Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Bộ trưởng Y tế nhận trách nhiệm vụ Cát Tường

5:00 | 18/11/2013

Bộ trưởng Y tế cho hay, liên quan vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, dù là các nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp, khách quan hay chủ quan thì Bộ Y tế và người đứng đầu Bộ đều có liên quan đến, ít nhiều có trách nhiệm.

Được Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn mời giải trình trước QH về vấn đề y đức tại phiên chất vấn sáng 19/11, dù không có trong chương trình, Bộ trưởng Y tế đã đề cập thẳng vào vụ việc gây chấn động dư luận thời gian qua là vụ bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác bệnh nhân.

"Về vấn đề liên quan đến y đức trong thời gian vừa qua, đặc biệt nhất là vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, dù là các nguyên nhân trực tiếp hay nguyên nhân gián tiếp, khách quan hay chủ quan thì Bộ Y tế và người đứng đầu Bộ đều có liên quan đến, ít nhiều có trách nhiệm" - bà Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận.

Đề cập đạo đức nghề nghiệp nói chung, ngành y nói riêng, nữ Bộ trưởng nói đó là thứ đạo đức "không thể hình thành trong 6 năm đào tạo và hành nghề mà được hình thành từ lúc lọt lòng cho đến lúc nằm hẳn trong thế giới bên kia". Đạo đức phải có sự giáo dục của gia đình, của xã hội và sự rèn luyện của chính nhân cách bản thân người đó.

"Vụ Cát Tường là điểm đỉnh không chỉ của đạo đức ngành y mà đấy là mất nhân tính của con người và gây ra nỗi đau đớn nhất của ngành y từ trước tới nay. Tất cả cán bộ ngành y đều không thể tin đấy là sự thật" - Bộ trưởng phát biểu.

Mổ xẻ nguyên nhân xuống cấp đạo đức, bà Tiến cho rằng đó là do bản thân con người vi phạm đạo đức đó không rèn luyện được chính mình, từ xã hội gia đình và trong quá trình đào tạo.

Bên cạnh mặt tiêu cực của cơ chế thị trường là lợi nhuận, là mong muốn kiếm được nhiều tiền, bất chấp, nên vượt quá khả năng cho phép của nghề nghiệp cũng như của trách nhiệm.

Nguyên nhân nữa là thực trạng bệnh viện công lập quá tải, không đáp ứng được cả thái độ lẫn trách nhiệm của bác sĩ.

Quảng cáo cũng là một nguyên nhân được Bộ trưởng điểm danh. Theo bà, người dân tin vào quảng cáo và tự đến những nơi làm dịch vụ y tế không đủ cơ sở vật chất.

Cảnh tỉnh ngành y

Bộ trưởng Tiến cho hay vụ việc trên "cảnh tỉnh" toàn bộ hệ thống ngành y và ngành "quyết tâm sửa chữa". Ngành đang biên soạn một thông tư về đạo đức ứng xử nghề nghiệp.

"Cái này cũng rất nhạy cảm, nhiều cán bộ y tế nói chúng tôi tại sao ngành khác không có mà ngành này các đồng chí lãnh đạo lại phải xây dựng một cái gì đặc biệt. Ai cũng phải có đạo đức nhưng chúng tôi bảo: ngành y là ngành động chạm tới sức khỏe và tính mạng của người dân.

Một sai sót của người kỹ sư thì chỉ hỏng cái máy vi tính, còn chúng ta mà sai sót là ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mệnh của người dân. Tai biến y khoa rập rình, không phải là hàng tháng, hàng ngày, hàng giờ mà cả hàng phút" - bà nói.

Bà khẳng định người thầy thuốc ngoài trách nhiệm chuyên môn còn trách nhiệm lương tâm nên đòi hỏi học suốt đời. Một trong những giải pháp khác đó là ngành thành lập đường dây nóng ở ba cấp: Bộ, sở và bệnh viện tỉnh, huyện.

Theo đó, người dân nếu phát hiện các vụ việc liên quan đạo đức nghề nghiệp của bác sĩ có thể gọi điện phản ánh trực tiếp. Mới thực hiện nhưng đến nay đã có hơn 1.000 cuộc gọi từ người dân. Trong đó 50% phản ánh thái độ không tốt của cán bộ y tế.

"Chúng tôi sẽ chấn chỉnh bằng các biện pháp hành chính và xử phạt" - Bộ trưởng khẳng định.


Theo VietNamNet

undefined