chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Di sản của Lý Quang Diệu
12:00 | 23/03/2015
Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, người được mệnh danh là cha đẻ Singapore, vừa qua đời lúc 3g18 sáng nay, ngày 23-3-2015, theo thông báo chính thức của Văn phòng Thủ tướng Singapore.
Ông Lý Quang Diệu (phải) trong một chuyến thăm và làm việc ở Việt Nam năm 2009.Nguồn: DANGCONGSAN.VN Ông Lý thọ 91 tuổi, có 4 người con và 7 cháu; trong đó có những người giữ trọng trách trong chính phủ Singapore như Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long. Văn phòng Thủ tướng Singapore cũng công bố lễ quốc tang kéo dài một tuần, bắt đầu từ sáng nay thứ Hai 23/3 đến hết Chủ nhật 29/3. Quốc kỳ Singapore sẽ treo rủ tại tất cả các công sở trên đảo quốc. Nguyên thủ quốc gia nhiều nước trên thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã gửi điện chia buồn tới lãnh đạo và nhân dân Singapore về sự ra đi của ông Lý. TBKTSG Online xin đăng lại bài “Di sản của Lý Quang Diệu” vừa đăng trên TBKTSG số 11-2015, phát hành ngày 12-3 do cộng tác viên của chúng tôi gởi về từ Singapore. ... “Khi đó thì tôi đã giã biệt cõi đời rồi. Sẽ có nhiều tiếng nói, quan điểm khác nhau nhưng tôi vẫn đứng vững với những thành tựu đạt được. Tôi đã làm một vài điều đau xót và nghiệt ngã để xử lý mọi việc đúng đắn. Có thể có một số người không đồng ý với điều tôi đã làm. Tàn nhẫn quá, nhưng ván bài đã lật ngửa và tôi muốn đất nước tôi thành công, chỉ có vậy thôi. Cuối cùng thì tôi được cái gì? Một Singapore thành công...”. Đó là chia sẻ của Lý Quang Diệu, vị khai quốc công thần của đất nước Singapore hiện đại với nhật báo The Straits Times (TST) qua quyển sách “Lý Quang Diệu - Những sự thật nghiệt ngã để giữ Singapore tiến lên”. Singapore là một câu chuyện thành công gắn liền với tên tuổi của ông Lý. Nhưng công bằng mà nói, lịch sử Singapore đâu chỉ có Lý Quang Diệu. Trong những năm cuối thập niên 1940 và đầu 1950, một số thanh niên đầy nhiệt huyết của Singapore và Malaya đã lên đường sang Anh học nghề luật để thỏa mãn khát vọng thời trai trẻ và Quang Diệu nằm trong đội ngũ tinh hoa nói trên. Trở về nước với bằng cử nhân luật của Đại học Cambridge, Quang Diệu cùng các đồng chí thành lập đảng Hành động Nhân dân (PAP) vào năm 1952. Tháng 5-1959, chàng luật sư 35 tuổi họ Lý đã nắm quyền quản lý đất nước qua bầu cử và trở thành thủ tướng đầu tiên của đảo quốc Sư tử. Với triết lý dân chủ xã hội chủ nghĩa, PAP đã liên tục giành được đa số phiếu của người dân Singapore để chính danh lãnh đạo đất nước. Nhưng một mô hình thành công lâu bền không thể chỉ dựa vào một cá nhân xuất chúng duy nhất và câu hỏi đặt ra là tương lai Singapore sẽ ra sao một ngày nào đó ông Lý không còn nữa. Thật vậy, di sản mà ông Lý đã để lại cho Singapore quá lớn với những dấu ấn đậm nét trong hầu hết mọi sắc thái của đời sống kinh tế, chính trị xã hội. Trong suốt 31 năm trên cương vị thủ tướng, ông Lý là kiến trúc sư trưởng của tất cả những thay đổi trong hệ thống chính trị phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh đặc thù của một quốc gia bé nhỏ, mật độ dân số cao và xung quanh là những người láng giềng chẳng mấy thân thiện, không tài nguyên thiên nhiên, một hòn đảo lẻ loi không có đất liền với người dân đủ mọi thành phần sắc tộc, tôn giáo và văn hóa. Năm 1990, Lý Quang Diệu rời bỏ chức vụ Thủ tướng nhưng vẫn còn ở lại nội các với chức danh Bộ trưởng Cao cấp. Tiến trình giao ca thế hệ đã diễn ra êm thắm với hai thủ tướng kế nhiệm là một Goh Chok Tong giỏi về kinh tế và một Lý Hiển Long xuất sắc về toán học và ngôn ngữ. Gần 20 năm sau, ông Lý thẳng thắn tuyên bố với TST rằng sứ mệnh của mình đã hoàn thành và không còn tham gia những quyết định “triều chính” nữa. Ông cho biết công việc còn lại trên cương vị Bộ trưởng Cố vấn là ủng hộ và dẫn dắt các bộ trưởng trẻ tuổi còn non kém trên chính trường. Ông tiết lộ vấn đề hiện nay của Singapore là không có đủ người tài giỏi tham gia vào hoạt động chính trị và thậm chí thiếu cả nhân tài để điều hành nền kinh tế. Trong vòng 15-20 năm nữa, với tình trạng dân số già, nguy cơ chảy máu chất xám và những thách thức lãnh đạo nói trên, liệu Singapore có thể tiếp tục phát triển thịnh vượng như trong nhiều thập niên qua không? Lời cảnh báo của Giáo sư chính trị học người Mỹ Samuel Huntington