Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

8 nhà báo hàng đầu đang tiến hành cách mạng hóa truyền thông

12:00 | 09/01/2016

Nhiều ông chủ của các tờ báo vẫn tin rằng báo chí truyền thống mang một sức mạnh đặc biệt có khả năng bảo đảm cho tương lai kỹ thuật số của họ. Nhưng vấn đề vẫn nằm ở con người, và những hãng truyền thông chỉ sử dụng kỹ thuật số đang ngày càng chú trọng hơn tới việc tuyển những người giỏi nhất.

Trung tâm nghiên cứu Pew Research cho biết, 8 nhà xuất bản tin tức chỉ trên nền tảng kỹ thuật số hàng đầu ở Mỹ đang sở hữu tổng cộng 2.500 nhân tài truyền thông.

Truyền thông truyền thống đang phải đối mặt với sự đe dọa từ những doanh nghiệp kỹ thuật số do các nhà báo đã tách khỏi cách đưa tin truyền thống làm chủ.

Dưới đây là 8 nhà báo đang tiến hành cách mạng hóa truyền thông

1. Shane Smith: Vice News

Gần 20 năm trước, nhà báo Shane Smith đã khởi động Vice như một tờ tạp chí văn hóa miễn phí với tên gọi ban đầu là Voice of Montreal. Ông nhanh chóng xây dựng các nội dung tin tức và bình luận xã hội, cũng như đưa tin từ Triều Tiên, Iran và Nga cho chương trình truyền hình trực tuyến Vice Guide to Travel năm 2006. Theo sau những video bình luận bên lề là những chủ đề chính trị gai góc ở Afghanistan, Ấn Độ và Tây Ban Nha, giúp chương trình nhận được một giải Emmy.

Hiện có trụ sở ở Williamsburg, Brooklyn, Vice Media đã mở rộng từ bản in sang video với việc ra mắt VBS.tv trên YouTube. Vice hiện sở hữu nhiều website, chương trình truyền hình, một công ty sản xuất phim, một đại diện quảng cáo và thu âm, cũng như đã tuyển dụng được 1.100 người từ 36 quốc gia tới làm việc. Tài khoản YouTube của Vice có 5 triệu lượt đăng ký theo dõi, với hơn 1 tỉ lượt người xem video.

Tạp chí Vice bản in vẫn phát triển mạnh với 1,2 triệu ấn bản trên toàn cầu. Đối tượng khán giả của Vice Media chủ yếu là lứa tuổi dưới 30.

Đế chế truyền thông Vice đã đạt được thành công bùng nổ về tài chính. Doanh thu năm 2014 của Vice đã đạt 500 triệu USD, và được dự đoán sẽ đạt 1 tỷ USD trong năm 2016. Lợi nhuận cận biên được cho là sẽ đạt 40-50%, tương đương khoảng 450 triệu USD.

Các dịch vụ của Vice bao quát nhiều chủ để nóng của giới trẻ như âm nhạc, thời trang, ẩm thực, công nghệ và du lịch. Không kể đến lợi nhuận từ quảng cáo, Vice cũng đã kiếm được không ít từ việc bán bản quyền cho các kênh truyền hình toàn thế giới.

“Chúng tôi từng nghĩ rằng mình phải thu hút tất cả mọi người, nhưng giờ thì chuyện đó không còn quan trọng nữa. Khi bạn đã xây dựng được một lượng khán giả trung thành và kiếm được tiền từ đó thì còn phải quan tâm cái gì nữa?” - Smith chia sẻ.

Vice News mô tả bản thân là “một tổ chức tin tức quốc tế được thành lập và hoạt động bởi một thế hệ được kết nối.” Những độc giả của Vice sẽ được tiếp cận với “một cái nhìn chân thật với những sự kiện quan trọng nhất trong thời đại của chúng ta và soi đường cho những câu chuyện chưa được kể.”

Tại lễ hội Truyền hình Quốc tế Edinburgh mùa hè 2015, ban tin tức của Vice đã phát biểu: “Vice không phải một chương trình tin tức trên tivi. Chúng tôi xây dựng nên nó từ những khán giả trung thành ở độ tuổi 20. Chúng tôi thuộc về một thế giới khác.”

Hiện nay, Vice tự hào tuyên bố đã trở thành “mạng lưới lớn nhất kết nối những người trẻ tuổi trên thế giới.”

Vice Media đã trở thành một cái tên lớn trong giới truyền thông với trị giá công ty lên đến 2,5 tỉ USD. Công ty đã duy trì được sự độc lập, luôn đi đầu trong việc đưa những tin tức quóc tế. Vice đã chứng minh được rằng tin tức cũng có thể hái ra tiền, và sở hữu lượng khán giả độ tuổi 18-34, những đối tượng mà các nhà quảng cáo sẵn sàng chi mạnh tay để tiếp cận. Vice cũng được lòng khán giả bởi phong cách đưa tin mới lạ. Từ một kẻ vô danh, Vice đã trở thành một thế lực đáng gờm.

