chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
30.000 tàu thép cho ngư dân
12:00 | 05/06/2014
Quyết tâm trang bị tàu thép công suất lớn cho ngư dân đang thành hiện thực khi mô hình đóng tàu vỏ thép và cơ chế tài chính được triển khai thực hiện.
Tàu vỏ thép của ngư dân Mai Thành Văn vừa từ vùng biển Trường Sa trở về cảng Sa Cần, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi - Ảnh: Võ Minh
Ngày 4-6, tại buổi thăm và làm việc ở Công ty đóng tàu Hạ Long (Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chiến lược phát triển kinh tế biển thời gian tới là tiếp tục đóng những con tàu lớn để vừa phát triển kinh tế, vừa tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển và thực hiện bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo”.
Để ngư dân tự nguyện
Báo cáo Thủ tướng về chương trình tàu cá vỏ thép thí điểm, đại diện SBIC cho biết đến nay đã đóng xong và bàn giao ba tàu vỏ thép cho ngư dân đưa vào khai thác.
Mức đầu tư cho những chiếc tàu vỏ thép cao hơn khoảng 60% so với tàu gỗ cùng kích thước, tuy nhiên tàu vỏ thép có tốc độ di chuyển cao hơn, tiêu hao nhiên liệu thấp hơn 15%, có thể hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển liên tục dài ngày với độ an toàn cao hơn...
SBIC cho biết sau khi hoàn thành, bàn giao nốt những chiếc tàu cá vỏ thép còn lại trong dự án vào cuối tháng 6 sẽ đánh giá kết quả, hoàn thiện thiết kế để đưa vào sản xuất trên diện rộng.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết đã thống nhất với đề xuất có chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn giá rẻ, giúp ngư dân chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép để yên tâm vươn khơi bám biển.
“Chúng ta luôn mong muốn trang bị cho ngư dân tàu to hơn, hiện đại hơn, an toàn hơn nhưng phải gắn liền với tính hiệu quả, đảm bảo tính bền vững. Do đó mô hình thí điểm đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân đã được triển khai thực hiện, cơ chế tài chính cho thí điểm cũng đã được thực hiện” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng chỉ đạo: “Các bộ, ngành liên quan cần thảo luận và đưa ra mô hình để ngư dân thấy được hiệu quả và tự nguyện chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép”.
Phải có 30.000 tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ
Ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cũng như nhiều chuyên gia thủy sản, cho rằng các chương trình đánh bắt xa bờ hay các dự án thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép trước đây đều bị mắc ở khâu “đầu tiên” là tiền đâu, vốn đâu.
Chính vì những khó khăn đó nên đến lúc này, đội tàu cá xa bờ của ta mới chỉ có trên 25.000 chiếc từ 90 mã lực trở lên (tàu có khả năng đánh bắt xa bờ từ 50 hải lý trở lại).
Loại tàu 400 mã lực trở lên có 4.000 chiếc (hoạt động được ngoài 50 hải lý) nhưng trang thiết bị quá đơn giản, không hành trình được dài ngày để đi biển xa, hiệu quả đánh bắt chưa cao.
Theo ông Tám, toàn bộ trên 25.000 tàu cá 90 mã lực này cần được nâng cấp từ tàu gỗ lên thành tàu vỏ thép và phải có công suất lớn, có thể đi biển xa hơn, dài ngày hơn.
Thêm vào đó, cần đóng thêm nhiều tàu vỏ thép cỡ lớn để đến năm 2020 chúng ta phải có đội tàu xa bờ lên tới 30.000 chiếc.
Sẽ đóng tàu hiện đại nếu lãi suất vay thấp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Bình Minh, trưởng ban kinh doanh và thương mại SBIC kiêm tổ trưởng tổ dự án phát triển tàu cá vỏ thép của SBIC, cho biết từ tháng 9-2013 SBIC đã chủ động xin ý kiến và được Bộ GTVT đồng ý cho SBIC sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ để triển khai thí điểm đóng sáu tàu đánh cá vỏ thép cho ngư dân ở hai tỉnh Nam Định và Quảng Ngãi.
