Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Giải pháp nước cho Đồng bằng sông Cửu Long

12:00 | 29/03/2016

Những tác động của biến đổi khí hậu cùng động thái “giữ nước” của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông đang đẩy Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng và không thể chống chọi khi nước mặn xâm nhập.

Lúa chết vì nhiễm mặn ở thị xã Vị Thanh, Hậu Giang. Ảnh: Việt Trung

Đã đến lúc Việt Nam phải xây dựng mạng lưới nước cho nông nghiệp, hệ thống này không chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách mà sẽ tạo nên những giá trị lâu dài để các ngành nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp và đời sống nhân dân ĐBSCL tiến đến phát triển một cách bền vững.

Mạng lưới nước - giải pháp lâu dài cho nông nghiệp ĐBSCL

Một quốc gia có 4 loại cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản là mạng lưới giao thông, điện, nước và thông tin liên lạc. Hiện nay, mạng lưới giao thông, điện, thông tin liên lạc ĐBSCL tạm gọi là đầy đủ thì mạng lưới nước, điều kiện để tạo sự ổn định cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, hiện vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

Tại ĐBSCL, 95% kênh rạch là các kênh rạch được xây dựng từ thời Pháp thuộc, Việt Nam chỉ xây dựng thêm và hoàn chỉnh một số kênh rạch. Thế nên mặc dù được tiếng là vựa lúa lớn nhất cả nước, nền nông nghiệp ĐBSCL hầu hết vẫn phụ thuộc vào mạng lưới nước tự nhiên và rất dễ bị tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu.

Con số 10/13 tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán và nước mặn xâm lấn, nửa triệu hécta lúa bị mất mùa và hàng triệu người đang thiếu nước ngọt sinh hoạt đã chứng minh chúng ta không thể phụ thuộc vào hệ thống nước tự nhiên nữa mà cần những biện pháp tổng thể, lâu dài.

Dự báo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến nước biển dâng đã được vệ tinh Landsat của Mỹ đưa ra từ năm 1988, cho thấy ĐBSCL cũng là một trong những khu vực sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Do đó, từ năm 1989, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển khu vực ĐBSCL đã tiến hành khảo sát ở nhiều tỉnh, thành để đề ra giải pháp ngăn chặn. Việc xây dựng mạng lưới nước tại một số địa phương đã được chúng tôi đề xuất từ lâu.

Ngoài việc tận dụng các kênh rạch đã có, xây dựng các kênh rạch, hồ chứa để trữ nước ngọt, cần xây dựng một hệ thống ống dẫn nước ngọt thô từ các con sông lớn đến các khu vực cận biển. Đây là giải pháp vừa đảm bảo nước cho nông nghiệp, ngăn mặn, vừa là nguồn cung nước ngọt cho các nhà máy lọc nước phục vụ công nghiệp và cư dân.

Năm 1993, khi xây dựng định hướng phát triển cho Tiền Giang, Trung tâm đã cảnh báo việc xâm nhập mặn và đề xuất giải pháp làm đường ống dẫn nước thô. Khi đó, nước mặn thực tế đã xâm nhập tới Bình Đức. Việc làm đường ống tiện lợi ở chỗ có thể triển khai nhanh, chi phí không quá lớn, đồng thời có thể chủ động cung cấp nước thô cho sản xuất nông nghiệp qua các ống xả nước thô ở từng khu vực, vừa là nguồn nước cho các nhà máy lọc nước phục vụ cư dân.

Dự kiến, đường ống dài 40 cây số, đi từ Bình Đức – thành phố Mỹ Tho ra tới Vàm Láng, khu vực cận biển của Gò Công Đông. Tuy nhiên, dự án này đã không được triển khai. Nếu những đường ống như vậy được triển khai sớm, Tiền Giang năm nay sẽ không mất 30 ngàn hécta lúa.

Tại Bến Tre, năm 1996, chúng tôi đã tiến hành khảo sát vùng Thạnh Phong, Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre). Năm đó, nước biển dâng đã 1 tấc rưỡi so với trước đó. Trung tâm đã đề xuất làm một đường ống dẫn nước ngọt từ bán đảo Sơn Đông, Tân Thạch, huyện Châu Thành để kéo nước thô từ Chợ Lách về thị xã Bến Tre, từ đó sẽ chia làm 3 nhánh cung cấp nước cho Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Hiện nay ở Bến Tre, chỉ mỗi Chợ Lách là còn nước ngọt. Nếu hệ thống dẫn nước sớm thì Bến Tre sẽ không thiệt hại nhiều như hiện nay.

Nên đối phó hay thuận theo tự nhiên?

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiệt hại trước mắt của người dân ĐBSCL đang đặt các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học lên bàn nghị sự. Ngay lúc này đây, ngoài những giải pháp cấp bách như ngân sách hỗ trợ cho các vùng bị thiệt hại, giải quyết nguồn cung nước sạch cho sinh hoạt cho cư dân, cần một giải pháp tổng thể được nghiên cứu đồng bộ, từ việc xây dựng hệ thống dẫn nước, trữ nước và cả việc thay đổi cơ cấu nông nghiệp sao cho phù hợp nhất.

Gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất 2 giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Giải pháp cứng cho cả trước mắt và lâu dài là ngay lập tức hoàn chỉnh các công trình ngăn mặn, bên cạnh đó là tìm nguồn để xây dựng các công trình ngăn mặn, tích ngọt với số vốn khoảng 34.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD). Để giải quyết nước tức thì cho đời sống nhân dân, nước cho sản xuất và chăn nuôi, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn người dân khoan lấy nước. Bên cạnh đó, lắp ngay máy bơm tại các hồ chứa nước để đưa về. Đồng thời, bà con phải tích trữ tối đa nguồn nước ngọt.

Về giải pháp mềm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra một quy trình canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn của ĐBSCL cho riêng năm 2016. Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng một gói kỹ thuật để ĐBSCL có thể thích ứng với biến đổi khí hậu cho những năm tiếp theo, đưa ra một loạt giống chống chịu được xâm nhập mặn, lập bản đồ xâm nhập mặn để bố trí cây trồng cho phù hợp. Với những khu vực bị xâm nhập mặn thường xuyên, không giống lúa nào chịu được thì được quy hoạch nuôi tôm hoặc một vụ tôm, một vụ lúa.

Có thể thấy, việc kết hợp giải pháp cứng và mềm hiện nay là một chiến lược khá đồng bộ với những công trình đồ sộ, hoành tráng. Thế nhưng, trong tình hình ngân sách của đất nước đang hạn hẹp, giải pháp cứng ngăn mặn với những đại công trình nghìn tỷ tốn nhiều công sức và thời gian triển khai liệu có khả thi? Trong khi việc xây dựng hệ thống ống nước dẫn ngọt không quá tốn kém, lại có thể triển khai nhanh chóng để giải quyết được bài toán nước ngọt để cứu lúa ở những vùng bị xâm nhập mặn chưa được thấy bàn đến.

Bên cạnh đó, có cần ngăn mặn để chống lại tự nhiên không? Khi mà thực tế đã chứng minh, nhiều địa phương ở các vùng ngập mặn của ĐBSCL đã thay đổi cơ cấu sản xuất từ 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa, 1 vụ tôm/cá và thích nghi tốt với biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo đời sống của người dân mà lại không tốn quá nhiều chi phí đầu tư ngăn mặn.

Năm 1989, dự án Ngọt hóa bán đảo Cà Mau khiến nhiều chuyên gia không đồng tình và cũng vấp phải sự phản kháng của người dân. Việc trồng lúa trên chân ruộng đất nhiễm mặn mang lại năng suất thấp, tốn nhiều công sức và chi phí đã khiến người dân phá đê ngăn mặn để dẫn nước vào nuôi tôm.

Gần đây ở Ngọc Hiển, Năm Căn, khi lúa mất hàng ngàn hécta, người dân cũng phá đê ngăn mặn để dẫn nước vào nuôi tôm. Nếu việc thích nghi với tự nhiên dễ dàng hơn với việc làm trái tự nhiên, tại sao chúng ta không chọn thích nghi?

Bên cạnh đó, đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi tư duy của ngành nông nghiệp. Tại sao chúng ta phải giữ trọng trách nặng nề để đảm bảo an ninh lương thực thế giới, trong khi ai cũng biết trồng lúa không thể giúp nông dân làm giàu? Tại sao chúng ta phải trồng những giống lúa chất lượng thấp để rồi đem xuất khẩu với giá rẻ?

Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng cần hướng đến một nền nông nghiệp có năng suất và chất lượng cao, có giá trị cao hơn. Thực tế, ĐBSCL chỉ cần đảm bảo nước ngọt cho 1 triệu hécta chuyên canh lúa năng suất cao, chất lượng cao cũng đủ để bà con nông dân sống khỏe. Đây là con đường công nghiệp hóa nông nghiệp.

Nếu làm 2 vụ, mỗi năm ta có ít nhất 12 triệu tấn, nếu 3 vụ là 18 triệu tấn, có thừa để xuất khẩu. 500 ngàn hécta lúa còn lại, có thể trồng lúa mùa đặc sản và tôm 1 vụ, giá trị gia tăng cao.

Việc đảm bảo nước ngọt cho 1 triệu hécta sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều so với việc cứu thêm 500 ngàn hécta nhiễm mặn. Với 500 ngàn hécta nhiễm mặn, khi đã thay đổi cơ cấu sản xuất, chỉ cần cung cấp nước ngọt để pha loãng và nuôi trồng thủy sản nên nhu cầu về nước ngọt sẽ không quá lớn. Nông dân yên tâm với nước ngọt để sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) và sinh sống. Công nghiệp chế biến nông thủy sản tại địa phương được đảm bảo nguồn nước sạch. Có nên chăng?

Theo DNSG.

undefined