Trăm tỷ làm nhà khách, nơi học quốc phòng
Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) được Chính phủ phê duyệt năm 2002 với mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á. Sau khi Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đồng ý đầu tư tổng vốn ước tính là 7.320 tỷ đồng, tháng 12/2003, lễ khởi công dự án Đại học Quốc gia Hà Nội được tiến hành.
Tuy nhiên, sau 17 năm dự án này mới hoàn thành được vài ba khu nhà. Trong đó có nhà công vụ số 1; khu nhà của ban quản lý dự án, một ký túc xá đáp ứng chỗ ở cho 2.000 sinh viên, sau được chuyển cho Trung tâm Giáo dục quốc phòng khai thác. Ghi nhận của PV tại dự án những ngày giữa tháng 3/2019, khối công trình 2 tòa nhà của dự án Đại học Khoa học tự nhiên (thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội) đang được xây dựng đến tầng 5. Một tòa nhà lớn trị giá hàng chục tỷ đồng hoành tráng nhất khuôn viên xây xong làm nhà khách. Xung quanh khu vực dự án vẫn là những con đường đất, đồi chè và vùng cỏ hoang rộng lớn.
Đã có những con đường trải nhựa 4 làn xe được hoàn thiện nhưng không dẫn tới đâu do hạ tầng nham nhở, chậm giải phóng mặt bằng. Từ năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giao cho Trung tâm Giáo dục quốc phòng và An ninh quản lý, khai thác sử dụng cơ sở vật chất khu ký túc xá số 4. Đến nay, dự án nghìn tỷ này là nơi tập trung của sinh viên lên học khóa quốc phòng an ninh theo mô hình tập trung.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km, Trường Đại học Thủy lợi cơ sở 2 tại Khu đại học Phố Hiến (Hưng Yên) khá bề thế. Từ đây đi tới trung tâm thành phố Hưng Yên chỉ mất 10 phút. Nằm ở mặt Quốc lộ 38B, Đại học Thủy lợi cơ sở Phố Hiến tọa lạc ở khu đất rộng hơn 50ha. Khu giảng đường gồm 2 dãy nhà xây mới hiện đại nằm ở phía trước, phía sau là sân bóng đá, khu căng tin và 3 tòa nhà ký túc xá. Xét về hạ tầng tổng thể, Đại học Thủy lợi cơ sở Phố Hiến đã tương đối hoàn thiện, kết nối đầy đủ với hệ thống đèn chiếu sáng, đường đi nội bộ… để đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên.
Tuy nhiên, xung quanh khu vực này đường sá vẫn còn ngổn ngang. Một con đường bao quanh Đại học Thủy lợi đang được chính quyền xây dựng nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Được biết, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2016, đầu năm 2017, Đại học Thủy lợi đã chuyển 3.000 sinh viên khóa 58 xuống học tại Tiên Lữ. Tuy nhiên, do hạ tầng của cả Khu Đại học Phố Hiến tỉnh Hưng Yên chưa bố trí được vốn, xung quanh còn thiếu những dịch vụ thiết yếu nên nhà trường chủ yếu bố trí các đợt sinh viên xuống cơ sở này để học Giáo dục quốc phòng. Mỗi đợt học kéo dài 1 tháng đến 1 tháng rưỡi.
40 triệu đồng đền bù rồi… đi đâu?
Men theo con đường đất từ dự án Đại học Khoa học tự nhiên là một dãy nhà cấp 4 của người dân thôn 10, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất. Đây là thôn có nhiều gia đình phải di dời nhất cho dự án Đại học Quốc gia Hòa Lạc. Bà Nguyễn Thị Hòa cho biết, nhà bà đã nhận đền bù từ 10 năm trước nhưng Hà Tây (lúc đó) chưa sáp nhập vào Hà Nội nên giá đền bù rẻ. “Cả mảnh đất 300m2 lẫn công trình trên đất chỉ được đền bù 40 triệu đồng”, bà Hòa thông tin. Cả gia đình 4 miệng ăn, nhà bà Hòa chỉ trông vào mấy sào chè ở sát dự án đang xây dựng.