Cả sáu tàu cá vỏ thép này đều là loại 600-900 mã lực, là loại tàu lưới rê, lưới vây và lưới kéo. Theo thiết kế, các tàu này có thể hoạt động trên biển xa từ ba tuần tới hai tháng, tùy vào từng loại tàu.
Cũng theo ông Minh, ngoài ba loại tàu kể trên, các công ty thành viên của SBIC cũng đã thiết kế thêm ba loại tàu cá vỏ thép cỡ lớn nữa là tàu câu cá ngừ, tàu chụp mực và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Với sáu chiếc tàu thí điểm, chi phí để đóng mới một tàu cỡ 5-7 tỉ đồng tùy mã lực, tùy loại (chưa kể ngư cụ, thường bằng 20% tổng giá trị con tàu).
Với ba chiếc tàu đã bàn giao, ngư dân chỉ phải đóng góp 10% giá trị tàu và phải tự trang bị ngư cụ. Ngoài phần đối ứng 10%, số còn lại ngư dân phải trả dần cho SBIC trong vòng 5-7 năm với lãi suất khoảng 3%/năm. Tàu thuộc sở hữu và đăng ký tên của SBIC cho tới khi ngư dân thanh toán hết số tiền trả chậm.
Hào hứng với những thông tin về tàu vỏ thép, ông Phạm Lễ (Đức Phổ, Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg 94635, bày tỏ: “Nếu Nhà nước có chủ trương cho ngư dân vay tiền để đóng tàu vỏ thép với lãi suất thấp thì tôi sẽ vay ngay để đóng tàu hiện đại với đầy đủ trang thiết bị, kể cả hệ thống cấp đông để bảo quản cá sau khi đánh được. Phải đóng cho được các đội tàu giống như các tàu mà ngư dân Trung Quốc đang sử dụng. Có như vậy ngư dân Việt Nam mới bám biển dài ngày và không sợ nguy hiểm trên biển. Nếu Nhà nước cho vay với lãi suất dưới 3%/năm, tôi sẽ vay 10 tỉ đồng để đóng tàu vỏ thép ngay mà không chần chừ...”.
Tuy nhiên, ông Lễ thoáng chút âu lo: “Tôi lo nhất là cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước hay phải thông qua nhiều kênh khác nhau dẫn đến chi phí bị “đội” lên”.
Tự đóng hay đi thuê tàu?
Theo ông Trần Cao Mưu - tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, dự thảo nghị định mới về chính sách phát triển nghề cá của Chính phủ là rất kịp thời.
Theo dự thảo, gói tín dụng 10.000 tỉ đồng sẽ được cho vay với lãi suất 3%/năm, thời hạn vay 10-15 năm và ân hạn một năm, việc thế chấp không quan trọng, bởi ngư dân được quyền lấy chính tài sản hình thành là con tàu mới...
Ông Mưu phân tích nếu đóng tàu vỏ thép như SBIC thì con tàu khoảng 600 mã lực hết 6-7 tỉ đồng, trang bị thêm các trang thiết bị, ngư cụ tương xứng cũng phải đầu tư khoảng 2 tỉ đồng. Tổng cộng khoảng 8-9 tỉ đồng/tàu.
Tức ngư dân phải “đối ứng” 2-3 tỉ đồng (khoảng 30%). Theo nghị định mới, ngư dân cũng phải có tối thiểu 10%, tức ngót nghét cả tỉ đồng, còn lại Nhà nước cho vay với lãi suất 3%/năm trong thời hạn 10-15 năm.
Ông Mưu nêu thắc mắc: “Với khoản vay 7-8 tỉ đồng, lãi suất 3%/năm thì mỗi năm ngư dân cũng phải có vài chục triệu đồng để trả lãi. Vậy liệu ngư dân có đóng tàu vỏ thép hay không? Cái này cần thăm dò, khảo sát kỹ”.
