Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Khi con người biến thần, Phật thành đầy tớ

12:00 | 03/03/2014

Phật là mẫu mực của chân lý và đức hạnh nhưng giờ họ bắt Phật phải phục vụ cho con người, ban ân huệ cho con người dưới góc độ vật chất. Trước bàn thờ Phật họ làm ầm ĩ gõ chiêng trống làm rối loạn thế giới thanh tịnh; rồi thì du nhập vào lễ Phật những thứ không phải của đạo Phật, chẳng hạn như dâng sao giải hạn.


Phỏng vấn GS Trần Lâm Biền.

Đổi chức năng" của thần linh

- Đầu năm, người ta lại nô nức đi lễ chùa, trẩy hội, cầu may mắn, bình an, thậm chí là thăng quan tiến chức. Ở góc độ là một nhà nghiên cứu, ông phân tích câu chuyện này thế nào?

- Như người ta thường nói tôn giáo, tín ngưỡng nào cũng hướng tới điều thiện, nhưng phải hiểu trên nền tảng cơ sở nào. Mọi thứ tôn giáo, tín ngưỡng đều có hệ thống triết học hoặc một số tín điều vô văn bản truyền lại. Tất cả đều trên nền tảng của trí tuệ và cái tâm. Khi người ta đi lễ đền chùa mà không có trí thì đi đến chỗ rất sai, sai mà tưởng đúng, không biết mình sai. Cho nên ứng xử sẽ không tốt đẹp.

Chẳng hạn đối với chùa, nếu hiểu chùa là nơi thờ Phật, Bồ Tát và các thần linh liên quan (cơ bản gắn với Phật), mà Phật là trí tuệ, đạo Phật là một hệ thống triết học vô thần, từ bi và thoát tục thì việc đi lễ chùa là để tìm lại chính mình, để trở lại tinh thần ý thức tốt đẹp chứ lên chùa không có chỗ để cầu xin, không dính đến cầu xin về vật chất.

Vì bản chất đạo Phật là dẫn con người đến chỗ Niết Bàn, dẫn con người đến chỗ giải thoát, đặc biệt là giải thoát tư tưởng, để chống cái dục vọng và tôn trọng cái nghiệp. Do vậy, không thể lên chùa để xin dục vọng, xin vật chất được. Nhưng hiện nay, có một điều không hay lắm là người ta đang "bắt ức" thần linh, o ép thần linh, bắt thần linh phục vụ cho con người một cách trắng trợn.

- Biểu hiện của sự "bắt ức", o ép thần linh ấy là gì, thưa ông?

- Biểu hiện của sự o ép, "bắt ức" này là bắt thần linh đổi chức năng. Phật là mẫu mực của chân lý và đức hạnh nhưng giờ bắt Phật phải phục vụ cho con người, ban ân huệ cho con người dưới góc độ con người mong muốn mà góc độ ấy là vật chất chứ không phải cái tâm hay tinh thần tối thượng của đạo Phật. Nên trước bàn thờ Phật họ làm ầm ĩ gõ chiêng trống làm rối loạn thế giới thanh tịnh; rồi thì du nhập vào lễ Phật những thứ không phải của đạo Phật, chẳng hạn như dâng sao giải hạn.

Ở chùa là không hề có hiện tượng dâng sao giải hạn. Cái đó là của các ông phù thủy, ở đền, gắn với các đặc quán chứ chùa không làm chuyện này. Bởi vì khi làm như vậy là bệ đỡ cho dục vọng.

- Vậy theo ông, đầu năm đi lễ chùa thì cầu điều gì mới đúng?

- Như tôi đã nói ở trên, Phật là trí tuệ. Nhờ có trí tuệ nên những người tu hành mới đi đến chỗ giải thoát, tìm được tới Niết Bàn, không lệ thuộc vào bất kể vị trí địa lý nào. Còn với chúng sinh, nhờ trí tuệ mới đi đến chỗ diệt cái ngu tối, mà ngu tối là mầm mống tội ác. Cho nên lên chùa để tâm tức Phật, Phật tức tâm, để giác ngộ. Do đó, ngày xuân lên chùa là để cầu làm sao cho có trí tuệ làm bệ đỡ cho cái tâm. Hay nói khác đi, lên chùa đầu xuân là tìm điều thiện trên nền tảng trí tuệ. Có trí tuệ mà không có tâm thì đi đến mù quáng, chỉ nuôi dưỡng cái sai trái như dục vọng mà thôi.

