Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Người Hà Nội chưa có kỹ năng ứng phó với giông, lốc, thiên tai?

12:00 | 19/06/2015

Do thiếu kỹ năng phòng tránh nên thay bằng việc tìm chỗ tránh trú an toàn, nhiều người vẫn cố tìm cách lưu thông trong khi mưa to gió lớn.

Trận mưa giông vừa qua đã làm 2 người chết, 5 người bị thương, gần 140 nhà tốc mái,

hơn 1.000 cây xanh bị gẫy đổ, hàng chục ôtô bị hư hại (ảnh: Lê Vương Bá Hiếu)

Với người dân Hà Nội, phải chứng kiến một trận cuồng phong lớn và dữ dội đến cả chục năm mới thấy không chỉ là sự “sợ hãi” mà còn là điều “đáng tiếc”.

Bởi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, nhưng nếu chủ động và có kỹ năng ứng phó với thiên tai thiệt hại vẫn có thể ở múc thấp hơn. Song vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để công tác dự báo được tốt hơn và cần phải chuẩn bị các tình huống để đối phó với thiên tai, thảm họa ra sao cho hiệu quả.

Hai người chết, 5 người bị thương, gần 140 nhà tốc mái, hơn 1.000 cây xanh bị gẫy đổ, hàng chục ôtô bị hư hại, nhiều sự cố gây mất điện trên diện rộng... là những thiệt hại có thể tính, đếm được sau khi trận giông lốc kinh hoàng quét qua Hà Nội ngày 13/6 vừa qua.

Với họ, đây quả thực là hiện tượng thiên tai hiếm gặp. Giông lốc đến quá bất ngờ nên nhiều người không kịp trở tay và phòng tránh. Giông lốc đi qua, cây xanh bật gốc, ngã đổ được dọn dẹp, dựng lại, những đổ vỡ của nhiều ngôi nhà được thay mới, sửa chữa và cảnh quan Thủ đô dần trở lại. Song nỗi sợ hãi và bàng hoàng đối với nhiều người vẫn còn đó.

Anh Nguyễn Quốc Hồng (ở quận Hai Bà Trưng) và chị Nguyễn Thanh Hằng (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Lúc đó, tôi đang ở trong siêu thị Thành Đô, thấy mưa to quá nên không dám về. Mấy chục năm tôi chưa bao giờ chứng kiến nhiều cây đổ đến như thế”.

Các chuyên gia khí tượng cho rằng, hàng chục năm nay Hà Nội chưa có trận mưa giông diện rộng và lớn như vậy. Sức gió giật đo được ở trạm Láng là cấp 8, ở Hà Đông là cấp 9 (75-88 km/h), tương đương với cấp gió bão. Một số nơi có thể đạt cấp 10 (89-102 km/h) và cực kỳ hiếm gặp.

Cũng theo nghiên cứu của các nhà khí tượng trên thế giới, giông ở thành phố thường mạnh hơn vùng ngoại ô, nông thôn. Lý do vùng thành phố nhà cửa bê tông nhiều, hấp thụ nhiều năng lượng mặt trời nên tạo ra nhiều đối lưu mạnh mẽ.

Theo ông Bùi Minh Tăng, nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện nay Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương chỉ có thể cảnh báo, đưa tin về cơn giông sớm khoảng 30 phút đến 2 tiếng. Riêng các cơn lốc xoáy ở Mỹ, chỉ cảnh báo trước 7 đến 14 phút, đủ thời gian để mọi người chui xuống trú ẩn. Vì vậy để đưa ra cảnh báo, dự báo tình hình thiên tai, thời tiết sớm hơn khi nó xuất hiện còn nhiều khó khăn.

Ông Bùi Minh Tăng cho biết: “Ngoài việc tăng cường các trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ dự báo, chúng ta cần tăng cường các thông tin cảnh báo giông trên các phương tiện thông tin đại chúng đến với người dân. Những hiện tượng quy mô nhỏ như thế này, Đài PT-TH là phương tiện, hoặc có thể rú còi cảnh báo sớm. Chỉ có làm nhanh như thế thì các thông tin về khả năng xảy ra giông lốc mới đến được với người dân. Chúng ta cần phổ biến kiến thức cho người dân biết cách phòng tránh khi giông lốc xảy ra”.

Con người không thể lường trước và khó có thể chống được thiên tai mà biện pháp duy nhất là tìm cách phòng tránh để hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra. Song nhìn lại những thiệt hại về người và tài sản do trận giông lốc gây ra vừa qua ở Hà Nội, có cả phần chủ quan của chính người dân. Do thiếu kỹ năng phòng tránh nên thay bằng việc tìm chỗ tránh trú an toàn, nhiều người vẫn cố tìm cách lưu thông trong khi mưa to gió lớn.

Giông lốc đi qua, hàng nghìn người đã được huy động thức trắng đêm để khắc phục hậu quả. Sau 2 ngày, các sự cố cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc khắc phục hậu quả vẫn chậm trễ. Vai trò của lực lượng chính quyền cơ sở chưa được phát huy tối đa.

Một vấn đề nữa đặt ra là sau giông lốc, hàng loạt cây xanh trên các tuyến phố bật gốc, gẫy đổ nên việc tìm loại cây trồng như thế nào cho phù hợp điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng ở Hà Nội.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, cơn giông lốc vừa qua đã khiến nhiều cây cổ thụ trên đường phố Hà Nội bị đổ. Tới đây, Hà Nội cần nghiên cứu lại nên trồng cây gì, trồng như thế nào, làm thế nào có những loại cây thích hợp nhất, bền vững nhất để vừa bảo vệ môi trường, vừa tránh rủi ro. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần nghiên cứu xem cây nào thích hợp với thổ nhưỡng, đảm bảo độ xanh, phát triển, có tán, có bóng mát nhưng có rễ cọc.

Bà Bùi Thị An cho biết: “Tinh thần lá lành đùm lá rách, xử lý cơn giông vừa qua Hà Nội rất tích cực. Tuy nhiên có những trường hợp các cột điện đổ ngang, dây điện, giờ giải quyết hậu quả cũng không phải đơn giản, chưa được như mong muốn. Chúng ta phải giải quyết dứt điểm để không ảnh hưởng đến cuộc sống của dân. Làm sao huy động lực lượng, giải quyết ổn thỏa hậu quả nhưng phải khoa học, phải tính toán”.

Những thiệt hại mà thiên tai gây ra là quá lớn nên việc khắc phục hậu quả không phải trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, các quận, phường trên địa bàn thành phố cần chủ động huy động lực lượng bốn tại chỗ và nhân dân địa bàn tổ chức tổng vệ sinh, khắc phục những hậu quả do thiên tai gây ra, nhanh chóng giúp dân ổn định cuộc sống; đồng thời bảo đảm mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường thành phố./.

Theo VOV.

undefined