Khi được hỏi: “Nhà nước có nên đầu tư đóng mới tàu rồi sau đó cho ngư dân thuê?”, ông Trần Cao Mưu chia sẻ: “Vấn đề là quản lý. Trình độ quản lý cao, trách nhiệm quản lý cao là khi con người gắn với tài sản đó, họ được làm chủ thật sự tài sản của mình. Còn bây giờ nói cho mượn, cho thuê tôi cứ dùng rồi trả tiền thuê, còn hỏng hóc anh chịu thì rõ ràng trách nhiệm quản lý sẽ có vấn đề. Không khẳng định vai trò quản lý, vai trò làm chủ thì quản lý sẽ hời hợt. Phải gắn trách nhiệm quản lý của ngư dân với con tàu. Vấn đề là cho họ vay với lãi suất thấp, thời hạn vay lâu dài, phải để chính họ bỏ tiền vào đó thì trách nhiệm của họ sẽ cao hơn”.
Ông Mưu đề nghị phải khảo sát thật kỹ xem dân thích đóng tàu hay thích thuê tàu. “Với tôi, cho dân vay đóng tàu sẽ hiệu quả hơn. Tàu của họ thì họ có trách nhiệm hơn. Nếu anh đóng tàu vỏ thép cho thuê thì hằng năm phải bảo dưỡng 1-2 lần. Tàu vỏ thép cứ sáu tháng phải đưa lên đà để bảo dưỡng đánh hà, cạo gỉ, sơn sửa lại. Nếu đi thuê tàu thì người ta phải tận dụng, tranh thủ tối đa thời gian để đưa vào khai thác. Còn nếu là tàu của ngư dân, họ sẽ có trách nhiệm bảo quản con tàu của mình. Họ sẽ định kỳ đưa tàu về bến để bảo dưỡng, nâng tuổi thọ con tàu”.
Cùng ý kiến với ông Mưu, ông Lê Văn Sáu (Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng), chủ tàu cá ĐNa 90163, bày tỏ: “Chúng tôi vẫn thích phương án vay tiền rồi tự đóng tàu để sử dụng hơn là cách Nhà nước đóng tàu rồi giao lại cho ngư dân thuê. Bởi mỗi địa phương, mỗi gia đình có một phương thức đánh bắt cá khác nhau. Con thuyền cũng như căn nhà của họ vậy”.
THÂN HOÀNG - NAM KHÁNH - ĐỨC BÌNH - Đ.NAM
Tàu thép ra khơi trở về: Đánh bắt rất sướng!
Đó là tâm sự của ngư dân Mai Thành Văn (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), chủ tàu cá vỏ thép lưới vây rút chì Hoàng Anh 01, chiếc tàu cá vỏ thép đầu tiên của ngư dân Quảng Ngãi do Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đóng mới cho thuê. Ông cùng anh em bạn biển vừa trở về trên chuyến đầu tiên ra khơi đánh bắt từ ngư trường Trường Sa của Việt Nam.
Ông Văn kể sau gần 40 ngày đi biển, hoạt động của tàu rất tốt, vận hành tàu sướng hơn nhiều so với tàu gỗ. “Khi gặp luồng cá vây bắt cũng linh hoạt hơn. Tôi thấy có tàu vỏ thép này mình tự tin bám biển” - ngư dân Văn nói.
Về sản lượng trong chuyến biển đầu tiên, tàu đánh bắt được hơn 10 tấn cá, chủ yếu là cá ngừ, thu về trên 200 triệu đồng, chia cho anh em bạn biển được mỗi người 4 triệu đồng. Về sản lượng đánh bắt được, ông Văn cho biết: “Phiên biển đánh cá bằng tàu vỏ thép đầu tiên mà được như vậy là mừng rồi. Coi như chuyến biển này tôi đủ phí tổn, không bị lỗ. Một mặt do không gặp được luồng cá lớn, chứ nếu không sẽ đánh bắt được nhiều hơn thế. Chuyến sau quen tàu, có kinh nghiệm chắc chắn sẽ thắng”.
Ngư dân Văn nói đang xúc tiến tìm nguồn vốn vay đầu tư đóng mới tiếp một chiếc tàu cá vỏ thép để hành nghề. Dự kiến đầu tuần tới, tàu Hoàng Anh 01 sẽ đi phiên biển thứ 2 ra ngư trường Trường Sa.
Theo Tuổi Trẻ online