Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Chiến tranh quanh cái iPhone

12:00 | 26/02/2016

Cuộc chiến giữa Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và tập đoàn Apple xung quanh việc bẻ khóa một chiếc iPhone đã lên cao trào vào cuối tuần qua.

Với cơ chế mã hóa 256-bit, dữ liệu trong điện thoại iPhone gần như “bất khả xâm phạm” kể cả khi mất máy. Ảnh: LA TIMES

Thứ Sáu tuần trước, chính phủ Mỹ chính thức nhờ một tòa án yêu cầu Apple giúp FBI bẻ khóa chiếc điện thoại iPhone của cặp vợ chồng là các tay súng trong vụ bắn người hàng loạt ở San Bernardino tháng 12 vừa qua.

Cặp vợ chồng này được cho là có liên hệ với nhóm khủng bố IS, nhưng với mức độ nào thì FBI còn phải điều tra thêm, và chiếc điện thoại iPhone 5c của họ được cho là chứa các dữ liệu quan trọng. Yêu cầu “bẻ khóa” này “không gây hại gì đến bất cứ điện thoại nào khác và không phải làm một chìa khóa vạn năng mở được mọi điện thoại”, công văn của tòa viết.

Về mặt kỹ thuật, sở dĩ đội ngũ của FBI “bó tay” vì iPhone đã được lập trình là nếu nhập mật mã sai 10 lần, các dữ liệu trong điện thoại sẽ tự động hủy, mật mã phải nhập bằng tay. Vì thế điều FBI muốn là Apple hỗ trợ họ mở một “cổng sau” của chiếc iPhone nối với một thiết bị dò mật mã, và vô hiệu hóa chức năng tự động hủy dữ liệu trong quá trình “bẻ khóa”. Tuy nhiên Apple đã thẳng thừng từ chối yêu cầu này.

Sự việc được cho là cuộc chiến pháp lý giữa một cơ quan luật pháp của chính quyền Tổng thống Obama và một trong những công ty công nghệ quyền lực nhất thế giới. Apple đã đưa sự việc vào một “thư ngỏ gửi khách hàng” nhằm tìm sự ủng hộ của công chúng và các hãng công nghệ khác, với lý lẽ bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng và không muốn tạo tiền lệ về sau.

Bộ Tư pháp buộc tội Apple đã chống lại lệnh của tòa án liên bang vì các vấn đề kinh doanh và tiếng tăm nhãn hiệu của mình. Lý lẽ chính quyền đưa khá “đắt” bởi ai cũng cảm thấy việc chống khủng bố để bảo vệ an toàn cho người dân là chuyện quan trọng. Về luật, giờ chiếc điện thoại đó đã thuộc sở hữu quốc gia chứ có còn của khách hàng nữa đâu, và họ chỉ yêu cầu mật mã của chiếc điện thoại đó thôi, là điều chắc chắn trong tầm tay của Apple.

Tuy nhiên, lý lẽ Apple đưa ra cũng sắc bén không kém. Trong thư ngỏ, CEO của Apple Tim Cook cho biết đáp ứng yêu cầu này có nghĩa là Apple phải xây dựng một phần mềm mới mà từ trước tới giờ chưa hề có chuyện một công ty bị nhà nước bắt phải làm một sản phẩm mà nó không có. Quan trọng hơn, có phần mềm đó rồi, không thể nào tin được là FBI chỉ dùng để mở khóa cái điện thoại đó mà thôi.

Ngoài ra, điều luật mà tòa án đưa ra để ép Apple là một luật cũ, gọi là All-Writs Act, ban hành từ năm 1789, cho các tòa án quyền yêu cầu những hỗ trợ cần thiết để thực thi công lý. Ví dụ như khi xét nhà riêng, cơ quan pháp lý có thể yêu cầu chủ nhà phải đưa chìa khóa.