"No cơm ấm cật"

- Có người bảo, bây giờ, người ta đổ xô đi lễ đền chùa, từ trẻ đến già là do "phú quý sinh lễ nghĩa"?

- Làm gì có chuyện đó. Ở nước ta chưa có chuyện "phú quý sinh lễ nghĩa" đâu, vì nếu có lễ nghĩa thì nó đã vào trật tự rồi.

- Vậy ông lý giải câu chuyện người ta, từ già tới trẻ, ở mọi thành phần xã hội, trong đó có cả những người có chức quyền đều lên chùa đầu năm như thế nào?

Cần thấy rằng, kinh tế nước ta phát triển nhưng văn hóa chưa theo kịp thì chỉ dẫn đến "no hơi ấm cật, dậm dật chân tay" mà thôi.

- Có vẻ, con mắt của người làm nghiên cứu khiến ông trở nên khắt khe thì phải?

- Thì đấy, cứ nhìn vào cái việc người ta đi lễ chùa sẽ thấy họ chẳng hiểu gì cả. Họ không biết cách bày bàn thờ, không hiểu được ý nghĩa đồ thờ khi để hòm công đức ngay gian chính giữa - nơi mà đáng ra phải đặt tất cả đồ thờ đều thiêng liêng và không có chỗ cho dục vọng. Rồi những hối lộ thần linh khi đem tiền đặt vào tay thần thánh, đặt cược với thần linh, cầu xin đủ mọi thứ từ công danh, tiền tài, thăng quan tiến chức...

Đặt niềm tin vào sự phù du

- Gần đây, báo chí, dư luận cũng lên tiếng nhiều về chuyện xe công tấp nập đi lễ đền, chùa vào dịp đầu năm. Hẳn câu chuyện này không đơn thuần ở chỗ "no cơm ấm cật", thưa ông?

- Trước hết, cần phải phân định xe công ấy là gì. Có phải là xe của những cơ quan về văn hóa đi kiểm tra công tác tổ chức lễ hội không? Nếu thế thì họ đi làm nhiệm vụ đấy chứ.

Song nếu anh em trong cơ quan có tín ngưỡng đi lễ chùa và đi ngày càng đông thì phải đặt ra vấn đề tại sao cán bộ lại đi lễ đầu năm đông như thế? Phải chăng là một sự khủng hoảng tinh thần? Một lòng tin bị xói mòn? Lòng tin của người ta để đâu mà phải đi tin vào sự phù du, vô căn cứ? Phải chăng nó rơi vào cái bẫy của sự hụt hẫng tinh thần? Người có trách nhiệm phải làm việc lại chứ không phải chỉ răn đe.

- Như vậy, ở một góc độ nào đó, việc người ta đổ xô đi chùa cũng phản ánh một phần thực trạng xã hội?

- Tôi không dại dột gì mà nói thế. Tôi chỉ biết có thực trạng là kể cả cán bộ công chức cũng đổ xô đi đến các kiến trúc có tính chất tín ngưỡng, họ quên hẳn bản chất của tôn giáo tín ngưỡng của người Việt mà đến đó chỉ cầu xin, "bắt ức" thần linh phải theo ý con người. Cái đó đặt ra cho những người có trách nhiệm phải quan tâm thấu đáo.

Tôi chỉ thấy cô đơn

- Dưới góc độ là một người làm công tác nghiên cứu, ông thấy thế nào về "những điều trông thấy" như không biết cách bày bàn thờ, sai mà không biết mình sai trong lễ chùa khi mà năm nào và ở đâu nó cũng diễn ra như thế?

- Tôi chỉ cảm thấy một sựcô đơn.

- Ông cô đơn?

- Vì tôi nói không lại được với những hiện tượng như thế, lời nói của tôi không được người có chức quyền, có trách nhiệm ủng hộ. Nhiều người chỉ thích khen mà không thích chê đâu. Hay là họ cũng mải mê trong cái ước vọng về vật chất cho nên họ không thèm quan tâm đến thực tế của cuộc sống nên đã không nghe? Họ nói cần thế này thế nọ nhưng hầu như chỉ là hình thức thôi.

- Ông có thấy buồn?

- Không. Sự cô đơn về trí tuệ thì có gì mà đáng buồn! (Cười)

- Trân trọng! Kính chúc ông sức khoẻ.

Theo KIẾN THỨC



undefined