Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

2014, nhà khoa học sẽ sống được bằng trí tuệ?

5:00 | 23/12/2013

“Hi vọng năm tới khi dự thảo Luật Khoa học&Công nghệ có hiệu lực sẽ có thay đổi lớn mang tính đột phá giúp nhà khoa học có thể sống bằng trí tuệ của mình” - Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân.

Chiều 23/12, tại Hà Nội, người đứng đầu ngành Khoa học&Công nghệ VN đã có buổi đối thoại với các tài năng trẻ VN nhận kỉ niệm 10 năm giải thưởng khoa học kĩ thật thanh niên.


Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân tại buổi đối thoại chiều 23/12. (Ảnh: Văn Chung).


Gần 3 giờ đồng hồ vẫn là không đủ để bộ trưởng và các nhà khoa học trao đổi về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thách thức, bất cập và hướng đi nào cho nền khoa học nước nhà.

Người thiệt thòi nhất và 3 trụ cột đổi mới

Bộ trưởng Nguyễn Quân đã thừa nhận thực tế: “Doanh nghiệp ở VN gần như chưa quan tâm cho khoa học công nghệ (KHCN), các cơ qua nhà nước phần nào đó chưa làm tròn trách nhiệm với KHCN, sử dụng kinh phí chưa hiệu quả vào đúng mục đích”.

Bản thân bộ trưởng cũng cho rằng “thực tế cán bộ khoa học của chúng ta là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong giới làm công ăn lương của nhà nước, không có phụ cấp nào ngoài lương cơ bản”.

Tuy vậy so với GDP thấp (chỉ đứng 132/142 quốc gia trên thế giới), theo bộ trưởng Quân những thành tựu KHCN của VN là đáng ghi nhận.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng KHCN muốn phát triển phải dựa trên thay đổi ở 3 trụ cột lớn.

Thứ nhất, đổi mới phương thức đầu tư không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước. Hiện quá nửa đầu tư cho KHCN không đúng mục đích, hiệu quả. Thậm chí, nhiều địa phương sử dụng tiền làm vành đai, khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt,…

“Đã đến lúc phải huy động nguồn lực xã hội về chi tiêu cho khoa học công nghệ. Nếu chuyển dịch nguồn lực đầu tư cho xã hội thì sẽ khác. Hóa đơn, chứng từ họ không quan tâm bằng kết quả anh bàn giao cho họ” – lời bộ trưởng.

Thứ hai, phải đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ, trọng tâm là đổi mới tài chính để không có đề tài nào không có người đặt hàng. Không như trước đây nhà nước giao đề tài, làm xong không ai chịu trách nhiệm và ứng dụng vào cuộc sống. Các viện trường đều có quyền đề xuất đề tài, cơ quan nhà nước rà soát rồi đề xuất đặt hàng với Bộ KHCN.

Cơ chế quản lý tài chính sẽ được chuyển hẳn sang cơ chế quyết định để nhà khoa học không khỏi kêu ca thời gian làm hóa từ lâu hơn thời gian làm khoa học.

Thứ ba, đổi mới chính sách với cán bộ khoa học. Ngoài tôn vinh sẽ có chính sách ưu đãi cụ thể tập trung và 3 nhóm chính: chế độ phụ cấp, các điều kiện làm việc khác, tuyển dụng,… Sẽ có đặc cách đặc biệt với 3 nhóm gồm: nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được nhà nước giao nhiệm vụ trọng điểm quốc gia và nhà khoa học trẻ tài năng.

Bộ trưởng hi vọng: “Trên nền tảng 3 trụ cột thay đổi, năm tới khi Luật KHCN có hiệu lực, sẽ có thay đổi lớn mang tính đột phá giúp các nhà khoa học có thể sống bằng trí tuệ của mình. Các nhà khoa học có thể dùng luôn sản phẩm của mình để làm vốn tự mình sản xuất kinh doanh.

(…) Làm khoa học ở đất nước chúng ta còn nhiều khó khăn lắm. Ai cũng nói quan trọng cần trọng dụng ưu đãi nhưng hầu như không có ai làm gì. Vì vậy chính chúng ta phải làm gì để tạo niềm tin và bằng thành tựu chúng ta sẽ làm cho nhà nước tin chúng ta”.

