chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Có chạy chức, tham nhũng ở ngành nội vụ không?
5:00 | 19/11/2013
Có hay không nạn chạy chức, chạy quyền, tham nhũng trong đội ngũ làm tổ chức cán bộ? Nghi vấn được đại biểu QH hỏi đi hỏi lại Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình ở phiên chất vấn sáng nay.
Tài liệu gối đầu
Không phải lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình bị các ĐB "truy" về nạn chạy chức, chạy quyền, chạy chỉ tiêu biên chế, học giả, bằng giả, nhưng lần này, Phó đoàn ĐB Hà Nội Chu Sơn Hà hỏi thẳng ông liệu có nạn này trong chính ngành nội vụ không.
"Có tham nhũng trong đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ không, nếu có thì ở mức độ nào, có thuốc nào chữa được, chữa như thế nào, bao giờ khỏi bệnh?" - ông Hà nêu.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng câu hỏi về bằng giả thuộc trách nhiệm ngành giáo dục, đề nghị một thành viên Chính phủ hỗ trợ.
Phó đoàn ĐB Hà Nội Chu Sơn Hà
Với câu hỏi về tham nhũng thì ông "đặc biệt quan tâm": "Chúng tôi đã đọc kỹ các đánh giá về thực trạng cán bộ, công chức trong các văn kiện của Đảng, trong đó có đánh giá tham nhũng, tiêu cực. Chúng tôi cho đây là quan điểm tư tưởng gối đầu của các cơ quan làm công tác tổ chức, của Bộ Nội vụ và Bộ trưởng".
"Các văn kiện của Đảng đã nêu tương đối kỹ, yêu cầu đề ra biện pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, trong đó có lĩnh vực tổ chức, cán bộ".
Do các quy định về việc này đang rải rác ở nhiều văn bản, Bộ Nội vụ dự kiến trình Chính phủ một dự thảo nghị định về phòng chống tiêu cực trong tổ chức, cán bộ.
"Thủ tướng quyết định sẽ ban hành một chỉ thị, hy vọng sẽ cụ thể hóa để sớm đi vào cuộc sống", Bộ trưởng Bình cho hay.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình
Không hài lòng, ông Chu Sơn Hà hỏi lại: "Chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực trong ngành nội vụ có hay không, giải pháp khắc phục thế nào? Bộ trưởng KH-ĐT đã nói chạy dự án là có nhưng chưa phát hiện được. Ít ra phải nói như vậy".
Ngay trước lượt trả lời này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc Bộ trưởng đi luôn vào điểm chính. Song ông Nguyễn Thái Bình vẫn từ tốn nhắc lại: "Do đây là vấn đề nhạy cảm, tế nhị, chúng tôi đã đọc kỹ các văn kiện của Đảng. Báo cáo chính trị tại ĐH Đảng XI đánh giá cán bộ là khâu yếu, tình trạng chạy chức, chạy quyền chưa được khắc phục... Chúng tôi coi đây là tài liệu gối đầu để nghiên cứu giải pháp khắc phục".
Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN Hà Minh Huệ hỏi thẳng có chuyện bổ nhiệm cán bộ bằng cái "tình" hơn là tiêu chuẩn không, dẫn trường hợp Dương Chí Dũng có sai phạm vẫn được bổ nhiệm ở Vinalines. Câu này được Chủ tịch QH cho "khất" đến phiên họp chiều.
Nếu không phải 30% công chức cắp ô thì bao nhiêu?Chưa nhận được giải trình nào từ khi xuất hiện dư luận 30% công chức không làm được việc, ĐB cũng đặt nhiều chất vấn cho Bộ trưởng Nội vụ.
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chỉ ra con số thống kê có hơn 64 nghìn trong số hơn 555 nghìn công chức cả nước chưa qua đào tạo.
"Đó là điều đáng buồn. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói có 30% cán bộ công chức không làm được việc. Con số này thực hư ra sao? Bộ trưởng có thấy bất hợp lý không?".
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình "đính chính": Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước khi đi công tác nước ngoài hôm qua đã dặn ông nếu ĐB hỏi thì nói là "có dư luận thế" chứ không phải Phó Thủ tướng nói.Bộ trưởng Bình nhận định đây là những phản ánh, kiến nghị, đòi hỏi, mong muốn của dư luận đối với việc đổi mới cải cách công vụ, công chức.
"Muốn tìm được tiếng nói chung phải có những biện pháp tương đối toàn diện, đồng bộ để tổ chức thực hiện. Chính phủ đã ban hành nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính, đề án cải cách công cụ, công chức", ông Bình nói. "Phần đánh giá cán bộ công chức, viên chức đã được phân cấp cho các bộ ngành, địa phương, nhưng về quản lý nhà nước là có trách nhiệm của Bộ trưởng Nội vụ".
Giải pháp "tìm tiếng nói chung" mà Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đưa ra rất dài: hoàn thiện tổ chức, tinh gọn bộ máy, xác định vị trí việc làm v.v...
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) tiếp tục đặt vấn đề: 30% là tương đương 700.000 công chức, chi phí khoảng 17 nghìn tỷ đồng. "Nếu không phải 30% thì bao nhiêu?".
"Nói con số bao nhiêu thì không có cơ sở, nhưng với những giải pháp tôi đã nêu thì đến thời điểm nhất định sẽ tìm được tiếng nói chung về tỉ lệ này", ông Bình nhận định.
Phó Chủ tịch Hội nhà báo VN Hà Minh Huệ băn khoăn về số liệu 1% không hoàn thành nhiệm vụ, hỏi Bộ Nội vụ có định điều tra dư luận về con số 30% để yên lòng dân.
Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ
Đến lúc này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình xin phép "trả lời không ngắn": Các văn bản pháp luật đã có đủ về việc đánh giá công chức viên chức hàng năm. Số liệu 1% là tập hợp từ bộ ngành, địa phương, còn quan điểm của Bộ là cần lộ trình để có con số thống nhất.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đỡ cho Bộ trưởng: Nói như vậy nghĩa là 1% vẫn chưa chính xác, Bộ trưởng đã hứa sẽ kiểm tra và báo cáo.
Theo VietNamNet