưa kịp thời, nhạy bén; để xảy ra tiêu cực đáng tiếc trong ngành...

HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO ĐƯỢC ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng năm 2022 qua đi, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngoại giao có rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: Có niềm vinh dự, tự hào; có sự tâm tư, lo lắng xen lẫn nuối tiếc, trăn trở; có niềm tin và kỳ vọng lớn lao vào sự phát triển của ngành ngoại giao, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo...

Năm 2022, hòa cùng những thành tựu chung của đất nước, hoạt động đối ngoại đã được đẩy mạnh toàn diện với tất cả các nước lớn và hầu hết các đối tác chủ chốt, thể hiện qua gần 70 hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có 14 chuyến thăm đến 17 nước; tham dự 5 hội nghị quốc tế đa phương; hàng trăm cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo, nguyên thủ các nước trên thế giới; tiếp đón 19 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước đến thăm Việt Nam.

Các hoạt động đối ngoại đều rất thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Đối ngoại đa phương đạt nhiều kết quả tích cực, thể hiện vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, vị trí quan trọng tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO, cho thấy sự ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa của một số hoạt động, dấu ấn đối ngoại như chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; quan điểm, lập trường của Việt Nam về xung đột tại Ukraine nhận được sự chia sẻ của bạn bè, đối tác quốc tế.

Thông qua các biện pháp vừa hợp tác vừa đấu tranh, kiên quyết và kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm các lợi ích chiến lược của đất nước, đồng thời góp phần tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển có đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, trong đó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến đầu tiên với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện và cơ quan thương mại ở nước ngoài.

Ngoại giao vaccine linh hoạt, hiệu quả, thiết thực với hoạt động của Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, đưa nước ta trở thành quốc gia có số liều vaccine sử dụng và tỉ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới, đóng góp quan trọng vào triển khai thành công phương châm thích ứng an toàn với dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó là những thành tựu trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài; ngoại giao hợp tác phát triển; ngoại giao văn hóa; đàm phán phân giới cắm mốc biên giới…

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những thành tựu, kết quả của ngành ngoại giao, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước trong năm 2022, đồng thời đề nghị Bộ Ngoại giao nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, bài học từ những thành tựu, kết quả thời gian qua, đặc biệt là tinh thần "bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, thích ứng; kịp thời, hiệu quả". Đặc biệt, Thủ tướng nhắn nhủ cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài luôn đoàn kết, gắn bó, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ, nhất là vai trò của các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện.

TÌM ĐỘNG LỰC MỚI, CẢM HỨNG MỚI VÀ CÓ CỐNG HIẾN MỚI

Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng thế giới và khu vực năm 2023 đứng trước những  xu hướng, chuyển dịch lớn, đặt ra cho chúng ta những thời cơ và thách thức đan xen, "trong nguy có cơ" và ngược lại. Đối với Việt Nam, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Chính phủ đã xác định phương châm hành động năm 2023 là "Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả". Trên cơ sở đó, Thủ tướng nhất trí với chủ đề hành động năm 2023 của ngành ngoại giao là "Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, sáng tạo, vượt mọi thách thức, phát huy vai trò tiên phong của công tác đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước".

Về phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ Ngoại giao và các ý kiến tham luận. Tinh thần chung là: Tiếp tục kế thừa và phát huy bản sắc đối ngoại và ngoại giao Hồ Chí Minh; quán triệt nghiêm túc và luôn bám sát chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong của đối ngoại, trong đó giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Bộ, ngành ngoại giao.

Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả và vận dụng sáng tạo, linh hoạt, triển khai có trọng tâm, trọng điểm đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; đường lối Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5 năm và 10 năm; các Nghị quyết Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội; chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc.

Chú trọng phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại: Chủ động đi trước mở đường cho phát triển đất nước; bảo vệ "từ sớm", "từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy", không để bị động bất ngờ; dám nghĩ, dám làm, bắt kịp với xu thế mới; không ngừng đổi mới, sáng tạo, tìm ra những tiềm năng mới, nguồn lực mới cho phát triển.

