Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Nghiên cứu Trung Quốc: Virus corona “rất nhạy cảm” với nhiệt độ cao

12:00 | 09/03/2020

Virus corona gây bệnh Covid-19 được cho là lan truyền nhanh nhất ở nhiệt độ dưới 10 độ C, nhưng chuyên gia của WHO cho rằng sẽ sai lầm khi nghĩ dịch bệnh biến mất vào mùa hè.

Nghiên cứu Trung Quốc: Virus corona “rất nhạy cảm” với nhiệt độ cao
Mặc dù có nhiệt độ trung bình cao, Iran vẫn đang là ổ dịch Covid-19 lớn thứ 3 thế giới. Ảnh: AP.
South China Morning Post trích nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đại học Tôn Dật Tiên, thành phố Quảng Châu, nói chủng virus corona gây bệnh Covid-19 có khả năng lây lan nhanh nhất ở một nhiệt độ cụ thể, tuy nhiên các chuyên gia y tế của WHO cảnh báo nên tránh suy nghĩ virus này phản ứng với các thay đổi thời tiết giống hệt như các loài virus cúm khác.
Ảnh hưởng của nhiệt độ
Nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc được thực hiện để xác định liệu nhiệt độ và sự thay đổi thời tiết theo mùa có ảnh hưởng đến tốc độ lây lan của virus corona gây bệnh Covid-19.
Được công bố vào tháng trước, dù chưa qua bình duyệt peer-review, nghiên cứu nói nhiệt độ đóng vai trò quan trọng đối với khả năng lây lan của virus.
"Nhiệt độ có thể thay đổi đáng kể tốc độ lây lan của Covid-19. Và có thể có một nhiệt độ tối ưu để virus lây lan", nghiên cứu cho hay.
Tương tự với quan điểm phổ biến về các loại virus gây bệnh cúm, nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Tôn Dật Tiên cho rằng virus corona gây bệnh Covid-19 "đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ cao", điều này sẽ ngăn khả năng lây lan của nó ở các nước ấm hơn, trong khi điều ngược lại đúng ở những vùng có khí hậu lạnh.
Nghiên cứu khuyến cáo "các quốc gia và khu vực có nhiệt độ thấp nên áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt".
Giới chức y tế và chính phủ của nhiều quốc gia đang đặt niềm tin vào việc khả năng lây nhiễm của virus corona sẽ giảm khi nhiệt độ tăng lên - điều xảy ra với các loại virus tương tự gây bệnh cảm cúm thông thường hoặc cúm mùa.
Tuy nhiên, nghiên cứu riêng của nhóm các nhà khoa học, trong đó có nhà dịch tễ học Marc Lipsitch từ Trường Y tế Công cộng T.H Chan của Đại học Harvard, nhận thấy việc lây nhiễm kéo dài và tốc độ lây nhiễm gia tăng có thể xảy ra trong một loạt điều kiện độ ẩm - từ các tỉnh lạnh và khô ở Trung Quốc, cho đến các khu vực có khí hậu nhiệt đới như khu tự trị người Choang của tỉnh Quảng Tây hoặc Singapore.
"Một mình yếu tố thời tiết, chẳng hạn như việc tăng nhiệt độ và độ ẩm vào các tháng mùa xuân và mùa hè ở Bắc bán cầu, không nhất thiết dẫn đến việc suy giảm số ca nhiễm virus nếu như không có sự can thiệp y tế công cộng trên diện rộng", các nhà khoa học nhận định. Nghiên cứu này được xuất bản vào tháng 2 và cũng đang chờ bình duyệt khoa học.
Nghien cuu TQ: Virus corona 'rat nhay cam' voi nhiet do cao hinh anh 2 c1_1873009.jpg
Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng khí hậu lạnh và khô ở thành phố Vũ Hán có thể là điều kiện thuận lợi để virus lây lan. Ảnh: Reuters.
Các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ các ca nhiễm mới virus corona trên toàn thế giới từ 20/1-4/2, bao gồm dữ liệu từ hơn 400 thành phố và khu vực của Trung Quốc.
Những dữ liệu này sau đó được mô hình hoá và đối chiếu với dữ liệu khí tượng chính thức trong tháng 1 của Trung Quốc cũng như các thành phố và quốc gia trên thế giới ghi nhận ca nhiễm mới.
Dấu hỏi lớn vào mùa hè
Phân tích chỉ ra rằng số các ca nhiễm tăng cao nhất trong môi trường nhiệt độ 8,72 độ C, và thấp dần khi nhiệt độ tăng và giảm xa mốc này.
"Nhiệt độ... có tác động đến môi trường sống của con người và có thể đóng vai trò quan trọng với sức khỏe cộng đồng trong việc bùng phát và kiểm soát một dịch bệnh", nghiên cứu nhận định.
Nghiên cứu cũng cho rằng khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc khiến dịch bệnh bùng phát mạnh ở thành phố Vũ Hán - nơi virus đầu tiên được phát hiện.
Ông Hassan Zaraket đến từ Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Mỹ ở Beirut, Lebanon, thì cho rằng có thể thời tiết ấm hơn, ẩm hơn sẽ làm virus corona kém ổn định, và khiến nó lây lan kém hơn, tương tự các mầm bệnh virus khác.
"Chúng ta vẫn đang tìm hiểu về loại virus này, nhưng dựa trên những gì chúng ta biết về các chủng virus corona khác, chúng ta có thể hy vọng", ông Zaraket nhận định.
"Khi nhiệt độ ấm hơn, sự ổn định của virus có thể suy giảm... nếu thời tiết giúp chúng ta giảm khả năng truyền bệnh và sự ổn định môi trường của virus, thì chúng ta có thể phá vỡ chuỗi lây nhiễm", chuyên gia này nói thêm.
Tuy nhiên, ngay cả khi điều này là sự thật, lợi ích sẽ là lớn nhất ở những khu vực chưa có sự lan truyền rộng rãi trong cộng đồng, theo ông Mike Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ông Ryan kêu gọi mọi người không nên tự tin rằng dịch bệnh sẽ tự động suy giảm trong mùa hè.
"Chúng ta phải giả định rằng virus tiếp tục có khả năng lây lan", ông nói. "Sẽ là hy vọng hão huyền khi nói rằng, đúng rồi, nó sẽ biến mất giống như bệnh cúm... chúng ta không thể đưa ra giả định đó. Và cũng không có bằng chứng cho giả định đó".
Nghien cuu TQ: Virus corona 'rat nhay cam' voi nhiet do cao hinh anh 3 ESHxIIWXUAAif_8.jpg
Lãnh đạo WHO kêu gọi các quốc gia nên hết sức thận trọng vì chưa có bằng chứng cho thấy dịch Covid-19 sẽ suy giảm trong mùa hè. Ảnh: WHO.
Bà Maimuna Majumder, một nhà dịch tễ học khác của Harvard, cho rằng việc virus corona có giảm sức lây nhiễm vào mùa hè hay không vẫn là dấu hỏi lớn.
"Chỉ vì một số bệnh về đường hô hấp như cúm có tính mùa vụ, không có nghĩa là Covid-19 cũng sẽ như thế", bà Majumder nhận xét.
Bà và các đồng nghiệp gần đây đã xuất bản nghiên cứu (cũng chưa được bình duyệt) gợi ý rằng những thay đổi về thời tiết trên khắp Trung Quốc dường như không ảnh hưởng đến quá trình bùng phát.

Theo Zing News

undefined