chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Di tích tâm linh thời Lý bị xâm hại: Cần được bảo tồn thích đáng
12:00 | 04/11/2014
Theo PGS. TS Tống Trung Tín, thực trạng khu vực di tích tâm linh thời Lý bị xâm hại thế nào thì nên bảo tồn hiện trạng như thế.
Sau khi Viện Khảo cổ học ra Văn bản số 400/KCH ngày 29/10 gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành, cơ quan liên quan về công trình tâm linh đặc biệt bị xâm hại, đã làm dấy lên sự bức xúc của các nhà khoa học, khảo cổ học và các nhà nghiên cứu lịch sử. Theo các nhà nghiên cứu, việc cấp thiết bây giờ là phải xem xét hiện trạng và tìm cách bảo tồn di tích một cách tốt nhất.
Ứng xử thế nào với di tích sau khi bị xâm hại?
Di tích tâm linh thời Lý nằm tại lô E thuộc khu vực khai quật khảo cổ học Vườn Hồng, Ba Đình, Hà Nội, trong Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên, trong quá trình thi công xây dựng gara ngầm, do không phối hợp với Viện Khảo cổ học, thiếu sự giám sát chặt chẽ của BQL dự án, thi công trong điều kiện bản vẽ điều chỉnh thiết kế và biện pháp thi công chưa được phê duyệt nên nhà thầu thi công đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến di tích như: tập kết vật liệu, vật tư, xả rác thải sinh hoạt, xả bùn bentonize vào trong khu vực di tích.
Máy xúc thi công trong khu vực kiến trúc tâm linh đặc biệt (chỗ có các cọc nhô lên),
cách kiến trúc trung tâm của khu di tích 1,5 m - Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội
Văn bản số 400/KCH ghi rõ: “Nghiêm trọng hơn, nhà thầu thi công của BQL dự án đã đưa máy móc vào thi công cách kiến trúc trung tâm của khu di tích 1,5 m, gây nguy hại trực tiếp đến tính nguyên trạng, tại chỗ của di tích” và “Khu vực di tích có thể bị sụt lún và phá hủy bất cứ lúc nào”.
Theo các nhà nghiên cứu, hiện nay, có nhiều cách để bảo tồn khu du tích như di chuyển, chôn lấp, bảo tồn từng phần hay bảo tồn nguyên trạng di tích.
Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, có 2 phương thức bảo tồn: “Một là bảo tồn tại chỗ, nếu không gian và điều kiện bảo quản cho phép. Thứ 2 là chôn đi sau khi đã xử lý bằng nghiệp vụ. Sau này, khi khoa học phát triển và có điều kiện, chúng ta có thể đưa lên. Ngoài ra, cũng có thể đưa một phần những hiện vật trong khu di tích mà cần bảo quản hoặc trưng bày đi nơi khác, nhưng trên cơ sở lập hồ sơ kỹ càng”.
Ông Quốc cho biết thêm: “Theo tôi được biết, lúc đầu cũng có ý định di chuyển khu di tích thời Lý đi nơi khác, nhưng gặp trục trặc trong quá trình di chuyển một vài hiện vật liên quan đến lĩnh vực tâm linh. Việc bảo tồn từng phần là phương thức mà tôi cho là hợp lý nhất bởi chúng ta chưa có đủ trình độ về nhận thức, khai quật, bảo quản, trưng bày. Vậy tốt nhất là giữ gìn nó trong lòng đất như hàng nghìn năm nay và những thứ cần thiết thì đưa vào bảo tàng”.
Kiến trúc tâm linh đặc biệt thời Lý. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội
Trên thế giới, việc bảo tồn từng phần và lập phương án khác nhau cho từng đối tượng là việc đã có tiền lệ. Tuy nhiên, việc này còn khá mới và cần các nhà khảo cổ học phải nghiên cứu kỹ càng.
Còn theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Khu di tích tâm linh nên được bảo tồn nguyên vẹn: “Sau khi Viện Khảo cổ học gửi văn bản báo cáo về việc di tích thời Lý bị xâm hại, việc xây dựng hiện nay đã tạm dừng. Viện đang bàn bạc để đề ra phương án bảo tồn. Trên thực tế, kiến trúc của di tích này đã bị xâm hại, nhưng hiện trạng của di tích lúc này như thế nào thì nên bảo tồn vẹn nguyên như thế. Trong quá trình bảo tồn, đương nhiên sẽ mời các nhà khảo cổ, các chuyên gia nước ngoài cùng tham gia”.
Di tích đàn tế đặc biệt trong lịch sử Đông Á và Đông Nam Á
Nằm ở độ sâu từ 2,2 – 4,2 mét dưới khu vực Vườn Hồng (cạnh nhà Quốc hội), di tích tâm linh thời Lý được xác định có niên đại trong thời điểm từ 1010 – 1048. Cấu trúc trung tâm có 4 lớp, chính giữa là một khối đá lớn được khoét lõm hình tròn, xung quanh là 4 xà gỗ hình vuông, phía ngoài là các cọc gỗ cắm hình vuông, lớp ngoài cùng có dấu vết các cột lớn tạo thành 2 hình tròn đồng tâm. Hai cấu trúc phụ có mặt bằng cao hơn mặt bằng chính của kiến trúc trung tâm, hình giống hình elip.
Các chuyên gia cho rằng, đây là di tích đàn tế độc nhất vô nhị, hiếm có trên thế giới.
Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội
Đánh giá về di tích lịch sử đặc biệt này, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: “Qua khảo sát, trao đổi ngay tại hiện trường, chúng tôi nhận định, di tích kiến trúc này có liên quan đến nghi lễ tế trời đất ở trong cấm thành Thăng Long. Bởi, theo truyền thống của các nước phương Đông, bao giờ cũng phải tổ chức lễ tế trời đất và đàn tế phải ở trong kinh thành. Ngoài ra, vị trí của nó sát liền với điện Càn Nguyên – là chính điện, điện quan trọng nhất của sự kiện định đô thời Lý nên giữ một vai trò rất đặc biệt”.
Sau khi xuất lộ, nhiều chuyên gia quốc tế, chuyên nghiên cứu về cấu trúc thành cổ của Nhật Bản và Trung Quốc có tới xem xét. Các chuyên gia cho rằng, đây là di tích đàn tế độc nhất vô nhị, hiếm có trên thế giới nên mới lúng túng trong việc gọi tên. Có chuyên gia thì nói là Minh Đường, có người cho là Thiên đàn. Có thể theo cấu trúc kinh thành Châu Á thì di tích tâm linh sẽ có tên gọi chung, nhưng theo lịch sử và cách nhìn của Việt Nam thì lại có tên gọi riêng.
“Di tích bằng gỗ có từ năm 1010, không phải quá kiên cố nhưng lại được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay là một điều kỳ diệu. Ngay cả nút buộc gỗ mà còn nguyên trong điều kiện khí hậu ở nước ta thì cũng rất lạ. Đến bản thân chúng tôi còn thấy kinh ngạc. Vì thế, bạn bè quốc tế mới ghi nhận đây là di tích hết sức đặc biệt” – GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết thêm.
Dù chưa xác định được tên gọi cụ thể, kết luận của Viện khảo cổ học Việt Nam vẫn cho rằng di tích này là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử Đông Á và Đông Nam Á, đồng thời thể hiện tinh thần độc lập và tự tôn dân tộc rất cao của nước Việt xưa và cần phải được bảo tồn một cách thích đáng.
Theo VOV