Thứ hai, nắm chắc, đánh giá đúng bản chất tình hình, đúng đối tượng và đối tác, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, không để bị động về chiến lược; giữ gìn môi trường hòa bình và huy động tối đa ngoại lực để phát triển đất nước. Tăng cường vai trò tiên phong, tai mắt của ngành ngoại giao, nhất là hệ thống 94 cơ quan đại diện phải thực sự là những cây "ăng - ten" nhạy bén, tin cậy cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Thứ ba, tập trung thực hiện tốt 3 nhóm nhiệm vụ: Nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; nhiệm vụ trung tâm; nhiệm vụ quan trọng.

Trong đó, nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền, ổn định chính trị - xã hội. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về nhiệm vụ trung tâm là phục vụ phát triển đất nước theo hướng bền vững, tự lực, tự cường; đóng góp tích cực với các hoạt động rất cụ thể để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả; bám sát tinh thần "lấy người dân, doanh nghiệp, địa phương là trung tâm phục vụ", bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy tìm những cơ hội mới, thị trường mới, lĩnh vực mới; tranh thủ tối đa những cơ hội thuận lợi của môi trường quốc tế, nguồn lực bên ngoài cho phát triển. Chuyển hoá mạnh mẽ lợi thế quan hệ chính trị - đối ngoại tốt đẹp của Việt Nam với các quốc gia, đối tác trở thành các cơ hội hợp tác, lợi ích kinh tế, phục vụ cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nỗ lực đưa nền kinh tế vào vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động của ngoại giao kinh tế trong mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước đa dạng hóa thị trường nhập khẩu. Đẩy nhanh và thực hiện hiệu quả các cam kết, thỏa thuận quốc tế. Tận dụng thật tốt và tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại, đầu tư, mang lại lợi ích thực chất cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ cụ thể như thúc đẩy thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU, gỡ thẻ vàng IUU…

Nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế đất nước, thể hiện vai trò, đóng góp của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh, phát triển của khu vực và thế giới. Chủ động tham gia quá trình thiết lập, định hình các luật lệ, cơ chế trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo được lợi ích của Việt Nam.

"Với bạn bè, đối tác quốc tế, hình ảnh của mỗi đại sứ, mỗi cán bộ ngoại giao công tác tại nước ngoài khi làm nhiệm vụ cũng là hình ảnh của đất nước, làm sao để các đối tác cảm thấy được và chia sẻ với sự chân thành, tin cậy của Việt Nam thông qua sự chân thành, tin cậy của các đồng chí", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ tư, tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Quốc hội, đối ngoại nhân dân; giữa các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Thứ năm, hết sức chú trọng đào tạo nguồn nhân lực với quan điểm con người là yếu tố quyết định, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao thật sự bản lĩnh, vững vàng về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, thạo về ngoại ngữ, hiệu quả trong công tác, luôn đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, với chính sách đãi ngộ phù hợp.

Thứ sáu, hết sức coi trọng công tác xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên. Càng khó khăn bao nhiêu, càng phải đoàn kết thống nhất; phát huy tinh thần dân chủ, sức mạnh và trí tuệ tập thể.

Thủ tướng lưu ý ngành ngoại giao và các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm hơn nữa tới các nghiệp vụ ngoại giao ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để quảng bá văn hóa, lịch sử, truyền thống, hình ảnh đất nước. Thủ tướng lấy ví dụ, tiệc chiêu đãi các vị khách quốc tế cần có các món ăn đặc sắc của Việt Nam như phở, nem rán…

Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hơn nữa truyền thông đối ngoại, làm sao để bạn bè, đối tác quốc tế cảm nhận, chia sẻ, thấu hiểu và yêu mến đất nước, con người Việt Nam nhiều hơn, tạo khí thế phát triển đất nước mạnh mẽ hơn, công tác đối ngoại có hiệu quả thực chất hơn…


Tiến Dũng

Theo VnEconomy

undefined