rằng di sản của Singapore sẽ theo Lý Quang Diệu xuống mồ từ lâu đã trở thành như nỗi lo nhức nhối của đảng cầm quyền PAP. Thậm chí những câu hỏi đại loại như: “PAP liệu có tồn tại mãi không?” hay “PAP có thể sống sót sau khi Lý Quang Diệu qua đời không?” còn được đưa ra bàn luận trong nội bộ PAP và cả giới học giả. Một số kịch bản đã được dự kiến và nhiều người đã không ngần ngại đưa ra những nguyên nhân có thể làm PAP sụp đổ như: tham nhũng, kiêu ngạo, lạm dụng quyền lực, mất gắn bó với người dân, bất bình đẳng xã hội, tự mãn, lãnh đạo kém, thiếu trình độ kỹ trị và kinh tế suy thoái trong một thời gian dài. Một câu hỏi khác cũng cụ thể không kém: ai sẽ kế nhiệm Lý Hiển Long để trở thành thủ tướng thứ tư của Singapore? Tương lai sẽ trả lời cho những câu hỏi nói trên nhưng không thể quên một trong những tuyên bố quan trọng của Lý Quang Diệu trên cương vị thủ tướng ngay sau khi giành được tự chủ chính quyền là Singapore vẫn duy trì bức tượng của ngài Stamford Raffles, người đã có công sáng lập thuộc địa ở quảng trường Empress, nơi đặt trụ sở cai trị của thực dân Anh và đã khẳng định Singapore sẽ xây dựng lại đất nước trên những giá trị nền tảng lâu đời của người Anh là nhà nước pháp quyền, lòng khoan dung tôn giáo và trọng dụng nhân tài. Lịch sử đã chứng minh những giá trị nền tảng mà ông Lý đưa ra là hết sức vững chắc nhờ khôn khéo tiếp thu những tinh hoa về vật chất lẫn tinh thần của thực dân Anh. Tinh thần thượng tôn luật pháp và trọng dụng nhân tài đã giúp cho chính phủ cầm quyền của PAP luôn vững mạnh, trong sạch và nói không với tham nhũng. Vị thế địa chiến lược tuyệt vời đã cho phép Singapore trở thành trung tâm và đầu mối thương mại, dịch vụ, hàng không, hàng hải, hậu cần, thông tin và viễn thông. Nhưng tất cả những điều đó sẽ không thành hiện thực nếu Singapore không có nền chính trị ổn định và guồng máy điều hành nhà nước lành mạnh và hiệu quả. Ánh hào quang quá lớn của ông Lý và thế thượng phong của PAP trong nhiều thập niên khiến ít người quan tâm đến thực tiễn nhà nước pháp quyền tại Singapore. Trong guồng máy vận hành nhà nước Singapore, có sự tách biệt rõ ràng giữa quyền lực chính trị (đứng đầu là các bộ trưởng) và hành chính công quyền (đứng đầu là các tổng trưởng - permanent secretary). Thủ tướng là người cao nhất trong số những người ngang hàng nhau. Bộ trưởng và tổng trưởng cũng là những người ngang hàng và đối xử bình đẳng với nhau và tiến trình ra quyết định được thực hiện công khai, minh bạch với cơ chế kiểm tra và cân bằng (check and balance) cụ thể. Phát biểu trong một diễn đàn vào năm 2004, ông Lý cho biết: “Chung quy lại thì nếu bạn vận hành hệ thống một cách đúng đắn, bạn phải có sự phân biệt rõ giữa cái gì là đảng phái và cái gì là chính phủ sao cho trong trường hợp anh nào không được người dân tín nhiệm qua lá phiếu phải bước ra khỏi chính trường mà guồng máy vẫn vận hành bình thường cho những nhà lãnh đạo chính trị khác. Mặc dù đảng đối lập còn yếu ớt, chúng ta vẫn duy trì hệ thống đó vận hành theo cách như vậy để trong trường hợp đảng cầm quyền bị truất phế, chính phủ, quốc hội và bộ máy công vụ vẫn hoạt động. Công an, quân đội sẽ gánh vác trong trường hợp cần thiết. Sẽ không có chuyện sụp đổ toàn hệ thống”. Giới hạn của bài viết này không cho phép chia sẻ đầy đủ những di sản của Lý Quang Diệu cho đất nước Singapore nhưng những nguyên tắc căn bản về lập quốc và ngoại giao của ông đáng để cho nhiều nước học tập và suy gẫm. Tinh thần tự lực tự cường và không dựa dẫm ngoại bang của ông đã được các thế hệ Singapore quán triệt chặt chẽ và câu nói của ông “Không ai nợ chúng ta” (No one owes us a living) cũng là khẩu hiệu mà học sinh trung học thuộc nằm lòng. Chính sách ngoại giao thực dụng của Singapore không dựa vào bất cứ ý thức hệ hay học thuyết giáo điều nào mà chỉ theo nguyên tắc chỉ đạo lớn nhất là an ninh và thịnh vượng của Singapore. Theo cựu Bộ trưởng Ngoại giao Jayakumar, tầm vóc cây cao bóng cả của ông Lý và sự kính trọng mà nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới dành cho ông là yếu tố rất quan trọng cho vị thế của Singapore trên trường quốc tế. Nhưng phải chăng điều đó cũng đặt cho thế hệ lãnh đạo mới của Singapore nhiều khó khăn và thách thức khi một ngày nào đó ông Lý phải giã biệt trần thế mà trở về với đất trời? Theo Saigon times.