chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Chuyên gia: Hà Nội chặt hàng ngàn cây xanh là vi phạm pháp luật
12:00 | 25/03/2015
Theo ý kiến được hàng loạt chuyên gia là các nhà khoa học, luật sư đưa ra tại tọa đàm “Từ đề án 6700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” được tổ chức vào chiều ngày 23-3, thì chính quyền Hà Nội đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi thực hiện đề án thay thế 6.700 cây xanh của thành phố. Và vi phạm này cần được xử lý nghiêm khắc theo pháp luật chứ không chỉ rút kinh nghiệm, kiểm điểm vì một số lượng lớn cây xanh của Hà Nội đã bị chặt.
Các chuyên gia rất quyết liệt và tâm huyết trong bảo vệ cây xanh Hà Nội tại buổi tọa đàm. Ảnh: Hữu Đồng Thông tin được cung cấp tại tọa đàm còn cho biết, lượng cây xanh đã bị chặt trong kế hoạch trên vào khoảng 2.000 cây chứ không phải gần 400 cây như Hà Nội công bố. Cuộc tọa đàm do Trung tâm con người và Thiên nhiên phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng tổ chức. Đại diện ban tổ chức cho biết, ban tổ chức tọa đàm đã tha thiết mời đại diện UBND thành phố Hà Nội cũng như Sở Xây dựng Hà Nội, nhưng không có đại biểu nào của hai cơ quan này tham gia. Phạm pháp như thế nào? Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, cho rằng việc Hà Nội đưa ra số lượng 6.700 cây phải chặt vừa không có cơ sở khoa học vừa vi phạm pháp luật. Ông Đăng dẫn giải, Nghị định 64/2010 của Thủ tướng Chính phủ chuyên biệt về quản lý cây xanh đô thị quy định chỉ có 3 loại cây có thể chặt mà không cần phải xin phép là cây đổ, cây chết hay cây có nguy cơ đổ và cây nằm trong dự án phát triển. Theo nghị định này, các cây thuộc diện bị chặt nằm trong dự án cần phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các loại cây thuộc diện phải chặt cần được chụp ảnh hiện trạng, địa chỉ, lý do chặt... không thể chặt cây một cách đại trà. “Việc chặt cây của Hà Nội đã sai Luật Bảo vệ Môi trường,” ông Đăng nói. Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam, cũng cho rằng việc chặt cây trên vi phạm Nghị định 64. Ông còn bày tỏ băn khoăn "chả nhẽ 6.700 cây trên đều là cây chết, cây bệnh và cây nằm trong công trình thi công." Còn giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, cho rằng, xét trên cơ sở pháp lý, việc thực hiện kế hoạch chặt 6.700 cây xanh của Hà Nội không chỉ vi phạm Nghị định 64/2010 của chính phủ mà còn vi phạm Luật Thủ đô trong đó quy định không được chặt cây xanh của Hà Nội. Luật này cũng quy định trách nhiệm và quyền của người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc cây trước cửa nhà mình. Cũng nói tại tọa đàm, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng kế hoạch chặt 6.700 cây xanh của Hà Nội không được thực hiện trên cơ sở pháp luật. Ông Hải cho rằng Luật Thủ đô do chính lãnh đạo Hà Nội đề xuất lên Quốc hội phê chuẩn cũng có điều khoản cấm chặt phá cây xanh, trừ trường hợp bất khả kháng. Hoặc nếu cần có thể di chuyển cây đi chỗ khác. Thêm nữa, theo ông Hải, Nghị định 64 của Chính phủ chuyên biệt về quản lý cây xanh cũng nêu rõ muốn chặt hạ cây xanh phải được cấp phép. Song, việc thực hiện kế hoạch chặt 6.700 cây xanh nêu trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã không tiến hành cấp phép mà chỉ có công văn cho phép chặt hạ. Còn để được cấp phép, phải trình hồ sơ, nói rõ hiện trạng của cây. Cần xử lý trách nhiệm theo pháp luật Ông Đăng cho rằng, trong buổi họp báo về dừng kế hoạch chặt 6.700 cây xanh của Hà Nội được tổ chức vào 21-3, ông Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng chủ trương chặt cây là đúng nhưng cách làm sai, thực hiện nhanh chóng do sự nôn nóng của các nhà tài trợ... là không được. Ông cho rằng, với việc thực hiện kế hoạch trên, sai lầm bắt đầu từ những người lãnh đạo, từ việc chỉ đạo xây dựng, duyệt đề án, chứ không thể đổ lỗi cho người thực thi, đặc biêt là nhà tài trợ; họ đã trả lời trên báo rằng họ tài trợ cho việc trồng cây chứ không tài trợ cho việc chặt cây. “Cách làm của lãnh đạo Hà Nội thế này thì môi trường Hà Nội còn bị ô nhiễm và dân còn khổ sở,” ông Đăng nói. Vẫn