chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Cần nỗ lực toàn cầu để chống dịch Ebola
12:00 | 11/08/2014
Hệ thống y tế của Liberia – một trong 4 quốc gia Tây Phi đang bị dịch Ebola hoành hành - đã sụp đổ, bệnh viện đóng cửa, nhân viên y tế di tản để tránh bị nhiễm bệnh. Lãnh đạo châu Phi gọi đây là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và kêu gọi một nỗ lực toàn cầu để chống lại.
Tình nguyện viên Hoa Kỳ đang hướng dẫn nhân viên y tế Liberia sử dụng các trang bị bảo hộ an toàn khi tiếp xúc với người bị nhiễm virus Ebola. Ảnh Reuters Trong cuộc phỏng vấn hôm qua với Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Liberia Augustine Kpehe Ngafuan nói rằng: “Người dân đang chết dần vì những bệnh thông thường do hệ thống chăm sóc y tế đã sụp đổ”. Người bị các bệnh đơn giản như sốt rét và tiêu chảy cũng không được chữa trị; người dân quá hoảng sợ đã xa lánh các trung tâm y tế, và số tử vong vì những bệnh thông thường này có thể cao gấp bốn, năm lần số tử vong do dịch Ebola, ông Ngafuan nhận định. Tuy nhiên mối lo lớn nhất của chính phủ Liberia vẫn là sự lan tràn của bệnh dịch, hiện đã lan sang Nigeria. “Chúng tôi không biết tình hình sẽ tệ tới mức nào, bao nhiêu người sẽ mất mạng. Ngay bây giờ dịch đã ra ngoài tầm kiểm soát và lây lan nhanh từ nơi này đến nơi khác,” ông Ngafuan nói thêm. Trong một cuộc phỏng vấn riêng bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi kéo dài ba ngày qua tại Washington D.C., Bộ trưởng Ngoại giao Sierra Leone – một trong bốn nước bị dịch Ebola tàn phá – ông Samura Kamara kêu gọi nỗ lực toàn cầu chống lại căn bệnh này. “Đây là một căn bệnh vượt ngoài khả năng ứng phó của các chính phủ châu Phi. Chúng tôi cần sự nhận thức và hỗ trợ lớn lao hơn của quốc tế. Bệnh dịch này cần được coi là một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, đòi hỏi có sự phản ứng toàn cầu”. Chính phủ Liberia cho biết, từ nay đến cuối năm 2014, họ cần có 21 triệu đô la Mỹ để chống dịch và Sierra Leone cũng cần 25 triệu đô la cho thời gian này, song ngân sách của các chính phủ này rất ốm yếu. Cơ quan viện trợ Hoa Kỳ USAID đã gửi các chuyên viên sang châu Phi cùng 5 triệu đô la trang thiết bị y tế và Ngân hàng Thế giới đã cam kết một quỹ khẩn cấp 200 triệu đô la để chống dịch Trong một diễn biến liên quan, người đứng đầu Cơ quan Kiểm soát và Phòng bệnh Hoa Kỳ, USCDC, bác sĩ Tom Frieden, nói rằng cuộc khủng hoảng dịch Ebola ở châu Phi đang gây thương vong cho một số lượng người nhiều hơn tất cả các bệnh dịch trước đó cộng lại. Trình bày trước tiểu ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ hôm qua 7-8, ông Frieden cho rằng, vài tuần tới sẽ là thời kỳ đỉnh điểm của dịch Ebola, và Hoa Kỳ cần gửi thêm nhiều nhân viên y tế sang châu Phi hỗ trợ chống dịch. “Đây là cuộc chiến đấu lâu dài và gian khổ”, bác sĩ Frieden nói đồng thời dự báo, theo kịch bản tốt nhất thì dịch Ebola chỉ có thể đuợc khống chế và loại trừ sau từ 3 đến 6 tháng nữa. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đến nay, đã có 1.700 người nhiễm virus Ebola, trong đó 932 người đã tử vong song bác sĩ Frieden cho rằng, con số thực tế cao hơn rất nhiều vì thống kê ở các nước này rất sơ sài, rất nhiều người bệnh không báo cáo tại các cơ sở y tế. Theo TBKTSG