chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Cuộc trở về của hậu duệ vua Hàm Nghi
12:00 | 24/03/2015
Một buổi chiều đầu tháng 3- 2015, có khoảng 200 người, đa phần là người trẻ đã đến Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM lắng nghe cô gái trẻ người Pháp nói về một đề tài xem ra ít sức hấp dẫn với đại chúng hôm nay: Vua Hàm Nghi (1871-1944): một cuộc đời nghệ sĩ.
Amandine Dabat, cháu năm đời của vua Hàm Nghi.Ảnh: NGUYỄN VINH Dường như ngoài mối quan tâm về chủ đề nói chuyện hôm đó, nhiều người muốn xem các tác phẩm và nhất là muốn gặp cô cháu gái năm đời của vị vua có số phận đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Amandine Dabat (sinh năm 1987) là cái tên còn quá mới trong giới học thuật Pháp nghiên cứu về Việt Nam. Trông bề ngoài, cô xinh xắn, dễ gần; cô nói rằng, nguyên do quan trọng cô chọn nghiên cứu về đề tài liên quan Việt Nam là vì có mang dòng máu của “ông hoàng An Nam”, theo cách nói của người Pháp thời thuộc địa. “Tôi càng nghiên cứu trên kho sử liệu gia đình, càng tự hào vì trong mình có dòng máu của vị vua người Việt Nam yêu nước, một nghệ sĩ có cuộc đời thật kỳ lạ”, Amandine Dabat nói. Cô kể về các biến cố xảy ra với vua Hàm Nghi trong suốt thời gian ông bị lưu đày ở thủ đô Alger (Algeria) như một cách lật lại ngọn nguồn lai lịch của mình. Theo sơ đồ phả hệ, thì Amandine Dabat thuộc “nhánh” công chúa Như Lý (vua Hàm Nghi có ba con: công chúa Như Mai, Như Lý và hoàng tử Minh Đức). Nhưng cô Amandine Dabat kể về thời gian vua Hàm Nghi bị lưu đày ở Alger cũng với giọng khách quan, vẽ ra trước mặt mọi người những tháng năm dài trong một cuộc đời u uẩn của vị vua thứ 8 của triều Nguyễn phải sống triền miên trong quản thúc và hoài nghi. Câu chuyện nhà vua không chịu học tiếng Pháp trong thời gian đầu, hay việc vua sống buồn tủi trong ngôi biệt thự Rừng Thông (Villa des Pins, thuộc làng El Biar). Trong những ngày tháng buồn bã, ông đã vẽ để khuây khỏa và chính De Vialar - viên sĩ quan người Pháp được giao quản thúc ông đã nhận ra năng khiếu của nhà vua, từ đó giới thiệu để ông học vẽ, học điêu khắc với những họa sĩ người Pháp và giao du với giới nghệ sĩ Pháp trong khuôn khổ cho phép. Bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi. “Ngài đã vượt ra khỏi sự “giam lỏng” của chính quyền thực dân Pháp trên đất lạ để tìm đến với nghệ thuật như một phương cách bày tỏ nỗi niềm đau đáu về quê hương. Trong tranh của ngài, bút pháp phương Tây với ảnh hưởng của trường phái ấn tượng (impressionism, đại biểu chính là danh họa Claude Monet, nhưng Hàm Nghi chịu ảnh hưởng bởi Paul Gauguin nhiều hơn) hòa quyện với tinh thần hướng về phương Đông, nơi quê hương ông đang rơi vào họa xâm lăng. Trong những chuyến đi sang Pháp và những chuyến du hành tại Algeria, ông đã vẽ nhiều bức phong cảnh, tĩnh vật, chân dung nhưng đến nay, chúng ta chỉ có thể biết thông tin về các tác phẩm đó thông qua những thư từ mà ông trao đổi với bạn bè, nhất là catalogue của cuộc triển lãm riêng vào năm 1926 tại Paris dưới bút danh Tử Xuân; đa số tranh của Hàm Nghi đã bị thất lạc hoặc bị cháy trong cuộc chiến Algeria”, Amandine Dabat nói. Trong số 50 bức triển lãm năm 1926 nay chỉ còn 15 bức, trong đó có bức Déclin du jour (Chiều tà) đã được bán đấu giá tại Pháp vào năm 2010, với giá bán cuối cùng là 8.800 euro. Hoàng hôn, bóng cây, con đường buồn bã... là chủ đề lặp đi lặp lại trong tranh của Tử Xuân (Hàm Nghi) và đó có thể nói rõ nhất về tâm trạng hoài nhớ quê nhà của ông. “Tôi đã tập hợp trên 2.500 tư liệu thư từ gia đình, thư viện, chứng từ hành chính trong thời kỳ đó có liên quan đến vua Hàm Nghi để dựng lại cuộc đời của ông”, cô Amandine Dabat nói về cuốn luận án tiến sĩ lịch sử nghệ thuật tại Đại học Sorbonne mà cô thực hiện năm 2010 có chủ đề : “Tử Xuân: danh mục các tác phẩm tranh ảnh, điêu khắc của Hàm Nghi (1871-1944), vị hoàng đế Việt Nam lưu vong” và luận án tiến sĩ ngành lịch sử nghệ thuật và khảo cổ với chủ đề “Vua An Nam: khảo cổ học nhân học”. Cô có nhiều chuyến lưu trú nghiên cứu tại Algeria, Việt Nam và Paris để tập trung khám phá những điểm mới về cuộc đời nghệ sĩ của vị vua và cũng là vị tiền nhân của mình. Sau đó, mối quan tâm về số phận của vua Hàm Nghi mở hướng cho cô tìm hiểu sâu hơn về Việt Nam. Năm 2012, cô nhận bằng cử nhân Việt Nam học tại Pháp. Cô có bài viết được giới học thuật Việt Nam chú ý gần đây, đăng trên báo chí trong nước: Vua Hàm Nghi - họa sĩ và nhà điêu khắc (tạp chí Xưa và nay, số 337, 2011). “Tôi hy vọng sẽ sớm xuất bản cuốn sách phát triển từ luận án về vua Hàm Nghi viết bằng tiếng Pháp và tiếng Việt trong thời gian tới. Những gì được biết về vị vua yêu nước và là một nhà nghệ sĩ tài năng đích thực sẽ là niềm tự hào cho tất cả chúng ta”, Amandine Dabat nói từ “chúng ta” thật gần gũi và đầy tình cảm với người Việt, như thể mối tương quan về nguồn cội đã đưa cô trở về trên xứ sở mà năm xưa, trong lốc xoáy của lịch sử, vị vua ái quốc đã phải gạt nước mắt rời xa. Theo Saigon times.