chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Doanh nghiệp cần lên tiếng vì các giá trị xã hội
12:00 | 22/08/2017
Tháng 7 vừa qua, tập đoàn sản xuất cá ngừ hộp lớn nhất Thái Lan là Thai Union PLC ký thỏa thuận với một tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế mấy điểm rất quan trọng: giảm 50% dụng cụ thu gom cá trên biển, sử dụng thiết bị điện tử theo dõi để chống tình trạng bóc lột công nhân như nô lệ trên các con tàu đánh cá.
Tất cả những hành động của tập đoàn này nhằm tạo ra hình ảnh một sản phẩm sạch gắn liền với lộ trình bảo vệ tài nguyên môi trường và xóa bỏ những thông tin về việc lao động bị đối xử như nô lệ thời Trung cổ trên các con tàu đánh cá của Thái Lan.
Người Thái Lan đã nhận ra xây dựng khái niệm hàng "sạch" theo các tiêu chuẩn văn minh như vậy là cách sống còn và phát triển khi cả thế giới lên án ngành đóng hộp hải sản Thái có vấn đề. Và tất nhiên thị trường của Thái Lan, cụ thể là của Tập đoàn Thai Union PLC, bị ảnh hưởng mấy năm gần đây khi người tiêu dùng Mỹ nhận được thông tin về những vụ nô lệ đánh cá trên các con tàu lênh đênh ngoài khơi.
Cách làm của Thai Union PLC là cho phép các tổ chức môi trường giám sát hoàn toàn độc lập những vấn đề này. Những thỏa thuận với tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế của tập đoàn kinh doanh hải sản Thái được dư luận đánh giá là bước tiến mới về đưa giá trị xã hội vào một nhãn hàng, trong đó các yếu tố môi trường, nhân văn được đưa lên hàng đầu, chứ không chỉ dừng lại ở các tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm.
Người Thái Lan khởi động phong trào "sạch" trong sản xuất, mong muốn theo đuổi, tạo ra giá trị mới cho hàng hóa Thái Lan theo cách như vậy. Đến Thái Lan vài lần và có dịp gặp gỡ những doanh nhân ngành tơ lụa, tôi thấy họ có đặc điểm là nói rất nhiều về giá trị nhân văn trong một sản phẩm làm ra, và họ đặc biệt tự hào về điều này.
Trong nhiều cuộc hội thảo, bên cạnh các thông số kỹ thuật, người Thái nói rất nhiều về vấn đề bảo vệ môi trường và các chính sách dành cho lao động. Chỉ trong một ngôi làng bình thường chúng tôi ghé thăm, bà giám đốc công ty lụa tự hào khi chúng tôi trầm trồ về ngôi làng có nhiều nhà đẹp, và trước cửa nhà có hai hoặc ba ô tô đậu.
Điều đó chứng tỏ nông dân Thái Lan có thu nhập cao khi làm việc cho các trang trại dâu tằm vùng đông bắc Thái. Và người Thái thường nói "lụa Thái Lan đẹp vì những giọt mồ hôi xứng đáng".
Giám đốc Truyền thông của Bảo tàng Tơ lụa Jim Thompson cho biết, sở dĩ lụa của đơn vị này vào được nhiều nước châu Âu một phần là do họ quảng bá đã cải tiến công nghệ truyền thống để đem lại việc làm và thu nhập tốt cho nông dân Thái làm việc trong ngành tơ lụa và may mặc.
Doanh nghiệp tham gia giải quyết các vấn đề tồn đọng trong xã hội, môi trường, lao động không chỉ vì sự thúc ép của các quy định pháp luật, mà vượt lên tạo thêm những giá trị mới như vậy cho xã hội Thái Lan không chỉ đem lại chút lợi lộc cho người lao động, hay lớn hơn là giữ gìn tài nguyên, mà thật sự tác động vào nền tảng giáo dục chung.
Ở Việt Nam, dư luận xã hội đang đứng trước hàng loạt vấn đề về sử dụng tài nguyên thế nào trong phát triển như các vụ việc bảo tồn bán đảo Sơn Trà, sử dụng quỹ đất vào sân golf, vấn đề xả thải xuống biển của các nhà máy nhiệt điện.
Dư luận rất nóng và các cơ quan quản lý cũng rất khó khăn khi đứng trước thế giằng co giữa sự phát triển của doanh nghiệp hay bảo vệ tài nguyên bằng phương án tốt nhất. Điều đáng nói là chưa thấy doanh nghiệp lên tiếng về các vấn đề bức xúc đó!
Bích Hồng
Theo DNSG