6 tháng đầu năm 2021, hơn 1,1 triệu lao động thất nghiệp
12:00 | 07/07/2021
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm 2021 số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,1 triệu người, tăng 101,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình
lao động việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021.
Theo đó, trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19. Tình hình lao động việc làm quý 2 cho thấy thị trường lao động chưa thấy dấu hiệu khả quan với số người có việc làm giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với quý trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng so với cùng kỳ năm trước.
HÀNG TRIỆU LAO ĐỘNG THẤT NGHIỆP VÀ THIẾU VIỆC LÀM
Số liệu báo cáo cho biết, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý 2/2021 là 49,9 triệu người, giảm 65 nghìn người so với quý trước và tăng gần 1,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2021 là 49,9 triệu người, tăng 788,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 17,9 triệu người, tăng 743,9 nghìn người (chiếm 94,3% tổng số việc làm tăng của cả nước).
Lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2021 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,9 triệu người, (chiếm 27,9%), tăng 259,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,4 triệu người (chiếm 32,8%), tăng 77,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, khu vực dịch vụ là 19,6 triệu người (chiếm 39,3%), tăng 451 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý 2/2021 là 1,1 triệu người, tăng 173,5 nghìn người so với quý trước và giảm 137,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý 2/2021 là 2,60%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Sự bùng phát nhanh hơn, mạnh hơn, khó kiểm soát hơn của dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,80% và 2,49%). Xu hướng này khác biệt với xu hướng thường thấy được qua các năm trước với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn so với khu vực thành thị.
Xét theo ba khu vực kinh tế, tỷ trọng lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý 2/2021 ở khu vực dịch vụ là cao nhất với 35,8%, tiếp theo là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 35,6%.
Trong khi đó, thiếu việc làm trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2021 là hơn 1,1 triệu người, tăng 48,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2021 là 2,58%, tăng 0,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị là 2,64%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2/2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước và giảm 82,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2/2021 là 2,62%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 3,36%, tăng 0,17 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,95 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2021 là hơn 1,1 triệu người, tăng 101,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2021 là 2,52%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
THU NHẬP BÌNH QUÂN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG GIẢM
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, diễn biến khó kiểm soát của dịch Covid-19 trong quý 2/2021 đã làm gián đoạn đà phục hồi thu nhập bình quân của người lao động kể từ 3/2020 đến quý 1/2021. Quý 2/2021 ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước.
Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của lao động quý 2/2021 đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226 nghìn đồng so với quý trước và tăng 547 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,44 lần (7,1 triệu đồng so với 4,9 triệu đồng), thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,41 lần (7,5 triệu đồng so với 5,3 triệu đồng).
Trong quý 2/2021, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động làm việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng bị ảnh hưởng về thu nhập nhiều nhất với mức thu nhập bình quân tháng đạt 6,7 triệu đồng, giảm 464 nghìn đồng, tương ứng giảm 6,5% so với quý trước; lao động trong khu vực dịch vụ với thu nhập bình quân đạt 7,2 triệu đồng, giảm 291 nghìn đồng, tương ứng giảm 3,9%.
Riêng thu nhập bình quân tháng của lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,7 triệu đồng, tăng 80 nghìn đồng, tương ứng tăng 2,2%, đây là khu vực duy nhất có mức thu nhập bình quân tăng so với quý trước.
Thu nhập của lao động làm công ăn lương quý 2 đạt 6,8 triệu đồng, giảm 411 nghìn đồng so với quý trước và tăng 455 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam làm công hưởng lương cao hơn lao động nữ 1,2 lần (tương ứng 7,3 triệu đồng so với 6,2 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn 1,3 lần so với thu nhập của lao động ở nông thôn (tương ứng 7,7 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).
N. NGA
Theo Bizlive