Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

3 câu hỏi về kiểm soát quyền lực

5:00 | 04/11/2013

Đọc bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có thể thấy ánh sáng của một tinh thần lập hiến hiện đại với những quy định về quyền con người và kiểm soát quyền lực nhà nước.

Nhưng, thiết nghĩ, để những tia sáng ấy trở thành một vầng sáng rực rỡ, soi rọi vào quảng đại nhân dân, tạo động lực để đất nước phát triển hùng cường, thì dự thảo cần được nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung thêm, trước hết là ở các quy định về “kiểm soát” quyền lực. Nếu không, ý tưởng tốt tươi tại điều 2 dự thảo“Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” sẽ có nguy cơ trở thành một quy định treo, chỉ có tác dụng làm đẹp cho bản hiến văn.

 


Nếu Quốc hội đã được trao quyền lập pháp, thì Chính phủ phải được trao quyền hành pháp mới đảm bảo điều kiện “kiểm soát lẫn nhau”. Ảnh: Đại biểu Quốc hội khóa 13. Ảnh: Minh Thăng


Cơ chế nào để Đảng “chịu trách nhiệm”?

Hiến pháp Việt Nam từ năm 1980 đến nay quy định về mối tương quan giữa “Đảng”, “Nhà nước” và “nhân dân”. Quyền lãnh đạo của ĐCS VN được hiến định tại điều 4. Pháp luật, chính sách của Nhà nước phần lớn là để thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Nhiều năm qua, vấn đề “đổi mới sự lãnh đạo của Đảng” đã được đặt ra có tính cấp thiết trong nội bộ Đảng và cả ngoài xã hội. Đảng cũng đang đứng trước “nguy cơ tồn vong” bởi “một bộ phận không nhỏ” đảng viên suy thoái, biến chất. Vậy nên, một trong những vấn đề đặt ra có tính khoa học và thực tiễn là: quyền lực của Đảng, hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên phải được kiểm soát, giám sát như thế nào? Thiết nghĩ, vấn đề này cần được hiến định rõ ràng, tương thích với điều 4 về sự lãnh đạo của Đảng đối với “Nhà nước và xã hội”.


Khoản 2 điều 4 trong dự thảo đã tiến thêm một bước so với quy định hiện hành trong Hiến pháp 1992 khi viết: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Tôi hoàn toàn đồng ý với quy định Đảng “chịu sự giám sát” và “chịu trách nhiệm” trước nhân dân. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ, bởi chưa trả lời được câu hỏi “Nhân dân giám sát như thế nào? Đảng chịu trách nhiệm gì và chịu trách nhiệm đến mức nào trước nhân dân?”. Như vậy, cần một cơ chế đảm bảo về mặt hiến pháp và luật để nhân dân giám sát và Đảng chịu trách nhiệm.

Tôi “bỏ phiếu” cho ý kiến “cần phải luật hóa sự lãnh đạo của Đảng”. Đọc điều 4 trong dự thảo, tôi xin góp ý nên quy định như sau: “1. Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; 2.Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; 3. Hoạt động của Đảng do luật định”.

Tôi cho rằng, chỉ khi có một đạo luật về sự lãnh đạo của Đảng với nội dung tiến bộ, phù hợp, mới tránh được nguy cơ Đảng “lấn sân” chính quyền, tránh được tình trạng cá nhân hoặc nhóm lợi ích lợi dụng quyền lực của Đảng hoặc nhân danh Đảng để lộng quyền, lạm quyền để trục lợi và can thiệp vô nguyên tắc vào hoạt động của bộ máy Nhà nước. Giám sát tốt hoạt động của Đảng thì mới có cơ hội loại trừ “một bộ phận không nhỏ” đảng viên thoái hóa, biến chất, tức là tránh được nguy cơ “tồn vong của chế độ”.

Ai giám sát Quốc hội?


Điều 74 dự thảo viết: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.

Quy định như vậy thì mâu thuẫn với điều 2 dự thảo là quyền lực Nhà nước “có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, bởi một khi Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất (không ai cao hơn) và thực hiện quyền giám sát tối cao thì các cơ quan hành pháp và tư pháp không thể có quyền “kiểm soát” đối với Quốc hội. Đây là một trong những vấn đề cần được nghiêm túc đặt ra, bởi nguy cơ lạm quyền và tham nhũng chính sách trên thực tế đã được cảnh báo và phát hiện ở nghị viện nhiều nước.

Có người trả lời rằng: Nhân dân, cụ thể là cử tri - những người bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội - sẽ giám sát Quốc hội. Đây chỉ là cách trả lời ngụy biện, lạc quan tếu. Xin thưa, quyền lực chỉ có thể bị giám sát bởi các chế định quyền lực khác. Cử tri chỉ có thể giám sát (có mức độ) đối với từng đại biểu Quốc hội, chứ không thể giám sát có hiệu quả (thông qua những cảnh báo, chế tài) đối với Quốc hội.