2. Leo Laporte: Twit TV

Nếu muốn có cái nhìn khác về tương lai truyền hình, hãy tìm đến TWiT - chương trình podcast của nhà báo kỳ cựu từng đoạt giải Emmy Leo Laporte. Đế chế TWiT chính là hình ảnh tương lai của podcast. Mạng lưới của TWiT có 20 chương trình chuyên biệt, bao gồm This Week in Google, iPad Today, All About Android và Windows Weekly với hơn 5 triệu lượt tải mỗi tháng.

Laporte khởi nghiệp bằng việc tránh nhận quảng cáo mà kêu gọi khán giả quyên góp tối đa 10 USD/tháng. Tuy nhiên khi lượng khán giả tăng lên, tham vọng của Laporte cũng thay đổi. Ông chọn một đối tác kinh doanh và bắt đầu bán quảng cáo. Hiện nay, các công ty thuộc nhiều lĩnh vực sẽ phải trả mức phí khoảng 80 USD/1000 khán giả để tiếp cận lượng khản giả trung thành mê công nghệ của Laporte.

Doanh thu của TWiT đã tăng gấp đôi mỗi năm trong 5 năm qua. Là một trong những người đầu tiên khai thác được tiềm năng của podcast, Laporte đã xây dựng được thị trường ngách mà các nhà quảng cáo thèm muốn, trong đó có 30% khán giả ở ngoài nước Mỹ.

Tại một hội nghị của TED ở Dubai vài năm trước, Laport đã kể lại câu chuyện kinh doanh của mình. “Tôi đã xây dựng một mạng lưới podcast nhỏ trở thành một kênh truyền hình mạng và một trạm radio trong ngôi nhà nhỏ ở một chỗ khỉ ho cò gáy tại Bắc California. Bây giờ, với 5 triệu khán giả, chúng tôi sẽ phát triển thành kênh CNN về công nghệ.”

3. Nick Denton: Gawker Media

Nick Denton đã bảo đảm rằng những trang blog được sản xuất chỉn chu không chỉ có tác dụng hỗ trợ các phương pháp truyền thông khác, mà còn có thể thay thế chúng. Gawker Media là một trong những doanh nghiệp kinh doanh blog thành công nhất.

Denton đã mang sự tinh tế của báo chí tới theo cách khiến những bình luận của độc giả luôn là một nhân tố quan trong trong mô hình kinh doanh của Gawker và là chìa khóa mở ra sức mạnh cho truyền thông kỹ thuật số.

Gawker biết cách kiếm tiền từ độc giả và có một đội chuyên phát triển phần bình luận như một nền tảng thị trường và thương hiệu.

4. Mia Freedman: Mamamia

Việc mất doanh thu từ quảng cáo đã đe dọa tới sự tồn vong của nhiều tờ tạp chí, nhất là ở những thị trường mà các sạp báo chiếm ưu thế như ở Anh hay Australia. Nhưng lòng trung thành của độc giả vẫn chưa mất đi, và điều này mở ra cơ hội tồn tại cho các tạp chí bằng cách kết hợp cả xuất bản các ấn bản in và ấn bản điện tử. Mia Freedman đã chứng minh rằng truyền thông kỹ thuật số có thể đương đầu với cả những truyền thống xuất bản lâu đời.

Tạp chí và báo chí cần phải phát triển thương hiệu kỹ thuật số mới và khác biệt so với phiên bản in của họ. Thành công của Mamamia có phần không nhỏ tới từ việc chứa đựng nội dung rộng lớn hơn so với bất cứ tạp chí dành cho phụ nữ khác.

Do đó, thay vì phát triển phiên bản điện tử của báo in, các nhà xuất bản tin tức cần tập trung định hình thương hiệu và nội dung mới chỉ dành cho phiên bản kỹ thuật số.

5. Andrew Sullivan: The Dish

Andrew Sullivan là cựu biên tập viên của tạp chí cánh hữu New Republic ở Mỹ, cộng tác viên thường xuyên của tờ Sunday Times (Anh) và là một trong những người đi đầu về hoạt động blog. Sullivan đã lập ra The Dish cách đây 30 năm, khi đa số mọi người còn chưa biết blog là gì, và là người có công đưa blog thành một công cụ truyền thông, nơi các cây viết có thể tự do bày tỏ suy nghĩ.

