chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Tỷ giá USD/VND lao dốc và điểm quan trọng nhất
12:00 | 07/12/2022
Chỉ trong hơn một tuần tỷ giá USD/VND đã cân lại phân nửa mức độ biến động đột biến trước đó.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước
Sáng 7/12, thị trường liên ngân hàng chứng kiến cú sập rất mạnh và hiếm thấy của tỷ giá USD/VND giao ngay. Mức giảm tới 0,67% chỉ qua một đêm rất hiếm; mức giảm quanh 0,35% thể hiện vừa qua cũng đã là rất mạnh.
Giá USD giao ngay trên thị trường này theo đó xuyên thủng hẳn mốc 24.000 VND và chỉ còn 23.840 VND.
Trong chục năm qua, ngoại trừ những lần điều chỉnh trực tiếp của chính sách, ví như lần điều chỉnh trực tiếp hơn 9% đầu năm 2011, thị trường cũng chưa từng chứng kiến mức độ biến động mạnh của tỷ giá USD/VND như từ giữa năm 2022 đến nay. Tính chung một tuần qua, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã giảm tới 3,21%.
Việt Nam có nhiều loại tỷ giá giao dịch cùng lúc, trên các thị trường. Trong đó, tỷ giá liên ngân hàng có vai trò quan trọng, phản ánh trực tiếp nhất giá của cung - cầu ngoại tệ mà các ngân hàng thương mại/hệ thống trung gian cần cân đối cho thị trường. Tỷ giá của các ngân hàng cũng luôn xoay quanh trục giá liên ngân hàng, với chênh khoảng 30-40 VND tùy thời điểm.
Thị trường liên ngân hàng cũng có môi trường khá lý tưởng nhất, xét ở góc độ nắm bắt sát cân đối cung - cầu trong hệ thống, ở khả năng nắm bắt các dòng chảy và cả vấn đề thông tin để phản ánh nhanh nhạy.
Cung - cầu hiện nay thế nào?
Về vĩ mô, Việt Nam vẫn xuất siêu khá lớn 11 tháng đầu năm nay (thặng dư hơn 10 tỷ USD); giải ngân vốn FDI vẫn tăng khá mạnh; đặc biệt không hẳn ngẫu nhiên khi tỷ giá USD/VND lên đỉnh gần 25.000 VND thì đánh dấu khối ngoại bắt đầu chuỗi giải ngân mua ròng cực mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cho đến nay…
Cung ngoại tệ cũng đã và đang liên tiếp có nguồn từ hoạt động vay nước ngoài. Tính toán của người viết trên cơ sở các thông tin đã công bố, cũng như kế hoạch dự tính của doanh nghiệp sắp công bố, gần 3 tỷ USD nguồn vốn các doanh nghiệp và ngân hàng trong nước vay quốc tế đã và đang lần lượt chảy về khoảng một tháng gần đây và tới đây.
Thị trường và nền kinh tế không thiếu ngoại tệ. Nhưng, trao đổi với người viết, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt vấn đề rằng nguồn ngoại tệ có đưa vào giao dịch, có chuyển đổi để thực sự tạo cung hay không mới là quan trọng.
Theo đó, vị lãnh đạo này cho rằng, sau những biến động của tỷ giá USD/VND và đặc biệt là diễn biến điều chỉnh rất sâu hiện nay, điểm quan trọng nhất nằm ở sự thông suốt hai chiều trên thị trường; cung - cầu được kết nối, đáp ứng thuận lợi thay vì chỉ một chiều là găm giữ hoặc buộc nhà điều hành phải bán ra trước đó; giá cũng có tăng có giảm, thay vì chỉ một chiều tăng lên như vừa qua.
Để thông suốt, để thị trường ngoại tệ tự dưỡng, các chủ thể, nhất là các bên nắm giữ ngoại tệ phải hài lòng, có kỳ vọng hợp lý để có hành vi hợp lý.
“Nếu tâm lý thị trường không ổn, kỳ vọng thị trường vẫn chỉ theo một chiều thì khó khơi thông các dòng chảy”, vị lãnh đạo chuyên trách trên của NHNN nói.
Kỳ vọng hợp lý đã và đang hình thành, hay tâm lý thị trường đã ổn và hài lòng khi có cung bán ra, tỷ giá hạ nhiệt mạnh. Kết quả này có từ tổng hòa nhiều yếu tố.
Thứ nhất, sau khi tỷ giá USD/VND đã tăng tới trên 9% (so với đầu năm lẫn cả cùng kỳ 2021), một mức độ giá trị đủ để thỏa mãn hoạt động đầu tư, đầu cơ, nắm giữ trước đó, kích thích cụ thể hóa giá trị, hay nói đời thường như “bán vùng đỉnh”.