Quy định tại điều 74 dự thảo như đã nêu trên cũng mâu thuẫn với nguyên tắc tối thượng tại điều 2 dự thảo là “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Viết theo điều 74 thì có thể hiểu là quyền lực là của dân nhưng nhân dân đã ủy thác tất cả quyền lực của mình cho Quốc hội mà không giữ lại quyền nào, ngay cả quyền quan trọng nhất là quyền phúc quyết Hiến pháp thì cũng chỉ được thực hiện theo quyết định của Quốc hội (bởi khoản 4 điều 124 dự thảo viết “Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”). Trao hết quyền cho Quốc hội thì “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp…” như quy định tại điều 6 dự thảo bằng cách nào?

Thông thường, ở nhiều nước, nguy cơ lạm quyền của Quốc hội sẽ được kiểm soát mạnh nhất bởi các chế định quyền lực độc lập khác là Tòa án Hiến pháp và nguyên thủ quốc gia. Một Tòa án Hiến pháp độc lậpcó chức năng phán xét để hủy bỏ những đạo luật vi hiến cùng với một nguyên thủ quốc gia có quyền phủ quyết (hoặc đề  nghị Quốc hội xem xét lại một đạo luật đã được thông qua) sẽ là những chế định kiểm soát hữu hiệu hoạt động của Quốc hội, tránh những quyết định không có lợi cho dân từ cơ quan lập pháp.

Thiết nghĩ, đây là một trong những nguyên tắc cần được nghiên cứu, tiếp thu để quy định vào dự thảo. Theo dõi các hội nghị, hội thảo trong thời gian qua, tôi thấy quy định tại điều 120 dự thảo rằng Hội đồng Hiến pháp chỉ có quyền “kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp” đã bị đại đa số chuyên gia không đồng tình, bởi nó trái với nguyên tắc kiểm soát quyền lực phổ biến trên thế giới.

Chính phủ: hành chính hay hành pháp?


Điều 99 dự thảo viết: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước”.

Nhiều người nghiên cứu pháp luật bày tỏ sự ngạc nhiên trước quy định này, bởi viết như vậy thì không rõ được Chính phủ là “là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất..., là cơ quan chấp hành của Quốc hội” hay là cơ quan “thực hiện quyền hành pháp”. Bởi một Chính phủ hành chính sẽ rất khác một Chính phủ hành pháp.

Chính phủ hành chính là một Chính phủ thừa hành, chấp hành một cách thụ động các quyết định của Quốc hội. Còn Chính phủ hành pháp là Chính phủ chủ động, linh động trong điều hành kinh tế - xã hội, chủ động đề xuất chính sách, pháp luật và chịu trách nhiệm cao nhất với các đề xuất đó. Người ta nói, sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào tính năng động và chịu trách nhiệm của Chính phủ. Nếu Quốc hội đã được trao quyền lập pháp, thì Chính phủ phải được trao quyền hành pháp thì mới đảm bảo điều kiện “kiểm soát lẫn nhau”, tức quyền lực hành pháp kiểm soát ngược lại quyền lực lập pháp.

Ví dụ, với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Chính phủ có quyền chủ động đề xuất Quốc hội thông qua một đạo luật có nội dung “A” để phục vụ công tác quản lý, nếu Quốc hội không chấp thuận dự luật đó có nội dung “A” mà lại muốn dự luật có nội dung “B” thì Chính phủ phải có quyền bảo lưu quan điểm của mình, tức là có quyền rút lại dự luật.

Nhưng nếu chỉ là cơ quan hành chính, cơ quan chấp hành của Quốc hội, thì Chính phủ muốn “A” nhưng Quốc hội quyết “B” thì Chính phủ vẫn phải tuân thủ (điều này có thể dẫn đến hệ quả: Chính phủ không thể thực hiện nội dung “B” vì Chính phủ đã tính toán là “A” mới đảm bảo khả thi). Chính phủ đề xuất “A”, Quốc hội quyết định “B”, nếu Chính phủ không thực hiện được “B” mà bị Quốc hội chế tài thì vô lý. Thực tế hiện nay cho thấy, không ít cái sai, thiếu thực tế, không khả thi rất khó tìm được “địa chỉ” trách nhiệm, bởi không rõ vai trò hành chính và hành pháp của Chính phủ.

Rõ ràng, một Chính phủ hành pháp sẽ tốt hơn cho việc đảm bảo cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo ra cơ chế “dám làm dám chịu” và trách nhiệm sẽ rõ ràng hơn.

 


Theo VietNamNet

undefined