Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Cựu Tổng thống Bill Clinton: từ “phá sản” thành triệu phú

12:00 | 02/07/2014

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tỏ ra là người có biệt tài trong việc biến danh tiếng toàn cầu của mình thành tiền bạc, theo nhận định của báo Mỹ Washington Post.

Cựu Tổng thống Bill Clinton trong một buổi nói chuyện tại Panama, tháng 6-2011. Ảnh AP

Trong một tuần lễ sôi nổi vào tháng 5-2012, ông Bill Clinton đã nói chuyện với các nhà quản trị doanh nghiệp ở Thụy Sĩ và Đan Mạch, với hội nghị các nhà đầu tư Thụy Điển, các lãnh đạo chính trị và kinh tế ở Áo và kết thúc chuyến du hành châu Âu tại lâu đài Prague bằng bài nói chuyện về năng lượng với hội nghị cấp cao giới doanh nghiệp Cộng hòa Czech. Trong tuần lễ “chạy sô” này, ông Clinton thu được 1,4 triệu đô la Mỹ.

Chỉ hai tuần sau khi rời Nhà Trắng, cựu Tổng thống Bill Clinton đã bắt đầu đi nói chuyện tại các hội nghị và số tiền kiếm được từ hoạt động này đã giúp đưa gia đình ông từ chỗ “gần như phá sản” khi rời Nhà Trắng năm 2001 theo như tiết lộ hồi đầu tháng này của bà Hillary Rodham Clinton, đến chỗ một gia đình triệu phú và tài sản to lớn ấy sẽ là một lợi thế tiềm năng nếu bà Hillary quyết định ra tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2016.

Theo số liệu mà báo Washington Post thu thập được, từ tháng 1-2001 khi ông bà Clinton rời Nhà Trắng, đến tháng 1-2013, khi bà Hillary rời chức Ngoại trưởng Mỹ, ông Bill Clinton đã đọc 542 bài diễn văn và được trả thù lao 104,9 triệu đô la Mỹ.

Những số liệu này được công khai vì trong 12 năm đó, mặc dù ông Clinton đã thôi chức tổng thống nhưng phu nhân của ông, bà Hillary, vẫn còn là một công chức (bộ trưởng ngoại giao) nên gia đình Clinton vẫn phải công khai thu nhập cho dân chúng biết.

Năm 2012 là thời gian bận rộn nhất của ông cựu tổng thống; trong năm ông đã đọc 72 bài diễn văn có thù lao và nhận được 16,3 triệu đô la. “Tôi bị sốc khi thấy mọi người vẫn muốn tôi đến nói chuyện”, ông Clinton tâm sự với nhà báo David Gregory trong một buổi phỏng vấn của đài NBC.

Trong các bài diễn văn này, ông Clinton nói về các vấn đề chính sách đối nội và đối ngoại, và điều chỉnh các nhận định của mình theo lợi ích kinh doanh của các nhà tài trợ. Ông thường “nói vo”, thu hút sự chú ý cao độ của khán giả, trả lời các câu hỏi một cách thông minh, dí dỏm. Tuy nhiên, một số nhà tài trợ cho biết, hợp đồng nói chuyện với ông bà Clinton luôn có điều khoản quy định cấm ghi âm, phát hành băng video hoặc văn bản những nhận định của ông bà. Những cuộc nói chuyện này cũng “cấm cửa” với giới báo chí.

Mặc dù ông Clinton xuất hiện ở Mỹ nhiều hơn, nhưng số tiền ông nhận được từ nước ngoài lại cao hơn, lên tới 56,3 triệu đô la Mỹ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Canada và Vương quốc Anh. Ngành tài chính là nhà tài trợ lớn nhất cho các buổi nói chuyện của ông: ông Clinton đã xuất hiện tại 102 sự kiện của giới tài chính và nhận được 19,6 triệu đô la từ các ngân hàng, tổ chức tài chính tại Wall Street. Ngân hàng Goldman Sachs đã thuê ông Bill Clinton 8 lần trong các năm qua và trả cho ông 1,35 triệu đô la Mỹ; ngân hàng TD Bank mời ông đọc diễn văn 10 lần với chi phí 1,8 triệu đô la Mỹ…

Ông bà Clinton cũng đã có nhiều lần nói chuyện “miễn phí” hoặc biến số tiền thù lao thành phần đóng góp của nhà tài trợ vào quỹ từ thiện Clinton Foundation do gia đình Clinton thành lập và điều hành.

Sau khi rời Bộ Ngoại giao Mỹ đầu năm 2013, bà Hillary Clinton cũng nối gót theo chồng và các cựu tổng thống, cựu ngoại trưởng khác tham gia vào hoạt động nói chuyện thu tiền. Hồ sơ thu nhập của bà Hillary trong hoạt động này chưa được công khai nhưng một số nhà quản trị doanh nghiệp thường tổ chức các sự kiện lớn cho biết, thù lao cho một buổi nói chuyện của bà Hillary Clinton vào khoảng 200.000 đô la Mỹ trở lên và bà có nhiều lời mời nói chuyện hơn ông Clinton bởi vì bà mới rời chính trường chưa lâu và người ta muốn biết thông tin cập nhật về tình hình thế giới cũng như chính sách đối ngoại của Mỹ.

Những cuộc nói chuyện có thù lao là nguồn thu nhập lớn nhất của gia đình Clinton, dù cả hai ông bà đều kiếm được hàng chục triệu đô la khác từ việc viết sách và đầu tư tài chính.

Anthony Scaramucci, Giám đốc quỹ đầu tư SkyBridge Capital – quỹ này trả cho ông Clinton 175.000 đô la mỗi lần ông đến nói chuyện với hội nghị đầu tư thường niên của quỹ từ năm 2010 đến nay - tiết lộ rằng, sự có mặt của ông/bà Clinton tại hội nghị giúp thu hút sự chú ý của giới tài chính, có thể làm cho số người tham dự hội nghị tăng thêm một phần ba. “Chỉ riêng sự có mặt của cựu tổng thống Bill Clinton đã đủ để giúp nâng cao uy tín và độ tin cậy của sự kiện của chúng tôi”, ông Scaramucci nói. Ông này cũng thông qua ông Clinton để mời các diễn giả quan trọng khác như các cựu tổng thống George W. Bush và Nicolas Sarkozy.

Quỹ đầu tư của ông Scarmucci đã lên kế hoạch mời bà Hillary Clinton nói chuyện tại hội nghị thường niên 2014 hồi tháng trước nhưng không thực hiện được vì “bà ấy đang có quá nhiều lời mời”. Xem ra, “nói ra tiền” cũng là một ngành kinh doanh béo bở của những nhân vật xuất chúng ở Mỹ.

Theo Washington Post

undefined