Năm vừa rồi, Sullivan đã đưa The Dish thành một trang thông tin tự chủ hoạt động dựa trên việc thu phí đăng ký theo dõi của độc giả. Ông đặt mục tiêu kiếm được 900.000 USD/năm, không dựa vào cho thuê quảng cáo để duy trì trang blog. Độc giả sẽ trả khoản phí 19.99 USD/năm để có thể truy cập đầy đủ các nội dung của The Dish, nhưng có thể trả thêm nếu muốn. Hiện The Dish có 34.000 độc giả đăng ký.

Sullivan hy vọng sẽ chứng minh được rằng các nhà báo, với tư cách là thương hiệu của chính họ, có thể tự mình tạo ra lợi nhuận và được độc giả ủng hộ. Đó là một lời kêu gọi mạnh mẽ với các nhà báo toàn thế giới. Khi không còn những ràng buộc như báo in, tại sao các tờ báo lại không thể để người đọc đăng ký theo dõi chỉ một chuyên mục duy nhất hay một tác giả duy nhất?

6. Sharon Waxman: The Wrap

Sharon Waxman là một cựu phóng viên thường trú ở nước ngoài từng nhận nhiều giải thưởng. Cô đã thành lập The Wrap năm 2009 bằng số vốn ủng hộ 500.000 USD từ cộng đồng. Vào tháng 5, lần đầu tiên The Wrap tuyên bố đã vượt số lượng truy cập của Variety và Deadline Hollywood với khoảng 4 triệu độc giả thường xuyên.

Waxman là chủ của 30 nhân viên làm việc tại các văn phòng ở Los Angeles và New York. Cô miêu tả The Wrap có “một chút rác rưởi, một chút ngổ ngáo, một chút nghiêm túc.” Bản thân Waxman cũng được coi là “một trong những phụ nữ quyền lực nhất Hollywood.”

Đây là một ví dụ điển hình về thị trường thông tin giàu có chưa bao giờ đánh mất sự quan tâm của truyền thông. Với những người làm trong ngành giải trí, thông tin vừa là sức mạnh, vừa có thẻ tạo ra lợi nhuận.

7. Jessica Lessin: The Information

Jessica Lessin là cựu phóng viên của tờ Wall Street Journal, và là người sáng lập dịch vụ tin tức The Information năm 2013. Độc giả mục tiêu của dịch vụ là những người “cần cái nhìn từ bên trong về tin tức và xu hướng công nghệ.”

“Chúng tôi tập trung vào những độc giả đang ít được phuc vụ - những người chuyên về kinh doanh công nghệ. Những độc giả này trả rất nhiều tiền để đọc báo hàng ngày, nhưng không phải lúc nào cũng tìm thấy thông tin hữu ích cho họ và doanh nghiệp của họ. Chúng tôi muốn mang đến cho họ những thông tin giá trị và được thực tế kiểm chứng,” Lessin chia sẻ.

The Information hoạt động chỉ dựa vào đăng ký theo dõi của độc giả. Mỗi độc giả sẽ trả 39 USD/tháng hay 399 USD/năm để truy cập các nội dung không chứa quảng cáo của dịch vụ. Mức giá này có thể là hơi cao, nhưng theo Lessin, “mọi thứ phụ thuộc vào nội dung. Loại thông tin duy nhất mà bạn muốn trả nhiều tiền như vậy để tiếp cận chính là thông tin giúp ích cho việc kinh doanh của bạn. Mô hình đăng ký theo dõi chỉ hoạt động tốt với những dịch vụ mang đến giá trị thực sự, khác xa so với những gì bạn nhận được miễn phí.”

8. Ezra Klein: Vox

Vox là một trong những dịch vụ cung cấp “báo chí giải thích” lớn ở Mỹ. Những dịch vụ này được xây dựng cho những độc giả yêu thích đọc tin tức trên điện thoại di động và thích mạng xã hội.

Điều đặc biệt của Vox chính là tài năng của Ezra Klein, cha đẻ của trang Wonkblog chuyên về sức khỏe và thiết lập ngân sách được rất nhiều người yêu thích và từng nhiều lần được vinh danh là một trong những người quyền lực nhất Washington. Chỉ với danh tiếng của mình, Klein cũng đã thu hút được một lượng độc giả lớn với thể loại báo chí mới này. Anh chia sẻ: “Chúng tôi chỉ vừa mới bắt đầu. Chúng tôi muốn tạo nên một thứ gì đó giúp mọi người hiểu tin tức muốn nói gì một cách tốt hơn. Chúng tôi muốn cải tiến công nghệ đưa tin, và Vox đã có một số giải pháp.”

Sau vài tháng hoạt động, Vox đã có 9 triệu lượt truy cập hồi tháng 7 vừa qua. Không ai biết chắc Vox sẽ ra sao trong vòng 1 năm nữa, nhưng chắc chắn nó sẽ trở thành một trong những cái tên dẫn đầu trong số các ứng dụng tin tức trên điện thoại.

Theo TTXVN

undefined