Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Biển Cửa Đại khắc khoải chờ giải pháp

12:00 | 17/11/2015

Cả một dải bờ biển đẹp với các resort cao cấp ở khu vực biển Cửa Đại- Hội An (Quảng Nam) đang đứng trước nguy cơ “biến mất” vì sạt lở nếu không có những biện pháp cấp thiết và căn cơ để chống hiện tượng xâm thực đang diễn ra với tốc độ cao thời gian qua.

Nhân viên một resort tìm cách chống sạt lở tại biển Cửa Đại – TP Hội An - Ảnh Thanh Hải

Cứ đến mùa mưa bão thì các khu nghỉ dưỡng xung quanh khu vực biển Cửa Đại- Hội An (Quảng Nam) ngày đêm thấp thỏm lo âu và con số thiệt hại của doanh nghiệp nơi đây tăng lên nhanh chóng.

Đại diện Phòng Thương mại và Du lịch Hội An cho biết, nếu như năm ngoái sạt lở chỉ diễn ra ở khu vực gần cửa biển thì năm nay đang tiến dần lên phía Bắc, nơi hiện là bãi tắm công công và kinh doanh nhà hàng. “Nếu cứ loay hoay không được cách khắc phục cụ thể như thế nào thì chẳng bao lâu nữa biển Cửa Đại gần như là không còn,” vị đại diện này nói.

Theo thống kê, Hội An có gần 8 km bờ biển, nhưng đã có đến 3 km sạt lở hết sức nghiêm trọng với sự xâm thực sâu vào đất liền từ 10 đến 15m. Hiện có năm resort 5 sao ven biển khu vực, trong đó có ba resort đang hoạt động và hai resort đã ngưng đầu tư. Trong số ba resort đang hoạt động này thì hai resort đã được hình thành từ rất lâu gồm Victoria Hội An và Golden Sand Hội An, trong khi Sunrise Hội An vừa được đầu tư cách đây vài năm. Và hiện nay, cả ba khu nghỉ dưỡng này đều đang đối diện với nguy cơ sạt lở.

Không riêng doanh nghiệp mà chính quyền địa phương cũng xem đây là một vấn nạn cần được khắc phục nhanh chóng. Chính vì thế mà trong năm qua UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, làm việc cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm tìm ra giải pháp cứu nguy bờ biển Cửa Đại. Và gần đây nhất là buổi làm việc với các chuyên gia Hà Lan nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, sáng kiến trong việc phòng chống, ứng phó sạt lở bờ biển, qua đó tìm hiểu về khả năng ứng dụng kỹ thuật bờ biển Hà Lan vào việc bảo vệ các bãi biển ở Hội An.

Theo Giáo sư Marcel Stive (Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan), khu vực biển Cửa Đại có diễn biến phức tạp nhất vì phía ngoài khơi có đảo Cù Lao Chàm làm cho sóng biển tương tác với khu vực cửa sông gây ra sự mất ổn định. Nạn xói lở bờ biển phía bắc gây ra xâm thực bình quân mỗi năm 10m ăn sâu vào đất liền, kéo dài 3 km. Lượng bùn cát này đã gây bồi lấp ở phía nam. Nguyên nhân của tình trạng xói lở hiện nay ở Cửa Đại là do tình trạng giảm lượng bùn cát của hệ thống sông chảy ra biển.

Tình trạng sạt lở còn do có nhiều hồ chứa ở phía thượng nguồn của những con sông lớn làm ảnh hưởng dòng chảy kết hợp với việc khai thác cát ở lòng sông làm vật liệu xây dựng đang diễn ra. Vì vậy cần phải bổ sung lượng cát thiếu hụt cho khu vực này.

Phương án khả thi nhất được các chuyên gia đề xuất để có thể giữ được vẻ đẹp bãi biển là sử dụng công nghệ kè mềm như ở Hà Lan đã thực hiện, và đó chính là bổ sung nhiều triệu mét khối cát để “nuôi” bãi. Về kinh phí, nếu thực hiện kè mềm cho phương án 5 năm thì dự kiến hết khoảng 6 triệu euro, phương án 20 năm chi phí dự kiến khoảng 40 triệu euro.

Tuy nhiên, cả chính quyền Quảng Nam lẫn doanh nghiệp nơi đây đều cho rằng đó là một kế sách tạm thời, trong khi điều mà Hội An cần là phải có giải pháp lâu dài. Hiện nay, ngân sách nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh ven biển đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để triển khai nhiều giải pháp nhưng hiệu quả mang lại chưa cao và vấn đề này đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của tỉnh. Quảng Nam hiện rất cần các công trình nghiên cứu khoa học để tìm ra giải pháp phòng chống, ứng phó sạt lở bờ biển Cửa Đại, cũng như hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư xây kè 8 km bờ biển Hội An.

Đại diện Khu nghỉ dưỡng Sunrise Hội An cho biết họ đã bỏ ra rất nhiều tiền để khắc phục tình trạng sạt lở nêu trên nếu như không muốn cả resort vùi xuống biển. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Vị đại diện nói: “Chúng tôi đã mất hàng trăm tỷ đồng cho việc này. Đây là một số tiền không nhỏ. Đó là chưa kể bây giờ hầu như không một công ty bảo hiểm nào chịu bán bảo hiểm phần thiệt hại này,” ông chia sẻ. “Cái khó nhất hiện nay không chỉ nằm ở chổ giá thành thi công mà chính là làm thế nào để khắc phục sạt lở một cách hiệu quả bên cạnh việc không gây nguy hại đến các khu vực lân cận, không tác động “thô bạo” đến điều kiện tự nhiên, dòng chảy,” ông nói thêm.

Cũng như các nhà đầu tư khác, mỗi khu nghỉ ở đây đang phải tự tìm cho mình một “hướng đi riêng” trong việc chống chọi với hiện trạng sạt lở quanh năm. Theo tìm hiểu thì hầu như chỉ có hai cách đó là kè cứng và kè mềm. Dù là cách nào thì cũng chưa có một sự đồng bộ mà là hoàn toàn tự phát. Trong khi đó, điều mà Cửa Đại cần không phải chỉ là bờ biển ven các khu nghỉ dưỡng cao cấp mà còn là cả một dải dài nối với các bãi tắm công cộng, khu dân cư, khu kinh doanh dịch vụ của người dân ở gần đó. Riêng khu vực bãi tắm nơi đây có gần 6 khu công viên và bãi tắm xen giữa các khu nghỉ, và tất cả các khu vực này gần như không hoạt động được do sạt lở nặng nề.

Là khu nghỉ nằm trong diện báo động, hàng năm Palm Garden cũng đã mất dần khu bãi tắm và biển ngày càng ăn sâu vào sát khu vực khuôn viên của resort. Ông Nguyễn Thành Sang, Chủ tịch HĐQT Palm Garden Hội An, không khỏi lo lắng về điều này. Ông nói: “Cửa Đại đã chờ đợi quá lâu cho một giải pháp cứu nguy bờ biển. Nếu cứ để doanh nghiệp vì lo sợ mà tự thân vận động như hiện nay bằng các giải pháp tự phát kia thì sẽ không mang lại một kết quả như mong muốn.”

Rõ ràng Cửa Đại rất cần một giải pháp tổng thể để giải quyết chuyện sạt lở, với sự tiếp sức của các nhà khoa học. Nếu không, một ngày nào đó Cửa Đại sẽ chỉ còn trong ký ức mà thôi.

Theo Saigontimes.

undefined