Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Băn khoăn về những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân

12:00 | 13/05/2015

Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân bị trì hoãn lâu nay đã gặp phải nhiều băn khoăn của các vị đại biểu Quốc hội khi được đưa ra xem xét tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay, 12-5.

Nhiều vấn đề phải được xác định rõ mới được đưa ra trưng cầu dân ý. Ảnh TG

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nói: “Có một số cái không thể đưa ra biểu quyết được, ví dụ như chia tách lãnh thổ quốc gia, thành lập nhà nước khác. Làm sao điều này lại bàn luận được. Cái đó là không thể chấp nhận được”.

Ông Phước nói tiếp: “Hay có đối tượng nào đó đề nghị thay đổi Điều 4 Hiến pháp, đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân… Đây là những nội dung đã quy định trong Hiến pháp, nên tinh thần chung là không thể cho phép một số điều đưa ra trưng cầu ý dân”.

Ông Phước nhận xét thêm, ông lo ngại việc lợi dụng tổ chức trưng cầu dân ý để kích động, phá hoại đại đoàn kết dân tộc, thống nhất tổ quốc,... Vì lẽ đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo là Hội Luật gia Việt Nam, phải quy định “rất rõ ràng” những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân.

Ý kiến của ông Phước được hầu hết các đại biểu có cơ hội phát biểu tại phiên họp đồng tình.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói: “Tôi đồng tình với anh Phước, phải có những vấn đề không trưng cầu ý kiến nhân dân. Ví dụ, những vấn đề liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ. Lãnh thổ là của muôn ngàn đời, chứ đâu phải chỉ đời này”. Ông Hiển khẳng định, dự luật “phải làm rõ” cụ thể những vấn đề nào phải trưng cầu ý dân.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đồng tình với ông Phước, ông Hiển. Ông nói: “Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề quan trọng của đất nước… nhưng lựa chọn đâu là vấn đề quan trọng để đưa ra trưng cầu ý dân … phải làm rõ ra”.

Theo Điều 6 của dự thảo luật, Hội Luật gia đưa ra hai phương án về những vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân.

Theo phương án 1, những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Phương án 2 nêu những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân gồm: những vấn đề về sửa đổi Hiến pháp; những chính sách quan trọng có liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quan trọng; và cuối cùng là những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Tại điều 8 dự luật, ban soạn thảo đề nghị những trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân như sau:

Thứ nhất, có đề nghị trưng cầu ý dân về cùng một vấn đề mà kết quả trưng cầu ý dân về vấn đề đó được công bố chưa đủ hai mươi bốn tháng;

Thứ hai, trong thời gian có chiến tranh hoặc có ban bố tình trạng khẩn cấp; trong thời gian sáu tháng kể từ ngày chiến tranh chấm dứt hoặc việc ban bố tình trạng khẩn cấp được bãi bỏ.

Trong khi đó, Điều 8 của dự thảo, là các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước, cũng gây băn khoăn.

Chủ nghiệm Ủy ban khoa học Phan Xuân Dũng nhận xét, không phải vấn đề gì cũng lấy ý kiến nhân dân trên toàn quốc, ví dụ như xây dựng Nhà máy điện hạt nhân thì chỉ cần trưng cầu ý dân quanh tỉnh Ninh Thuận, nơi đặt nhà máy.

Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đồng tình. Ông giải thích, có những việc không nên lấy ý kiến toàn quốc. Ví dụ, vấn đề điện hạt nhân, thì nằm cục bộ ở vùng miền nào đó nên không nhất thiết phải đưa ra cả nước. Nó tốn kém, mà đồng bào phía bắc có thể không hiểu, nên không phải cái gì cũng đưa ra toàn quốc, không khả thi.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại có quan điểm khác. Ông nói: “Quan điểm của tôi là thiên về dự thảo. Có những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân ở địa phương đó, thì người dân chưa chắc đã đồng tình. Ví dụ, vấn đề điện hạt nhân mà chỉ lấy ý kiến ở Ninh Thuận thì chắc gì nhân dân ở đó đồng tình. Mà điện hạt nhân liên quan đến cả nước. Trưng cầu ý dân, vì vậy, phải là phạm vi cả nước”.

Gút lại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, dự thảo luật gồm 9 chương, 56 điều này là khó khăn. Tuy nhiên, ông tỏ ra rất quyết tâm: “Khó cũng phải đưa ra thảo luận. Một kỳ không được thì 3 kỳ. Khó cũng phải thảo luận”.

Theo Saigontimes.

undefined