chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Tiếp sức để doanh nghiệp, doanh nhân nữ phát triển, khẳng định vị thế
12:00 | 08/03/2023
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn do phụ nữ làm chủ không những có tầm vóc, vững mạnh trong nước mà còn vươn ra quốc tế, góp phần làm tăng uy tín và vị thế của đất nước như Vinamilk, Vietjet, BRG, THTrue Milk...
Bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI.
Việt Nam đã có Nữ doanh nhân đứng trong Top 100 tỷ phú thế giới, rất nhiều nữ doanh nhân liên tục góp mặt trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn, giải doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu và doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có khả năng thích ứng, chịu áp lực và linh hoạt, đã có nhiều cơ hội biến "nguy" thành "cơ" với các chiến lược ứng phó hiệu quả, đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ từ bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VCCI), nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/2023).
Bà đánh giá như thế nào về sự lớn mạnh và vai trò của đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam hiện nay?
Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2009, doanh nhân nữ chỉ chiếm 4% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động; nhưng đến năm 2019, đội ngũ này chiếm đến 24%. Điều này chứng tỏ, đội ngũ này đã và đang lớn dần lên về mặt số lượng.
Nữ doanh nhân không chỉ lớn mạnh về mặt số lượng mà về quy mô và tầm ảnh hưởng đã có nhiều cải thiện. Việt Nam đã có Nữ doanh nhân đứng trong Top 100 tỷ phú thế giới, rất nhiều nữ doanh nhân liên tục góp mặt trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn, giải doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu và doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.
Một thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lại thể hiện nhiều ưu điểm hơn như sử dụng nhiều lao động nữ hơn, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn, giải quyết nhiều thách thức xã hội và có rất nhiều tấm gương tiêu biểu làm tốt việc này.
Phụ nữ lãnh đạo có khả năng thích ứng, chịu áp lực và linh hoạt nên đã có nhiều cơ hội biến "nguy" thành "cơ" với các chiến lược ứng phó hiệu quả, đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, dù chịu tác động không nhỏ từ dịch COVID-19, song đóng góp của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vào tăng trưởng kinh tế - xã hội Việt Nam thời gian qua vẫn rất tích cực.
Danh sách doanh nhân tiêu biểu Việt Nam trong năm 2022 vừa được VCCI công bố cho thấy, có tới 15 trên tổng số 60 doanh nhân được tuyên dương là nữ, chiếm tỷ lệ 25%, cao nhất từ trước đến nay. Đây là những nỗ lực đáng được xã hội ghi nhận.
Đội ngũ nữ doanh nhân hiện nay còn đối mặt với nhiều khó khăn gì, thưa bà?
Có những khó khăn tồn tại từ rất lâu, như rào cản về định kiến xã hội, định kiến giới, nghi ngại về khả năng chèo lái; những đãi ngộ đủ mạnh để động viên, khuyến khích các nhà khoa học nữ làm công tác nghiên cứu hay việc thiếu các chương trình đào tạo dành riêng cho nữ giới về câu chuyện quản trị, tài chính doanh nghiệp...
Về tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, không có thế chấp, không đủ điều kiện vay vốn, không có năng lực, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh khả thi và chưa có được hệ thống kế toán chuẩn mực để xây dựng được các báo cáo tài chính minh bạch, phương án tài chính đủ để thuyết phục các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, những khó khăn về ứng dụng công nghệ trong quản lý hoặc chuyển đổi kỹ thuật số vì thiếu kỹ năng và sự tự tin để sử dụng.
Trong năm 2022 vừa qua, VCCI đã có cuộc khảo sát về thực trạng của các doanh nữ Việt Nam sau đại dịch COVID-19. Kết quả cho thấy, trong quá trình hồi phục doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang phải đối mặt với 4 khó khăn chính gồm: Tìm kiếm khách hàng (64,3% doanh nghiệp đang gặp phải); tiếp cận vốn tín dụng (34,1% doanh nghiệp); 33,7% doanh nghiệp đang gặp phải biến động thị trường; 27% doanh nghiệp khó khăn tìm kiếm nhân sự phù hợp.
Hiện đang có những chính sách thực thi gì nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đội ngũ nữ doanh nhân, thưa bà?
Thực tế, nhận thức rõ về những khó khăn vất vả mà các doanh nhân nữ phải đối diện, trong vài năm qua, Chính phủ đã và đang ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các nhà đổi mới sáng tạo và doanh nhân nữ.
Tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quy định các chính sách hỗ trợ doanh nhân nữ với mức hỗ trợ cao hơn mức dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung.
Doanh nhân nữ cũng sẽ được hỗ trợ 100% hoặc một phần chi phí để tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế. Ngoài ra, nhiều sáng kiến hợp tác công tư cũng như của khu vực tư nhân đã được triển khai và đem lại tác động hết sức thiết thực, hữu ích cho cộng đồng doanh nhân nữ trong việc tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tuy vậy, sau dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ chưa tái định hình lại doanh nghiệp để phát triển bền vững, khiến nhiều doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường.
Để tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua thách thức, Chính phủ và các bộ, ngành đã có rất nhiều gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được.
Do vậy, để hỗ trợ doanh nhân nữ để phát triển cả về số lượng và chất lượng, cần sự tham gia của rất nhiều bên: từ phía cơ quan chức năng phải cần có chính sách hỗ trợ đầu tư tài chính phù hợp; các hiệp hội cần phải đẩy mạnh hơn nữa vai trò kết nối để lấp được khoảng trống mà các nữ doanh nhân đang thiếu về mặt kết nối và thị trường.
Thời gian tới, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam sẽ có những chương trình nào để hỗ trợ đội ngũ doanh nhân này?
Trong hơn 20 năm qua, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp như Chương trình nhằm tư vấn, chia sẻ thông tin về Khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, kỹ năng điều hành, quản trị doanh nghiệp; cập nhật thông tin về luật pháp, chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo nền móng cho việc tiến tới xây dựng hệ thống mạng lưới chuyên gia tư vấn về khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Thực tế, tùy theo mỗi giai đoạn, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã và đang xây dựng những chiến lược và những kế hoạch hỗ trợ cụ thể. Trong 4 khó khăn chủ yếu mới được khảo sát, chúng tôi đã chọn 2 khó khăn lớn nhất là tìm kiếm mở rộng thị trường và tiếp cận vốn, tín dụng để xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động thời gian tới.
Về tìm kiếm và mở rộng thị trường, sau khi COVID-19 diễn ra, chúng ta mới nhận ra rằng, thị trường nội địa là thị trường rộng lớn. Vì vậy, chúng tôi đang phối hợp với UN Women là cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ tiếp cận với chuỗi cung ứng trong nước. Từ đó, doanh nhân nữ có thể đẩy mạnh giao thương nội khối, trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện vươn ra thị trường thế giới.
Về tiếp cận tín dụng, chúng tôi đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Nhà nước để giới thiệu cho các doanh nhân nữ các thông tin những chính sách dự án vay vốn và những hướng dẫn để có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), bà muốn gửi lời chúc gì đến đội ngũ doanh nhân nữ Việt Nam?
Đại diện cho Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, tôi xin chúc các doanh nhân nữ có nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui. Vững tay lái để chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình vững vàng, luôn hướng về phía trước. Bên cạnh các chị sẽ có Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đồng hành.
Một lần nữa xin cảm ơn bà về những chia sẻ vừa rồi!