Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người thức thời

5:00 | 15/10/2013

Không chỉ là thiên tài quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một con người hết sức thức thời…

 

Tướng Giáp là một trong những người cuối cùng trong thế hệ những người lính cách mạng Việt Nam tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trong suốt quãng đời sau đó, ông trở thành lời nhắc nhở sống về một cuộc chiến gian khổ mà hào hùng của dân tộc Việt.

Nhưng ông đồng thời cũng là một con người hết sức thức thời.

Cuộc chiến tranh thống nhất đất nước kết thúc, ông ra sức ủng hộ cải cách kinh tế và tạo dựng một mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ trong khi công khai nêu lên những cảnh báo về các vấn đề bức thiết của cuộc sống hiện nay như tác động môi trường của công nghiệp hóa...

Đối với quân xâm lược Mỹ, trong suốt thời kỳ những năm 1960 và giữa những năm 1970, ông, có lẽ chỉ sau người thầy Hồ Chí Minh, luôn là một nỗi ám ảnh kinh hoàng. Với các sử gia, cuộc chiến mà hàng triệu người Việt Nam sẵn sàng hy sinh đã làm tiêu hao kho ngân quỹ và lòng tin chính trị của Washington và gây chia rẽ sâu sắc một đất nước trong vấn đề vai trò của Mỹ trên thế giới mà ảnh hưởng của nó vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay.




Là một thầy giáo, không qua một khóa đào tạo quân sự chính thức nào, chàng trai Võ Nguyên Giáp đã tham gia phong trào nổi dậy của Đảng Cộng sản Việt Nam vào những năm 1940 và xây dựng phong trào trở thành một lực lượng kỷ luật cao qua 30 năm cách mạng và kháng chiến thống nhất đất nước.

Ở ông có sức lôi cuốn của một sử gia quân sự uyên bác và một nhà yêu nước kiệt xuất, mà nhờ đó ông đã động viên được quân đội và sự cống hiến cho tổ quốc. Ông được nhiều người xếp ngang hàng với những người cùng thời như MacArthur, Rommel và các nhà lãnh đạo quân sự thiên tài khác của thế kỷ 20.

Đôi người phương Tây vẫn nói đó là một cuộc chiến đẫm máu, nhưng họ đâu hiểu được một điều rằng nhân dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh xương máu để đánh đuổi bất kỳ kẻ ngoại xâm nào ra khỏi quê hương mình. Ông là người người hiểu điều đó và cảm thông sâu sắc nhất với thân phận của người dân mất nước. Và người ta lại thấy sự sáng suốt của ông bởi tiến hành chiến tranh trong một thời đại mà truyền hình phát triển thì sự thắng bại phụ thuộc rất lớn vào khả năng tuyên truyền.

Đây chính là những bài học nhãn tiền trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 khi quân dân du kích Việt Nam tất công vào một loạt các cứ điểm quân sự và thủ phủ các tỉnh ở khắp miền Nam. Cho dù người Mỹ luôn không thừa nhận đó là một thất bại, nhưng thực sự, đúng như tính toán của tướng Giáp, cuộc tiến công đã thổi bùng ngọn lửa kháng chiến và chứng tỏ cho nhân dân Việt Nam thấy rằng người Mỹ hoàn toàn có thể bị đánh bại.

Cuộc tổng tiến công diễn ra cũng đúng lúc phong trào biểu tình chống chiến tranh đang diễn ra mạnh mẽ ở Mỹ và những hình ảnh tàn khốc được phát sóng trên truyền hình càng châm ngòi cho một làn sóng phản đối nữa. Tổng thống Lyndon B. Johnson, người cân nhắc xin nghỉ hưu 3 tháng trước Tết, đã quyết định không tham gia tái tranh cử, và với việc Richard M. Nixon được bầu làm Tổng thống vào tháng 11, thì cuộc rút quân kéo dài của quân đội Mỹ đã bắt đầu.

Tướng Giáp đã nghiên cứu và áp dụng phù hợp vào Việt Nam, theo đó tuyên truyền quân sự, tự vệ vũ trang và kiên trì chiến tranh du kích là điều kiện tiên quyết để một cuộc cách mạng đi đến thành công. Sử dụng chiến lược này, tướng Giáp đã đánh bại đội quân tinh nhuệ và quân Lê Dương được nhiều người ca tụng của Pháp trong trận Điện Biên Phủ vào tháng 5/1954, buộc Pháp phải rút khỏi Đông Dương trong sự nể phục.

Tướng Marcel Bigeard, một đại tá trẻ của lính dù Pháp đầu hàng tại Điện Biên Phủ, chia sẻ với Peter G. Macdonald, một người viết tiểu sử về Đại tướng, rằng “Ông ấy luôn rút ra bài học từ những sai lầm và không lập lại những sai lầm ấy”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho yêu nước nghèo.