Sẽ khoán chi tới sản phẩm cuối cùng

Trước trăn trở của nhà khoa học về sử đổi mới cơ chế quản lí tài chính, Bộ trưởng Quân cho biết: “Với quy định hiện nay của Bộ Tài chính, chi tiêu phải có hóa đơn, thủ tục quyết toán phức tạp,… mãi mãi khoa học không phát triển được.



PGS.TS Đỗ Năng Toàn, Viện công nghệ thông tin, Viện Khoa học và Công nghệ VN. (Ảnh: Văn Chung).


Tới đây, Bộ sẽ áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, gọi là khoán gọn. Nhà nước chỉ quan tâm sản phẩm cuối cùng có làm đúng như nhà khoa học đã cam kết không. Với đề tài không xác định tiêu chí sản phẩm cuối cùng nhà nước cho khoán một phần, vì có thể làm chưa biết thành công hay không.

Chỉ cần mang bài báo khoa học, biên lai thu phí về nhà nước sẽ thanh toán. Nhà nước cũng sẽ có cơ chế hỗ trợ nhà khoa học đi dự các hội nghị, hội thảo ở bất kỳ quốc gia nào. Việc thành lập nhóm nghiên cứu, nhà nước sẽ hỗ trợ nếu đề xuất đề tài, dự án có triển vọng”.

PGS.TS Đỗ Năng Toàn, Viện công nghệ thông tin, Viện Khoa học và Công nghệ VN lo lắng: “Nếu trước đây nghiên cứu do nhà khoa học đề xuất, sản phẩm không đi đến ứng dụng cuối bị cất vào trong tủ của các trường, viện. Thay đổi lần này Bộ có cơ chế nào kiểm soát để sản phẩm ấy không bị cất vào trong kho của các doanh nghiệp?”

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng cho biết: “Ở đây, ai nghĩ được cái gì đề xuất cái đó đặt. Giờ ai đề xuất đặt hàng phải chịu trách nhiệm về ứng dụng, sản phẩm cuối cùng. Nếu không siết chặt việc đó không thể nào có hiệu quả được”.

Lãnh đạo ngành KHCN thông báo:“Hiện có 2 dự án lớn tài trợ cho KHCN VN với nguồn lực còn khoảng 2500 tỷ từ nay đến 2020, bộ tin sẽ có rất nhiều nhà khoa học trẻ được hưởng lợi nguồn hỗ trợ của hai dự án”.

Sẽ có tổng công trình sư?

Trong buổi đối thoại, Bộ trưởng Quân cũng nhắc đến việc cần có những tổng công trình sư lãnh đạo những ngành KHCN trọng điểm của đất nước.

Nhắc đến công trình thủy điện Sơn La (sản phẩm do người VN thiết kế, thi công), bộ trưởng cho rằng: “Ở đó đã có mầm móng tổng công trình sư. Nhưng cần có quá trình đào tạo lâu dài và cơ chế giao quyền lớn đi kèm trách nhiệm cao cho họ. Họ phải được quyền điều động bất kể người nào giỏi, làm được việc, được thỏa thuận lương thu nhập cho họ.

Chưa kể việc tổng công trình sư được sử dụng toàn quyền ngân sách nhà nước, không nên kiểm soát họ. Nếu ông ấy thấy ở đâu có máy nào cần thiết để gia công chi tiết này tốt thì mua luôn, 1 triệu USD hay 2 triệu USD.

Ông thấy hội nghị quốc tế này cần phải đi ngay thì đi ngay, không cần ai ra quyết định. Vì có khi chờ ra quyết định thì hội nghị bế mạc rồi. Hoặc họ cần thuê chuyên gia nước ngoài đến, 1000 USD/1 giờ,…ông được quyền, không phải xin ai cả”.

“Chừng nào chưa có cơ chế ấy thì VN chưa có được những tổng công trình sư” – lời bộ trưởng Nguyễn Quân.


Theo VietNamNet





undefined