Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Mất di sản kiến trúc cảnh quan, đô thị không thể bền vững

12:00 | 09/07/2015

Phát triển bền vững là phát triển để đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không phương hại đến khả năng các thế hệ tương lai đáp ứng các nhu cầu của chính các thế hệ đó (định nghĩa về phát triển bền vững tại Hội nghị Quốc tế về môi trường, Sao Paulo, 1999).

Bến Nhà Rồng. Ảnh: Đ.LOAN

Lâu nay người ta thường chú trọng tính bền vững về kinh tế và môi trường sinh thái; đặc biệt như vấn đề khai thác tài nguyên, khí phát thải, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cần hiểu rằng nhu cầu của các thế hệ tương lai không chỉ là nhu cầu vật chất mà còn cả nhu cầu về văn hóa tinh thần.

Đối với các thành phố, thế hệ trước không phải chỉ để lại cho thế hệ sau các công trình đồ sộ với môi trường sinh thái bảo đảm mà còn để lại linh hồn của đô thị. Đó chính là linh hồn của quá khứ, của lịch sử, của văn minh và trí tuệ các thế hệ trước. Lịch sử sẽ trở thành tiểu thuyết hư cấu khi không có các chứng tích lưu lại qua các thời đại. Trong các chứng tích đó quan trọng nhất là các công trình, các công trình cổ tạo nên linh hồn của đô thị.

Đô thị không có linh hồn thì không còn là đô thị. Đồng thời chính linh hồn của đô thị góp phần tạo nên linh hồn của các thế hệ con người.

Các công trình kiến trúc được bảo tồn thường mang dấu ấn về nghệ thuật kiến trúc của một thời đại. Điều này ai cũng biết. Nhưng nếu chỉ là bảo tồn giá trị mỹ thuật kiến trúc thì trong nhiều trường hợp, nhiều công trình cổ không mấy hợp mắt đối với thế hệ sau và người ta sẵn sàng phá bỏ nó với lý do “có gì đẹp đâu mà giữ”.

Cho nên thực chất của việc bảo tồn di sản kiến trúc cũng là bảo tồn giá trị lịch sử, bảo tồn các chứng tích lịch sử, trong đó có chứng tích lịch sử nghệ thuật kiến trúc. Một công trình kiến trúc nào đó càng mang nhiều chứng tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng càng có giá trị, càng cần thiết phải bảo tồn.

Nếu hiểu giá trị cơ bản của các công trình di sản như vậy thì công trình di sản không mang ý nghĩa chính trị, nó là các chứng tích khách quan của lịch sử. Ví dụ lịch sử có sự kiện về quân đội Hàn Quốc tham gia với Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, thì chúng phải có dấu tích trên đất Việt Nam. Đó là bộ chỉ huy của chúng đóng ở đâu, các cuộc hành quân của chúng ở đâu... cần được ghi lại và bảo tồn; mặc dù công trình mà chúng từng sử dụng có thể được sử dụng vào mục đích khác.

Chúng ta căm ghét chế độ thực dân, nhưng các công trình thời thuộc địa Pháp vẫn được giữ gìn, tôn tạo cũng vì ý nghĩa đó. Loài người hiện nay đang phẫn uất Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang hủy hoại các công trình cổ ở Iraq, giống như Taliban phá hủy tượng Phật cổ ở Afghanistan trước đây.

Cũng với quan điểm nhấn mạnh về giá trị lịch sử đối với các công trình di sản này, công trình bảo tồn không nhất thiết phải to lớn, đồ sộ, lộ thiên hay bền vững theo thời gian. Theo thời gian không có công trình nào tồn tại mãi mãi. Tháp Rùa hay chùa Một Cột đều là các công trình nhỏ, thậm chí rất nhỏ, nhưng chúng đều có giá trị lớn về mặt di sản, nó là chứng tích của ngàn năm Thăng Long.

Công trình bảo tồn cũng không chỉ nằm trên mặt đất, các đường hầm, các bến cảng đều có giá trị chứng tích lịch sử và kiến trúc quy hoạch đô thị. Ví dụ ụ tàu trong Nhà máy Đóng tàu Ba Son vốn là dấu tích cơ bản của một nhà máy đóng tàu, nó là chứng tích của biết bao sự kiện lịch sử chính trị và kỹ thuật, nhưng nếu không vào bên trong Nhà máy sẽ không thấy nó.

TPHCM sẽ mất gì nếu mất dấu tích Nhà máy Ba Son? Vì chính giá trị các công trình bảo tồn đã tạo nên giá trị của đô thị. Một cách rất khái quát, mỗi một đô thị có hai cặp giá trị, mới và cũ, hồn và xác; khi phá bỏ các công trình cũ, sẽ không bao giờ có lại các công trình đó nữa, giá trị đô thị sẽ mất đi một nửa.

Một trong những mâu thuẫn cơ bản trong khoa học quản lý phát triển hiện nay là mâu thuẫn giữa phát triển với bảo tồn. Khi lựa chọn mục tiêu, đối tượng, nội dung và phương thức bảo tồn đều phải giải quyết mâu thuẫn này. Quá trình lựa chọn cũng là quá trình giải quyết hài hòa các lợi ích. Việc này lại phụ thuộc nhiều vào quan điểm của nhà quản lý cũng như các bên có liên quan.

Đối với nhà quản lý, nếu thiếu quan điểm về mục tiêu phát triển bền vững, chỉ bám theo nhu cầu và các mục tiêu trước mắt, dễ coi thường công tác bảo tồn và các công trình bảo tồn.

Đối với các nhà đầu tư phát triển, nếu thiếu mục tiêu phát triển bền vững, chỉ chăm bẵm vào lợi nhuận cũng sẽ dễ đòi hỏi phá bỏ các công trình bảo tồn.

Đối với người dân, các chủ sở hữu các công trình có giá trị di sản, nếu thiếu nhận thức về phát triển bền vững sẽ không thấy được giá trị tài sản mình sở hữu, nhất là giá trị xã hội của tài sản đó. Từ đó cũng dễ đập bỏ công trình cũ để xây dựng công trình mới, nhất là nơi có giá đất cao.

Để giải quyết được mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, trước hết mọi người cần thống nhất quan điểm, coi việc bảo tồn di sản là một nội dung thiết yếu, là việc tạo nên giá trị văn hóa tinh thần, tạo nên phần hồn cho phát triển bền vững.

Theo Saigontimes.

undefined