Tuy nhiên, luật này chỉ đòi các công ty phải cung cấp những thông tin mà họ đã biết, đã có về khách hàng của mình, như một công ty điện thoại phải cung cấp hóa đơn và danh mục các số điện thoại mà một nghi phạm đã gọi đi/đến chẳng hạn. Trong trường hợp này, Apple cãi rằng họ không biết mật mã iPhone của khách hàng cũng như các thông tin trên đó, và để biết, họ phải “hack” vào điện thoại này và điều đó là chưa có tiền lệ, kể cả chính quyền Trung Quốc cũng chưa đòi hỏi Apple đến mức ấy.

Mặt khác, năm 1992, Quốc hội Mỹ đã thông qua một điều luật liên bang về những gì các công ty phải làm để giúp cảnh sát điều tra những tin nhắn kỹ thuật số (Communications Assistance for Law Enforcement Act of 1992), nhưng không có điều nào trong luật này bắt các công ty phải đi bẻ khóa; dù FBI đã vận động rất mạnh để đòi luật này “cập nhật” về bẻ khóa, nhưng Quốc hội Mỹ đã không đi vào hướng đó. Do đó, FBI đã phải dùng đến luật từ thế kỷ 18 để có quyền mà luật thế kỷ 21 không chuẩn y!

Các nhà chính trị kịch liệt lên án Apple chỉ quan tâm đến tiếp thị sản phẩm mà thờ ơ với cuộc chiến chống khủng bố và an ninh quốc gia. Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump lớn tiếng kêu gọi tẩy chay Apple cho đến khi công ty này đáp ứng yêu cầu của FBI. Tuy nhiên dân mạng tinh ý bóc mẽ rằng ông Trump đưa lời kêu gọi đó lên mạng xã hội bằng một máy iPhone! Trong khi đó, Apple được phần lớn người dùng và các công ty công nghệ lớn khác, như Google, Microsoft, Facebook, Twitter... ủng hộ.

Trong lúc cuộc chiến đang căng thẳng, huyền thoại chống virus John McAfee lên tiếng đề nghị ông sẽ bẻ khóa cái iPhone đó cho FBI miễn phí. McAfee cho biết chỉ trong ba tuần, ông và đội ngũ của mình sẽ dò được mật mã mà không làm mất dữ liệu trong máy. McAfee cũng giải thích cặn kẽ rằng ông làm điều này vì muốn giúp Apple, và muốn chấm dứt sự việc nan giải, bởi việc Apple phải mở “cổng sau” để dò mật mã nghĩa là bắt đầu một sự xuống dốc của giới công nghệ trong việc bảo mật thông tin cá nhân. Tất nhiên McAfee không quên nhân dịp này quảng cáo về đội ngũ công nghệ giỏi của mình, và chỉ trích FBI đã không đầu tư thích đáng cho nhân sự ngành công nghệ.

Không hiểu sao chưa thấy FBI trả lời gì về đề nghị của McAfee. Nhưng có vẻ phía chính quyền đang đuối lý. Ngay cả Michael Hayden, cựu Giám đốc Cơ quan mật vụ quốc gia NSA và CIA, cũng nói ông không thể đứng về phía FBI trong vụ này. “Tôi nghĩ Jim Comey (Giám đốc FBI) đã sai rồi”, ông nói.

Trong diễn biến mới nhất, Nhà Trắng đã ra thông điệp có vẻ như muốn thỏa hiệp với Apple trong vụ việc, nói rằng công ty cứ giữ cái phần mềm giúp bẻ khóa đó đi, rồi hủy nó sau khi thực hiện nhiệm vụ, và không ai có quyền sử dụng phần mềm đó ngoài Apple trừ khi Apple chia sẻ nó. Tuy nhiên, phía Apple vẫn kiên quyết giữ vững lập trường.

Cindy Cohn, Giám đốc Electronic Frontier Foundation, nói yêu cầu Apple phải có phương án bẻ khóa chính hệ thống bảo mật của sản phẩm là đụng chạm đến một vấn đề lớn: “Đó không phải chỉ là lập trình, mà là lập trình rồi nói dối về nó”.

Theo Saigontimes.

undefined