Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

ADB: Dịch Covid-19 khiến 80 triệu người ở châu Á rơi vào cảnh nghèo

12:00 | 24/08/2021

Châu Á và Thái Bình Dương đã đạt được những bước tiến ấn tượng, nhưng Covid-19 đã bộc lộ những đường đứt gãy về kinh tế và xã hội...

Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, năm 2017, trong số 35 quốc gia châu Á đang phát triển, có khoảng 203 triệu người phải sống ở mức nghèo khó cùng cực. Nếu đại dịch Covid-19 không xuất hiện, số lượng người nghèo cùng cực sẽ giảm 50%, xuống còn 101,5 triệu người nghèo.

Tuy nhiên, với việc dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát nhiều đợt đã đẩy 75 - 80 triệu người ở các nền kinh tế mới nổi ở châu Á rơi vào tình trạng nghèo cùng cực trong năm ngoái.

Các ước tính mới nhất về tình trạng "nghèo cùng cực" được định nghĩa là sống dưới 1,90 USD mỗi ngày - điều này đang cho thấy một bước lùi đối với chương trình nghị sự phát triển bền vững của khu vực.

Nhà kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ADB đánh giá: “Châu Á và Thái Bình Dương đã đạt được những bước tiến ấn tượng, nhưng Covid-19 đã bộc lộ những đường đứt gãy về kinh tế và xã hội có thể làm suy yếu sự phát triển bền vững và bao trùm của khu vực”.

Nền kinh tế đang phát triển của châu Á đã suy giảm 0,1% vào năm ngoái, cuộc suy thoái đầu tiên của khu vực châu Á trong gần sáu thập kỷ. Nhiều chính phủ đã dùng đến các biện pháp phong toả và hạn chế khả năng di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Điều đó dẫn đến sự suy giảm mạnh mẽ về tăng trưởng GDP ở một số quốc gia, chẳng hạn như mức giảm kỷ lục 9,6% ở Philippines và mức giảm 7,3% ở Ấn Độ trong năm 2020.

Cũng theo báo cáo trên, khu vực châu Á đã mất khoảng 8% số giờ làm việc do hạn chế di chuyển, điều này ảnh hưởng đến các hộ gia đình nghèo hơn và người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức.

“Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng sự bất bình đẳng xã hội và kinh tế lâu đời mà hàng triệu người sống dưới hoặc gần mức nghèo khổ phải trải qua”, báo cáo cho biết.

Về tương lai, ADB kỳ vọng khu vực châu Á sẽ phục hồi trong năm nay với mức tăng trưởng GDP 7,2%, nhưng sự lan rộng của biến thể delta đang thúc đẩy những số ca nhiễm virus ở Ấn Độ và Đông Nam Á, điều này đang buộc nhiều chính phủ áp đặt các biện pháp phong toả mới.

Theo đó, Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa đã kêu gọi một chiến lược phục hồi toàn diện. “Về lâu dài, sự gián đoạn do đại dịch gây ra có thể gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến nguồn nhân lực và năng suất lao động. Khu vực châu Á cần một cách tiếp cận phát triển lấy con người làm trung tâm để phục hồi, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Asakawa cho biết trong báo cáo.

Theo VNEConomy

undefined