Bà Hòa nói thêm, nhà có điều kiện thì đã chuyển đi từ lâu, còn khoảng 50 hộ vẫn còn bám trụ lại chờ tái định cư. Giờ muốn đi đâu cũng không đi được, vì không có tiền. Cách đó 20m, bà Ngô Thị Sung (cùng thôn 10), bày tỏ băn khoăn về nơi tái định cư chủ đầu tư bố trí. Ở đó ô nhiễm nguồn nước, chỉ có 1 ngõ bé ra vào. Thêm nữa, ngõ này lại thuộc đất quốc phòng, phải đi nhờ. “Đến khi người ta rào lại thì cư dân bị cô lập thành đảo, nên chúng tôi vẫn chưa đồng ý di dời”, bà Sung nói.
Nhiều lần họp ở trên thôn, xã tôi cũng nêu ý kiến như vậy nhưng chủ đầu tư không có động thái gì.
Dự án nằm chờ vốn
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Đức Đăng, Giám đốc Trung tâm phát triển ĐHQGHN tại Hòa Lạc cho biết, sau khi nhận chuyển giao dự án từ Bộ Xây dựng, các đơn vị liên quan của ĐHQGHN đã bắt tay vào công việc. Vì mới tiếp cận nên một số vấn đề liên quan tái định cư vẫn còn bất cập. Đơn vị đã làm việc với Bộ Quốc phòng để đổi 6.000m2 đất tạo điều kiện cho người dân đi lại. Bước đầu, trại chăn nuôi gia súc hơn 1.000 con của Tiểu đoàn 916 đã dừng hoạt động, môi trường khu tái định cư đã được cải thiện.
TS. Đăng cho biết, khác với Hưng Yên ở xa Hà Nội, đường lên ĐHQG Hòa Lạc rất thuận lợi, đây là tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Chính phủ, ĐHQG Hà Nội. Sau khi xây dựng xong Đại học Khoa học tự nhiên, trường sẽ đưa hoạt động đào tạo lên đây. Hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ban ngành liên quan, dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu do nguồn vốn còn hạn chế so với yêu cầu tiến độ của dự án. ĐHQGHN đang khẩn trương tìm nguồn kinh phí, làm thủ tục để thẩm định bổ sung nguồn vốn…
Về khu đại học Phố Hiến, UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, dự án không thu hút được các trường đại học đến xây dựng cơ sở do thiếu vốn làm hạ tầng. Theo báo cáo của tỉnh, tổng kinh phí đầu tư xây dựng các trục giao thông chính trong Khu đại học Phố Hiến là hơn 729 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tổng vốn huy động cho Khu đại học Phố Hiến từ ngân sách và các nguồn khác mới là 533 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách 335 tỷ, vốn địa phương hơn 63 tỷ, vốn ODA là hơn 134 tỷ đồng.
Như vậy, trong tổng số 730 tỷ huy động từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước và nguồn huy động hợp pháp khác, thì vẫn còn gần 200 tỷ chưa cân đối được. Để tìm vốn cho dự án, UBND tỉnh Hưng Yên đề xuất điều chỉnh diện tích 300 ha khu đất đô thị nằm trong Khu đại học Phố Hiến từ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất sang 100 ha đấu giá quyền sử dụng đất, còn 200 ha đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Theo Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, dự án quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mà triển khai dở dang nằm chờ vốn, chờ điều chỉnh quy hoạch như dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc thể hiện sự lãng phí rất lớn.
12 trường đại học trong quy hoạch vẫn chưa di dời
Năm 2009, Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng hệ thống trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những mục tiêu của quy hoạch là “giải quyết khó khăn, bất cập về không gian và điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật của các đại học, cao đẳng trong thủ đô Hà Nội”. Nguyên tắc đặt ra là giảm mật độ sinh viên và số trường trong trung tâm đô thị. Bộ Xây dựng được giao chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo lập quy hoạch, đề xuất hướng di dời một số cơ sở đào tạo ở nội đô.
12 đại học, cao đẳng được đề xuất di dời, trong đó có Luật Hà Nội, Ngoại thương, Công đoàn, Xây dựng, Viện Đại học Mở Hà Nội... Đến nay, vẫn chưa có trường đại học nào nằm trong danh sách di dời ra ngoài nội đô.
Chậm di dời do năng lực triển khai
Theo nguồn tin của PV, việc chậm triển khai dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc còn do năng lực triển khai yếu. Ban đầu, dự án được giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện nhưng tại đây cán bộ không có kinh nghiệm triển khai. Sau khi chuyển về Bộ Xây dựng quản lý, lãnh đạo ban quản lý dự án thay đổi chóng mặt, không ít trường hợp nhân sự ngồi ghế giám đốc ban quản lý dự án chỉ từ 6 tháng đến 1 năm!
|
Theo Tiền Phong