Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Đô thị như một cuốn sách

12:00 | 26/03/2015

Nhớ có lần đi du lịch Trung Quốc, trên đường trở về khách sạn nằm ngoài trung tâm Thượng Hải, nhóm du khách người Việt chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy một cây xanh, duy nhất một cây, khá to nằm ngay giữa đường (có rào bảo vệ bao quanh) và đường chẻ ra thành hai làn nằm hai bên gốc cây. Một cây ngô đồng thì phải. Rõ là một con đường cũ đã được mở rộng và cái cây vốn trước đây mọc ở bên đường nay đã lọt vào giữa đường, nhưng thay vì chặt béng cái cây đi người ta đã giữ nó lại và nó trở nên như nốt ruồi duyên cho cả đoạn đường, cho cả khu phố. Mấy ngày sau, lại thêm một ngạc nhiên khác khi đến Hàng Dương: trên một con đường lớn, chúng tôi thấy những thân cây bên đường như được mặc áo với những sợi như vải bố quấn quanh thân, hỏi ra mới biết người ta làm vậy để giữ ẩm cho cây trong những ngày nắng hạ. Cây được đối xử như người, tất nhiên là vì con người.

Ý kiến của các chuyên gia và luật sư tại tọa đàm "Từ đề án 6700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội" (23-3)

cho thấy chính quyền Hà Nội đã vi phạm pháp luật khi thực hiện đề án này. Ảnh TLTBKTSG

Thượng Hải mới, hiện đại phát triển qua bên kia sông Hoàng Phố, với Phố Đông. Bên này sông, phố cổ vẫn được bảo tồn với những khu nhà xây bằng gỗ tuyệt đẹp và những cái cây như cái cây nói ở trên. Paris sẽ không còn là Paris thu hút số lượng khách du lịch đứng đầu các đô thị trên thế giới nếu thay vì phát triển đô thị mới La Défense bên ngoài Paris cổ người Pháp lại đi đập các tòa nhà cổ để xây mới. Tháp Montparnasse (cao 210 mét, khánh thành năm 1973) xây ở vị trí nhà ga Montparnasse cũ là thử nghiệm xây nhà chọc trời duy nhất giữa lòng Paris cổ và đã nhận không ít chỉ trích, mỉa mai của công chúng Pháp do không hài hòa với phong cảnh kiến trúc của Paris cổ kính. Thế mới thấy bài toán bảo tồn và phát triển đặt ra nghiêm túc như thế nào ở các nước. Bởi đô thị như một cuốn sách, nó mở ra cho người ta đọc thấy trong đó cả quá khứ lịch sử, cả hiện tại để từ đó có thể tưởng tượng ra tương lai của đô thị ấy. Sẽ thế nào, một đô thị xóa đi những dấu vết - một tòa kiến trúc, một con phố, một cây cầu hay một hàng cây - gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ, nhắc nhớ và làm nên cái hồn của đô thị với những cư dân của nó? Cũng như cây đa đầu làng với dân làng, nó luôn có một cái hồn và không bao giờ bị đốn.

Vậy mà ở Hà Nội cổ kính của chúng ta, người ta đã ra tay đốn hạ không thương tiếc chỉ trong vài ba ngày hàng trăm cây xanh trong một đề án đốn hạ để thay thế tới 6.700 cây xanh trên gần 200 con đường. Lý do nghe ra rất hợp lý: đốn hạ những cây mục ruỗng, dặt dẹo, có thể gãy đổ, gây nguy hiểm cho người đi đường, không đồng bộ, không hợp với đô thị để thay vào đó là những cây xanh đồng bộ, hợp với đô thị nhằm xây dựng đô thị “văn minh, hiện đại”... Thế nhưng hình ảnh những cây bị đốn hạ lại cho thấy nhiều cây có vẻ là cổ thụ vẫn còn mạnh khỏe, mặt gỗ sau khi bị lưỡi cưa xẻ rời còn chắc nịch, tươi rói. Người ta đã chẳng chú ý gì, quan tâm gì tới nỗi đau trong lòng của những cư dân đô thị đã bao thế hệ gắn liền ký ức mình với những hàng cây đó. Chút ý thức về bảo tồn ký ức đô thị chắc càng không.

May là cuối cùng, trước phản ứng quyết liệt của những người dân, người chủ thực sự của những tài sản công cộng đó, khi họ cảm thấy cùng với những hàng cây bị đốn hạ không thương tiếc họ mất đi một phần hồn của mình thì chính quyền thành phố đã kịp cho ngưng lại dù 500 cây đã mất đi. Câu chuyện bên chặt, bên tìm cách giữ; hình ảnh những người dân cầm những tấm biển yêu cầu không “giết” cây đã cho thấy ai là người thực sự có ý thức bảo tồn, khi người dân nhận ra môi trường sống của mình, cuộc sống của mình gắn với đời cây như thế nào. Nó cũng cho thấy sức mạnh “làm chủ” thực sự của nhân dân khi những người được giao quản lý không hoàn thành trách nhiệm của mình, thậm chí xem thường nguyện vọng của dân khi tuyên bố “chặt cây là việc của chính quyền, không cần hỏi dân” để rồi sau đó lại trí trá “người dân đa số đồng thuận” (chặt cây).

Liệu những sự việc vừa qua có được ghi vào “cuốn sách đô thị” Hà Nội?

Theo Saigon times.

undefined