chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Mặt trái của thế giới phẳng
12:00 | 28/03/2019
Vụ thảm sát tại nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand đại diện cho tất cả những mặt trái của thế giới phẳng.
Cả hung thủ và nạn nhân đều là những người nhập cư: kẻ khủng bố người Úc Brent Tarrant có gốc gác từ Anh, còn những nạn nhân đa phần là người Hồi giáo di cư từ châu Á và châu Phi. Tarrant đi theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, theo như tuyên bố của hắn trong bản tuyên ngôn dài 74 trang tự viết, khi nghe - xem - đọc các nhà thuyết giáo cực hữu trên Internet. Thần tượng của hắn là những cái tên như Anders Breivik - kẻ giết người hàng loạt người Na Uy, Darren Osborne - tên khủng bố tại Finsbury Park ở Anh, và “biểu tượng của người da trắng” - như cách hắn gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hắn ta đưa bản tuyên ngôn lên các mạng xã hội phổ biến, gửi bằng e-mail đến cơ quan báo chí và quan chức chính phủ, trước khi thực hiện vụ xả súng và phát trực tiếp (livestream) cảnh tượng khủng khiếp đó trên Facebook.
Facebook - mạng xã hội có đến gần 2,3 tỉ người dùng thường xuyên hàng tháng (hơn một phần ba dân số toàn cầu) mất một giờ đồng hồ để gỡ đoạn video đó, nhưng bất lực khi hàng triệu tài khoản khác nhanh chóng sao chép lại và đăng tải tràn lan. Và khi nỗ lực trên Facebook chưa có kết quả, đoạn phim này lại xuất hiện trên những nền tảng khác, như YouTube hay Vimeo.
Báo chí thời đại Internet, vốn chịu sức ép của lượng người xem (view) và lượt nhấp chuột (click), cũng bị đặt trong thế lưỡng nan: liệu nên hay không nên đưa tên kẻ thủ ác? Đăng/ trích đoạn phim livestream của hắn có gặp rủi ro đạo đức hay không? Có nên đi sâu phân tích đời tư và giới thiệu nhiều về “tuyên ngôn” của hắn không? Báo chí, rốt cuộc cũng cúi đầu trước sức ép đó.
Kết quả là thông điệp của kẻ khủng bố đã đến với hàng triệu - nếu không muốn nói là chục triệu - người tiếp cận trên toàn cầu. Tarrant có thể sẽ nhếch mép cười trong nhà tù ở New Zealand, nơi không có án tử hình, khi mục đích cuối cùng của hắn ta được thực hiện: tư tưởng cực hữu da trắng thượng đẳng đến với càng đông đảo người nghe càng tốt, để từ đó kích động được càng nhiều hành vi bạo lực càng tốt. Nhờ vào truyền thông và mạng xã hội, Brenton Tarrant đã thành công theo cách của Herostratos, kẻ đốt cháy ngôi đền Artemis thời cổ đại để được nổi tiếng.
Sức mạnh công nghệ giúp kết nối loài người thì cũng có khả năng sản sinh ra sức mạnh tàn phá tiêu cực. Cảnh sát Úc và New Zealand hoàn toàn bị động trước vụ khủng bố, bởi đơn giản là Tarrant chưa bao giờ nằm trong danh sách nghi phạm. Hắn là một người da trắng điển hình, sống trong một vùng quê hẻo lánh cách thủ đô Sydney 600 ki lô mét, không tham gia các hội nhóm cực đoan, chưa từng đi biểu tình, chỉ có vài phát ngôn vô thưởng vô phạt trên Facebook. Việc hắn bị cực đoan hóa và tấn công dân thường giống với những gì mà phương Tây gọi là sói cô độc (lone wolf). Phương thức này thường được các tổ chức Hồi giáo cực đoan sử dụng bằng cách tuyên truyền tư tưởng “Thánh chiến” lên Internet, kích động và thuyết phục những người Hồi giáo “tử vì đạo” bằng bất cứ công cụ gì: lao xe hay dùng dao.
Đối phó với những vụ tấn công đơn lẻ, không liên kết với các tổ chức cực đoan, và ngẫu nhiên là vô cùng khó khăn. Rất khó để phòng tránh nếu bỗng một ngày, người hàng xóm thân thiện của chúng ta quyết định đi theo một lý tưởng nào đó đọc được trên Internet, và cầm dao đi sát hại người khác.
Điều này dẫn đến một nhiệm vụ cam go hơn cho các nền tảng công nghệ và nhà nước: giám sát, hạn chế, và thậm chí là loại bỏ những tư tưởng cực đoan, kích động bạo lực, thù ghét, trong khi vẫn đảm bảo được quyền tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến của người dùng.
Đây là việc không đơn giản, bởi không ai có thể làm một mình: Internet đã tạo ra một mạng lưới đan xen phức tạp, và tự thân nó đã là một vùng lãnh địa riêng, với ngoại lệ duy nhất là lãnh địa đó không có đường biên giới kiểm soát. Cũng không ai có thể đứng ngoài lề: New Zealand được coi là quốc gia yên bình nhất, dân chủ nhất, nằm ở nơi xa xôi nhất địa cầu, và chưa từng xảy ra xung đột tôn giáo hay sắc tộc, trước khi vụ khủng bố ở Christchurch xảy ra. Đó có lẽ cũng là lời cảnh báo cho mọi quốc gia khác, như Việt Nam, khi đưa ra những chính sách điều chỉnh không gian mạng trong thời đại toàn cầu hóa.
Nguyễn Khắc Giang
Theo thesaigontimes