Thứ hai, thế giới bên ngoài “bất ngờ bớt xấu và tốt lên vào cuối năm” - theo lời của một chuyên gia thuộc Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA). Cụ thể như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bớt “diều hâu” trong định hướng tăng lãi suất; chỉ số USD Index cũng đã hạ nhiệt mạnh, từ cao điểm gần 115 về chỉ còn quanh 105 điểm hiện nay.
Thứ ba, lợi ích sát sườn thể hiện rõ và lớn. Lãi suất huy động VND tăng mạnh, đạt các mốc trên 9%/năm, thậm chí trên 10%/năm đánh thẳng vào lợi ích nắm giữ khi so sánh với USD, nhất là tại Việt Nam lãi suất huy động USD vẫn áp trần 0%/năm. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND cũng chênh cao vượt trội so với USD.
Thứ tư, cung ngoại tệ vẫn thuận lợi, như trên với các cân đối và các nguồn mới chảy về. Ngoài ra, luôn là đặc điểm hàng chục năm qua, cứ vào mùa cao điểm thanh toán chi trả cuối năm thì nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ sang lấy VND cho trang trải thể hiện rõ, đặc biệt là ở những giai đoạn lãi suất VND lên cao.
Tại thời điểm này NHNN đã và đang phải liên tục bơm hỗ trợ nguồn VND trên thị trường mở với quy mô đáng kể. Và trong bối cảnh “khan” thanh khoản trên một số thị trường, cũng như lượng lớn VND bị NHNN hút về qua bán ngoại tệ trước đó, khiến cầu VND càng lớn và điều này cũng thúc đẩy chuyển đổi ngoại tệ…
Thứ năm, kết nối các yếu tố trên cũng như góp phần thúc đẩy tạo cung trên thị trường luôn có vai trò và điều hành chính sách của NHNN. Loạt điều chỉnh về biên độ, hai lần tăng các lãi suất điều hành, đặc biệt ở ba lần liên tiếp hạ giá bán ra USD, NHNN từng bước “lái” tâm lý và kỳ vọng thị trường về điểm để kết nối cung - cầu thông suốt, thay vì chỉ một chiều phải bán ra bình ổn trước đó.
Rất nhanh và rất mạnh, như trên, chỉ qua hơn một tuần tỷ giá USD/VND đã nhanh chóng cân bằng rõ rệt mức độ biến động từ tháng 5 đến tháng 11 vừa qua. Từ tăng trên 9% so với đầu năm lẫn cùng kỳ 2021, tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng hiện chỉ còn tăng 4,58% so với đầu năm, và so với cùng kỳ chỉ còn tăng 3,25%.
Đó là những mức độ bình ổn rất đáng chú ý trong một thế giới hàng loạt các đồng tiền chao đảo năm nay; cũng là giá trị cân bằng kịp thời khi mà vừa qua nhiều doanh nghiệp đã phải gồng mình với rủi ro tỷ giá.
Nhưng tương lai vẫn tiềm ẩn nhiều biến động. Chuyên gia nói trên của VIRA cũng lưu ý rằng, phía trước Fed có thể bắt đầu thu hẹp đà tăng lãi suất nhưng nhiều ngân hàng trung ương lớn khác như ECB, BOE,… vẫn phải tiếp tục tăng mạnh lãi suất do độ trễ trong phản ứng chính sách.
Mặt khác, điểm được chú ý hiện nay ở nguồn cung bổ sung từ ngoại tệ vay thương mại, ủy thác… từ nước ngoài đổ về, nhưng không hẳn tất cả đều sẵn sàng bán ra hoặc có mục đích chuyển đổi thẳng.
“Tuy nhiên, điểm tích cực hiện nay là tâm lý nhà đầu tư đã giảm bớt đầu cơ găm giữ USD, chuyển sang nắm giữ VND. Chênh lệch lãi suất hiện càng có sức nặng khi VND đã có thời điểm mất giá mạnh tới 9% so với đầu năm, trong khi từ phía quốc tế DXY dường như cũng đã đạt đỉnh”, chuyên gia của VIRA nhìn nhận.
Cũng theo góc nhìn của chuyên gia này, sau khi có loạt điều chỉnh và can thiệp để bình ổn thị trường, định hướng tâm lý và kỳ vọng trên thị trường, NHNN đã tiếp tục được tăng cường quyền tự chủ trong điều hành và ứng xử chính sách.
Cụ thể như, Nghị quyết 143/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua nhấn mạnh đến quyền tự chủ trên, khi nêu rõ: NHNN điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; trong đó, điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình, có biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết theo quy định, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ và hệ thống các tổ chức tín dụng; có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, ngăn chặn tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.