Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Lương tối thiểu Việt Nam tăng nhanh nhất khu vực, vì sao người lao động vẫn than nghèo, kể khổ?

12:00 | 04/10/2016

Việt Nam là quốc gia có xu hướng tăng lương tối thiểu cao nhất trong khu vực, gần 14%. Tuy nhiên, người lao động vẫn than khổ vì thu nhập không đủ sống, nguyên nhân tại đâu?

Lương tối thiểu Việt Nam tăng nhanh nhất khu vực, vì sao người lao động vẫn than nghèo, kể khổ?

 

Mức tăng lương tối thiểu cao nhất khu vực

Vài ngày trước, tại Hội thảo khoa học “Phát triển các loại thị trường trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế” đã có một chuyên gia nhận định: Lương tối thiểu của Việt Nam đang có mức tăng cao nhất khu vực, dẫn ra từ bảng số liệu của World Bank.

Theo đó, Việt Nam có mức tăng cao nhất, gần 14%, Indonesia tăng 7% và Trung Quốc tăng 10%.

Với số liệu này, nhiều người đã đặt ta câu hỏi, tại sao người lao động vẫn “kêu": họ không đủ sống.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết hiện mức lương tối thiểu vùng của năm 2016 mới chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu sống tối thiểu. Còn sang đến năm 2017, mức đề xuất tăng thêm là 7,3% thì có thể đáp ứng được từ 93 – 94% cho người lao động.

Theo đó, gốc lương tối thiểu của Việt Nam trong khu vực là thấp. Hiện mức lương này chỉ cao hơn Lào, Campuchia và thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Trung Quốc. Do đó, việc tăng lương tối thiểu hàng năm là để đáp ứng được cuộc sống cho người lao động, ông Quảng chỉ ra.

Ông Quảng cũng cho biết thêm, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn, thì thực tế các doanh nghiệp có trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng, thu nhập bình quân qua số liệu nắm được là từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức này thì người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

“Hầu hết người lao động phải làm thêm giờ mới đảm bảo được nhu cầu sống. Bởi thế mới có câu chuyện khảo sát 97% người lao động mong muốn làm thêm giờ. Nếu cuộc sống họ không khó khăn, lương họ đủ sống thì không có nhu cầu đó đâu, 8 tiếng làm việc vất vả là quá đủ rồi!”, ông Quảng nhấn mạnh.

Chuyện lương, toàn nói "ngọn"

Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công độc lập lại chỉ ra một góc nhìn khác, mà theo đó, các bên liên quan đang “cãi nhau một cách vô ích” hàng năm vào kỳ tăng lương.

“Một trong những lập luận của Việt Nam về lương tối thiểu hàng năm là phải tăng lên vì mức sống tối thiểu của người lao động chưa ổn. Nhưng phải nhìn chuyện đấy rộng ra”, ông Đồng cho biết.

Theo đó, ông chỉ ra các tranh cãi đang xoáy vào việc buộc doanh nghiệp phải đẩy mức lương cao hơn, nghĩa là doanh nghiệp phải chịu trực tiếp toàn bộ các chi phí liên quan đến người lao động. “Điều này là vô lý!” – ông Đồng bức xúc nói.

Bởi phúc lợi của một người sẽ bằng: Thu nhập – Chi tiêu cơ bản (nhà cửa, ăn uống, giáo dục, y tế, giải trí).

Các bên bảo vệ công nhân đều nói rằng mức tối thiểu đó không đảm bảo, nhưng bản thân các chi phí giáo dục, y tế công nhân đang bị thiệt thòi, mà phần thiệt thòi đó đến từ chính sách của nhà nước, chứ doanh nghiệp không thể nào đảm trách được.

Lấy ví dụ về chi phí y tế, giáo dục, ông Đồng cho hay “người lao động chủ yếu là người di cư từ nông thôn lên các thành phố lớn, họ không có hộ khẩu. Điều này dẫn đến việc con cái họ không được học ở các trường công lập mà buộc phải sang học ở các trường tư. Khám chữa bệnh cũng thế, vì không có hộ khẩu nên khi khám chữa bệnh họ không có bảo hiểm, toàn phải khám dịch vụ, chi phí đó họ thiệt thòi hơn người bản địa.”

Chuyện điện, nước cũng thể hiện sự bất công. Khảo sát của World Bank cho biết một hộ gia đình nhập cư phải trả 1 số điện trung bình 2.884 đồng, cao hơn so với giá cao nhất trong thang luỹ tiến của một hộ gia đình bản địa (người bản địa phải trả 2.846 đồng nếu dùng trên 400 kwh). Nguyên nhân là những người nhập cư không có hộ khẩu riêng nên không được bắt công tơ điện riêng.

Như vậy, hiện tại đa số người lao động đang phải chịu một mức chi phí cơ bản lớn, trong khi những khoản này vốn được nhà nước hỗ trợ một phần, chỉ là “không bao giờ được đến tay”, dẫn đến việc phúc lợi của nhóm này bị kéo xuống.

Chi phí tăng dẫn đến cho dù hàng năm lương cơ bản có tăng thì đời sống của người lao động vẫn cứ khốn khó, bất công như thường. Còn cách lập luận một cách “dân tuý” kiểu tăng lương tối thiểu để đảm bảo quyền lợi cho công nhân sẽ chẳng đi đến đâu. Trên thực tế, đã xảy ra hiện tượng lương tối thiểu tuy tăng nhưng thu nhập của người lao động bị giảm đi.

Do vậy, căn nguyên của vấn đề phải được giải quyết. “Ở đây chính là chính sách của nhà nước, như là chuyện về hộ khẩu, hay làm giảm những chi phí về giáo dục, y tế… doanh nghiệp không thể lo được những chuyện này, họ chỉ có thể lo phần nào về vấn đề thu nhập, chứ không phải “kêu gào” tăng lương tối thiểu hàng năm, khi mà người lao động chẳng được lợi gì, doanh nghiệp thì khổ sở, chỉ có mỗi quỹ bảo hiểm được lợi mà thôi”, chuyên gia Nguyễn Quang Đồng kết luận.

Theo Trithuctre

undefined