Ông nhận bằng cử nhân luật và kinh tế chính trị vào năm 1937, sau đó về dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội do Hoàng Minh Giám làm giám đốc nhà trường, nơi ông được biết đến với những bài giảng giàu sức sống về Cách mạng Pháp. Ông cũng nghiên cứu Lenin và Karl Marx và đặc biệt ấn tượng với các luận điểm của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông về kết hợp chiến lược chính trị và quân sự để giàng thắng lợi cho cuộc nổi dậy.

Năm 1941, Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm người lãnh đạo phong trào Việt Minh.

Cuối năm 1953, Pháp thành lập  một căn cứ ở Điện Biên Phủ, khu vực phía Tây Bắc giáp biên giới với Lào, đồn trú khoảng 13.000 binh lính bao gồm các binh lính người Việt Nam, thuộc địa Bắc Phi cũng như các chỉ huy cao cấp của Lục quân Pháp và đội quân tinh nhuệ Lê Dương.

Sau 8 tuần bị quân đội Đảng Cộng Sản Việt nam bao vây, tiền đồn cuối cùng của Pháp bị phá hủy vào ngày 7/5/1954. Thời điểm diễn ra sự kiện này là một nước cờ chính trị quan trọng, diễn ra đúng vào ngày các nhà đàm phán gặp gỡ tại Geneva để thảo luận kết thúc chiến tranh. Trước sự thất bại của chiến lược, các nhà đàm phán Pháp buộc phải bỏ cuộc và đồng ý rút quân. Nhưng đất nước Việt Nam chưa được thống nhất mà bị chia cắt thành hai miền. Cuộc chiến của nhân dân Việt Nam do vậy trên thực tế chưa kết thúc.

Cuối những năm 1950, đầu những năm 1960, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower và sau đó là Tổng thống John F. Kennedy tỏ ra ngày càng lo ngại khi các lực lượng Cộng Sản đẩy mạnh chiến tranh du kích. Vào thời điểm ông Kennedy bị ám sát tại Dallas vào năm 1963, Mỹ đang có hơn 16.000 binh lính tại miền Nam Việt Nam.

Tướng Westmoreland dựa vào vũ khí vượt trội đã tiến hành một cuộc chiến tranh làm tiêu hao lực lượng đối phương, mà ông đánh giá thành công của mình qua con số thương vong của quân đội đối phương. Mặc dù thiệt hại về con số thương vong, nhưng tướng Giáp nhanh chóng nhận ra rằng việc đánh bom và sử dụng hỏa lực bừa bãi của người Mỹ đã gây ra những thương vong nặng nề cho dân thường và gây căm phẫn cho những người Việt Nam ngay trong chính chính quyền mà nước Mỹ ủng hộ.

Ngày 30/1/1968, hơn 80.000 chiến sĩ Việt Minh đã tấn công bất ngờ vào các căn cứ quân sự và thành phố ở khắp miền Nam trong chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân. Hàng chục nghìn chiến sĩ đã hy sinh, nhưng điều đó chỉ càng chứng tỏ quyết tâm giành thắng lợi của nhân dân Việt Nam và đồng thời làm chấn động công chúng cũng như giới lãnh đạo Mỹ.

Năm 1990, ông chia sẻ với phóng viên Stanley Karnow rằng “Chúng tôi muốn chứng minh cho người Mỹ thấy rằng chúng tôi không hề kiệt sức, chúng tôi có thể tấn công kho vũ khí, thông tin liên lạc, các đơn vị tinh nhuệ và thậm chí cả trụ sở, đầu não cuộc chiến của họ”.

Chính phủ Mỹ bắt đầu đàm phán hòa bình tại Paris vào tháng 5/1968. Năm sau đó, Nixon bắt đầu rút quân Mỹ theo chính sách Việt Nam hóa chiến tranh và kêu gọi quân đội miền Nam Việt Nam tự gánh chịu gắng nặng chiến tranh.

Tháng 3/972, quân đội Việt Nam mở chiến dịch Xuân-Hè trên 3 mặt trận, mở rộng hành lang hậu cần tại Campuchia và Lào, tiếp tục chi viện cho miền Nam. Đây là cuộc tổng tấn công chiến lược bằng các chiến dịch tiến công quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng, tiến công sâu hệ thống phòng ngự của quân đội Việt Nam vào những hướng chiến lược quan trọng: Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, đồng bằng Khu V và Khu VIII.

Sau khi thống nhất đất nước, ông là người tiên phong ủng hộ xu hướng theo đuổi Chủ nghĩa Xã hội thông qua cải cách thị trường tự do. Ông trả lời một phóng viên nước ngoài: “Trong quá khứ, thách thức lớn nhất của chúng tôi là các cuộc ngoại xâm.a Nhưng hiện nay Việt Nam đã độc lập và thống nhất, chúng tôi có thể giải quyết thách thức lớn nhất của chúng tôi. Thách thức đó là đói nghèo và tụt hậu kinh tế”

Về thách thức đó, ông trả lời phóng viên Neil Sheehan vào năm 1989 rằng: “Đất nước tôi như một người bệnh nặng lâu năm. Các nước khác đã đạt được nhiều tiến bộ. Chúng tôi thì vẫn chiến tranh”.

 



Đình Ngân(tổng hợp theo New York Times)

undefined