theo ông Đăng, việc thành phố khắc phục bằng cách ra chỉ thị dừng chặt cây là chưa đủ. Mà lãnh đạo thành phố phải dũng cảm đứng ra xin lỗi dân. Phải lên kế hoạch giải quyết hậu quả nhanh chóng, xử lý những người liên quan. Theo ông Đăng và ông Hiệp, vụ việc cây xanh này của Hà Nội cho thấy tính minh bạch kém. Qua vụ việc này có thể thấy lãnh đạo Hà Nội thiếu cả tâm và tầm. Cần phải nghiêm khắc kiểm điểm và xử lý, theo hai diễn giả này. Ông Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cần phải truy cứu trách nhiệm của những người đề xuất chủ trương này chứ không chỉ kiểm điểm. Bởi nếu chỉ rút kinh nghiệm thì lần sau vẫn thế. Hơn nữa, không thể để cho Hà Nội đứng ra thực hiện thanh tra vụ việc này mà Chính phủ cần đứng ra chỉ đạo hoạt động thanh tra. Chỉ có Thanh tra Chính phủ mới có thể kiểm tra được con số thực số cây đã chặt chứ không sẽ chỉ là vài trăm cây như số liệu Hà Nội công bố. “Lãnh đạo Hà Nội nói đây không phải là chiến dịch chặt cây, nhưng rõ ràng đây là chiến dịch được thực hiện rất cấp tập, làm nhanh hơn cả lâm tặc,” ông Dũng nói. Luật sư Trần Vũ Hải thì cho rằng nếu hoạt động thanh tra để cho Hà Nội thực hiện cũng được nhưng nên cho các chuyên gia vào giám sát, tham vấn. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, mong hoạt động thanh tra vụ việc này không chỉ tìm ra con kiến. Còn ông Phạm Đức Bảo, Tiến sĩ luật, giảng viên Đại học Luật Hà Nội, cho rằng việc chặt cây trên đã vi phạm luật nghiêm trọng, cần được xử theo luật. Do đó cần điều tra nếu thấy có yếu tố cấu thành tội phạm cần khởi tố tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. "Không thể chỉ xử lý mấy người ở Sở Xây dựng Hà Nội để yên lòng dân," ông Bảo nói, và nhấn mạnh Hà Nội làm sai nhưng không có thái độ cầu thị và sửa sai. Ông Bảo cũng đề cập việc Hà Nội tổ chức họp báo chỉ để thông báo chứ không trả lời câu hỏi của báo chí như thông lệ. Chặt cây thể hiện quản lý đô thị yếu Qua việc chặt cây trên , ông Đăng cho rằng hoạt động quản lý đô thị của Hà Nội yếu, chưa có màu xanh mới đã phá hủy màu xanh cũ. Ông Hiệp cho rằng có thể thay thế cây nọ cây kia mang tính kế thừa chứ không thể phủ nhận và chặt đồng loạt như thế. Không nước nào thay thế cây như vậy. Ông Dũng nhận định lập luận của Hà Nội rằng cần thay thế cây vì có nhiều cây xà cừ già cỗi là không hợp lý. Bởi trong một trận bão lớn nhất xảy ra, trong 100 cây của Hà Nội bị đổ thì chỉ có 2 cây xà cừ. Ông Đăng cho hay, Hà Nội được khen vì có cây xanh và mặt nước nhiều. Ông đề cập đến việc chính bà giám đốc đương nhiệm của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đánh giá chưa nơi nào bà đã từng ở và làm việc mà được sống trong ngôi nhà có nhiều cây xanh và chim hót như tại Hà Nội. Giáo sư Dũng thì cho hay ông đã được tới thủ đô của 30 nước và thấy Hà Nội đẹp vì có nhiều hồ và cây. Nhiều thủ đô rất hoành tráng nhưng về cây thua Hà Nội. Nếu chặt đi 6.700 cây của Hà Nội thì sẽ chặt 1/7 lượng cây của thành phố này. "Một cái đầu mà rụng mất 1/7 lượng tóc thì bộ mặt sẽ thay đổi rất nhiều," giáo sư so sánh. Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng, trong quản lý cây xanh đô thị, không chỉ cần quan tâm đến thay thế mà cần lưu ý đến vấn đề cải tạo, chữa bệnh cho cây. Về điều này, giáo sư Lân Dũng ví von, cái cây cũng giống như con người, có lúc khỏe lúc yếu. Khi có bệnh phải chữa chứ không phải mang đi chôn. Tiến sĩ Phó Đức Tùng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lâm nghiệp đô thị của trường Đại học Lâm Nghiệp, phê phán cách trồng cây thay thế tại Hà Nội những ngày qua. Theo ông Tùng, nếu không nghiên cứu kĩ về kĩ thuật trồng cây đô thị, mà trồng cây mới theo kĩ thuật cũ như cách đang làm thì cây mới có khi còn tồi hơn cây cũ. "Trồng cây đô thị không thể lên miền núi lấy cây về trồng như cách Hà Nội đang làm mà cần phải có nghiên cứu khoa học cẩn thận," ông nói. Ông Dũng cho hay, cả cây vàng tâm và cây gỗ mỡ Hà Nội trồng mới trong đợt thay thế cây này đều không thích hợp với khí hậu Hà Nội. Còn ông Hiệp dự báo khả năng chết của nhiều cây được Hà Nội vừa thay mới rất cao. Theo TBKTSG