Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Bộ trưởng báo cáo hậu chất vấn về tiền lương

5:00 | 04/11/2013

Nhìn vào 6 nội dung lớn tại báo cáo về việc thực hiện lời hứa sau phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 6/2013), của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, có thể thấy phần liên quan đến lương là ngắn gọn nhất.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.

Bộ trưởng Chuyền cho biết, tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu, Chính phủ đã thực hiện công bố mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại điều 91 Bộ luật Lao động, kết luận 63 của Hội nghị Trung ương 7 (tháng 5/2013) về một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương đến năm 2020, nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Theo đó, mức lương tối thiểu sẽ căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện lao động cũng như mức tiền lương trên thị trường lao động. Thực hiện nghiêm túc lời hứa trước Quốc hội, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Siết quản lý doanh nghiệp xuất khẩu lao động Quản lý doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng là nội dung được các vị đại biểu nhiều lần đề cập. Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, qua thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 doanh nghiệp do vi phạm các quy định về đưa người lao động đi làm việc nước ngoài. Trong đó, một doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động trong thời gian 6 tháng, một doanh nghiệp khác bị đình chỉ hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc tại Singapore trong thời gian 3 tháng. Đặc biệt, đối với thị trường Đài Loan, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức phỏng vấn trực tiếp người lao động trước khi xuất cảnh sang làm việc tại Đài Loan, cũng như tổ chức đoàn công tác sang  Đài Loan để phỏng vấn người lao động đang làm việc ở nước sở tại về tổng chi phí mà người lao động phải chịu để được sang làm việc tại đây. Qua đó, Bộ đã phát hiện và đề xuất xử lý đối với những doanh nghiệp (của cả Việt Nam và Đài Loan) do thu phí vượt quá mức quy định, nhằm chấn chỉnh tình trạng thu phí sai quy định ở thị trường này. Ngoài ra, công tác cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho các doanh nghiệp cũng đã được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, thủ tục pháp luật quy định nhằm đảo bảo chỉ các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định và có khả năng mới được phép hoạt động trong lĩnh vực này. Bộ trưởng cũng “hứa” tiếp tục thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để cảnh báo các hiện tượng lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, ngăn ngừa và phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Về công tác phát triển thị trường lao động ngoài nước, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, từ tháng 7/2013 đến nay, Bộ đã ký Hiệp định lao động mới với Lào, ký thỏa thuận hợp tác về lao động, việc làm và xã hội với Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc vào tháng 9 vừa qua. Bộ cũng đang đàm phán để có thể sớm ký hiệp định về lao động của Thái Lan, Arab Saudi và Israel, thúc đẩy hợp tác lao động với Angola và vấn đề quản lý người Việt sinh sống, làm việc tại đây… Tháng 8/2013, Bộ làm thủ tục xuất cảnh cho hơn 100 điều dưỡng viên sang học tập, làm việc tại Đức, đang tuyển chọn 180 ứng viên hộ lý, điều dưỡng khóa 2 sang Nhật Bản làm việc. Thu hồi 75 tỷ đồng qua xử lý giả mạo người có công Liên quan đến việc giải quyết chế độ chính sách cho các trường hợp người có công bị mất hồ sơ gốc, người đứng đầu ngành lao động báo cáo, những năm qua các bộ ngành đã nỗ lực ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Nhờ đó, đến nay đã cơ bản công nhận, giải quyết chế độ ưu đãi cho những người có công. Nhưng để phòng ngừa tình trạng man khai hồ sơ, xác nhận sai sự thật để hưởng chế độ hiện nay diễn ra rất phổ biến, gây bức xúc trong dư luận, việc giải quyết chế độ người có công với cách mạng phải dựa trên quy trình, thủ tục đảm bảo đủ căn cứ pháp lý, đủ độ tin cậy, đảm bảo chính xác và công bằng. Qua thanh, kiểm tra, từ năm 2008 đến 2013, tổng số đối tượng bị đình chỉ trợ cấp tại 63 tỉnh thành là gần 7.100 người. Trong đó, có 1.560 người giả mạo hồ sơ, gần 2.700 người man khai hồ sơ và 2.800 người vì những lý do khác. Tổng số tiền chi chế độ với những trường hợp “giả” người có công đã thu hồi nộp ngân sách là trên 75,5 tỷ đồng của 3.378/7.100 đối tượng bị đình chỉ trợ cấp. 1.762 người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra).

Theo VnEconomy

undefined