chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Cùng sống và làm du lịch với di tích, di sản
12:00 | 04/02/2016
Giá trị xuyên không gian và thời gian của các di tích, di sản văn hóa và thiên nhiên là nguồn hấp dẫn mạnh mẽ du khách cả trong và ngoài nước. Khai thác các giá trị văn hóa - lịch sử và lễ hội là một trong những xu hướng chính trong phát triển du lịch hiện nay.
Trẻ em ở đảo Điệp Sơn (Khánh Hòa). Ảnh: Hải An
Tuy nhiên, để khai thác một cách có hiệu quả, để phát huy, đồng thời bảo tồn được giá trị của những tài nguyên văn hóa - du lịch, đặc biệt trong tình huống người dân vẫn sống cùng di tích, di sản, thì vẫn còn nhiều điều cần bàn.
Di tích, di sản vật thể
Cuộc sống của người dân trong các khu "di tích sống" (làng cổ, phố cổ, đô thị cổ...) luôn nặng trĩu những nỗi lo cơm áo mà ít khi được các nhà quản lý thấu hiểu. Việc bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị di tích, di sản luôn được hô hào nhưng vẫn lúng túng trong trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn với phát triển, giữa chính sách từ trên dội xuống với những bức xúc đời thường mà người dân đang hằng ngày gánh chịu.
Áp lực gia tăng dân số được nhận diện như một nguyên nhân chính gây xung đột giữa bảo tồn và phát triển, giữa giữ gìn giá trị cổ truyền và thỏa mãn mức sống với những đòi hỏi ngày càng cao của người dân đang sống trong các "di tích sống". Áp lực gia tăng dân số vượt ngưỡng chịu đựng còn trực tiếp dẫn tới nhiều nguy cơ cần được "tháo ngòi nổ”: sự "nêm chặt" không gian, sự phá vỡ kết cấu kiến trúc, hiểm họa cháy, nổ, ô nhiễm (cả môi trường tự nhiên và xã hội).
Các công trình kiến trúc cũ chỉ có thể chịu đựng đến một giới hạn nhất định sự chồng lớp theo thời gian của cư dân. Vượt quá giới hạn đó, kiến trúc cũ sẽ bị phá vỡ do nhu cầu nội tại của những chủ sở hữu.
Có thể nhìn rõ sự vênh giữa bảo tồn và phát triển trong khu phố Pháp ở Hà Nội mà vụ sập biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo ngày 22/9/2015 vừa qua đã gióng lên nhiều tiếng chuông báo động.
Còn có thể dẫn thêm nhiều ví dụ khác để nói tới những bất cập chưa được khắc phục trong việc quản lý, khai thác, phát huy những giá trị khi phát triển du lịch của những di tích, di sản đang "sống" cùng người dân cả ở những di sản tầm cỡ quốc tế như Huế, Hội An, Hạ Long...
Di sản văn hóa phi vật thể
Sự phát triển kinh tế, xã hội làm cho những bối cảnh thực hành văn hóa cũng biến đổi và phát triển. Những câu hỏi: "Làm thế nào để bảo tồn được di sản văn hóa tinh thần, không phải bằng cách "đóng băng", bảo tồn nguyên trạng mà phải để nó "sống", bảo tồn nó trong sự phát triển?", "Làm thế nào để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của lễ hội trong vòng xoáy của kinh tế thị trường vẫn quen lấy lợi nhuận làm thước đo?" cần được giải đáp.
Hiện nay, đại đa số (nếu không muốn nói là gần như tất cả) lễ hội đang được những người đương thời tổ chức theo kinh nghiệm, hiểu biết chủ quan, thậm chí sáng tác cả những truyền thuyết không hề có trong lễ hội.
Sau khi di sản, lễ hội được công nhận tình trạng phổ biến là các hoạt động lồng ghép lai tạp cũng "chen chân" vào lễ thức cổ truyền với những mục đích không phải lúc nào cũng quang minh. Các kịch bản mới cho lễ - hội cũng được soạn, làm thay đổi diện mạo cổ truyền đã có từ ngàn xưa.
Hiện tượng thường gặp là một lễ hội (thường là mang tính nông nghiệp) ở cấp địa phương sau khi được "nâng cấp" và "chính quy hóa" đã trở thành lễ trình diễn với nhiều ý nghĩa mới. Điều này làm thay đổi bản chất của di sản lễ - hội cả từ nội dung, ý nghĩa đến phương thức tiến hành.
Việc sân khấu hóa và sáng tạo truyền thống gần như đã tách cộng đồng chủ nhân khỏi di tích, di sản, thậm chí làm cho họ coi di tích, di sản đó không còn là của mình, mà là của Nhà nước (!).
Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển
Sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển trong việc phát huy giá trị di tích, di sản trong sự nghiệp bảo tồn, xây dựng và phát triển nền văn hóa nói chung cũng như cho du lịch nói riêng đang là một thách thức lớn.
Không có gì bền vững mãi mãi với thời gian, nhưng lưu giữ ký ức lịch sử - văn hóa như thế nào thì con người có thể chủ động đưa ra phương cách. Khi nguồn lực đầu tư về kinh tế chưa đủ mạnh, trong khi hệ thống di tích, di sản quá nhiều về số lượng, phong phú về loại hình, lại nhiều hư hỏng cần khắc phục, thì không thể bảo tồn theo cách dàn trải, bình quân, chia đều, mà phải chọn lựa, cứu nguy những gì đang đứng trước nguy cơ bị biến mất. Nhưng sự bình đẳng về văn hóa cần được nhấn mạnh trong cái nhìn khoa học khi đề ra chính sách và xác định phương pháp bảo tồn.
Các nhà quản lý cũng cần phối hợp với các nhà khoa học để đưa ra quy định mật độ dân số vừa đủ, cân bằng giữa không gian sống và số lượng người sống trong di tích. Giữa vùng lõi cần bảo tồn và vùng giãn dân cần thiết lập một "khu đệm" đủ rộng và bên cạnh đó cần phải có quy hoạch trong tầm nhìn tương lai xa với hệ thống hạ tầng khung, các công trình kỹ thuật đầu mối đủ mạnh...
Điều nhất thiết phải có bên cạnh việc tuyên truyền ý thức trách nhiệm, trân trọng bảo vệ những giá trị văn hóa cho mỗi người dân trong các "di tích sống" là phải làm (tạo cách) cho họ có thể sống được và có thể được hưởng lợi từ di tích. Được như vậy người dân mới thật sự coi di tích là "của mình" và sẽ có động lực giữ gìn, phát huy chúng.
Đề cao tiếng nói và sự tham gia của cộng đồng sẽ tạo ra môi trường tốt cho diễn xướng và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể, nâng cao tính chủ động của cộng đồng trong việc nuôi dưỡng những di sản này.
Với thế hệ trẻ, kinh nghiệm tại các nước trong khu vực còn cho thấy, ngoài môi trường gia đình, cộng đồng, hệ thống truyền thông của Nhà nước thì việc nâng cao nhận thức về giá trị của di sản còn cần được đưa vào hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học.
Trên một bình diện khác, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, nhất là bộ phận có trách nhiệm quản lý môi trường, hệ động - thực vật, nghiên cứu chuyên sâu về bảo quản, phục hồi di tích, di sản; tăng cường hợp tác quốc tế, qua đó có thể tăng cường việc quảng bá, phát triển du lịch di sản.
Theo DNSG.