chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Người Thụy Điển hạnh phúc với chế độ làm việc 6 giờ/ngày
12:00 | 15/05/2017
Thời điểm năm 2015, một cơ sở kinh doanh ở Thụy Điển đã thử nghiệm thực hiện chế độ làm việc một ngày chỉ 6 tiếng cho các nhân viên của mình.
Đến nay, sau gần 2 năm thử nghiệm, kết quả từ cuộc thử nghiệm này cho thấy người lao động đã làm việc hiệu quả cao hơn và cảm thấy hạnh phúc hơn so với chế độ một ngày 8 giờ truyền thống nhiều.
Cụ thể, ở vào thời điểm năm 2015, đã có 68 y tá tham gia vào một cuộc thử nghiệm làm việc chỉ 6 tiếng mỗi ngày tại một Viện dưỡng lão ở Gothenburg, Thụy Điển. Sau 2 năm, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thu thập những kết quả đầu tiên của cuộc thử nghiệm này.
Theo đó, dự án này cho thấy rằng các y tá đã cảm thấy hạnh phúc hơn 20%, giảm nửa số thời gian nghỉ ốm và có nhiều năng lượng hơn trong công việc cũng như trong thời gian rảnh rỗi của họ. Những ngày làm việc ngắn hơn đã cho phép các y tá thực hiện nhiều hơn 64% số hoạt động với những người cao tuổi - những 'khách hàng' của Viện dưỡng lão mà các y tá chăm sóc hàng ngày.
Chia sẻ với tờ Bloomberg, ông Bengt Lorentzon - một tác giả nghiên cứu của dự án - thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với chính sách làm việc chỉ 6 tiếng một ngày. Ông thậm chí tiết lộ rằng rằng những y tá trong cuộc nghiên cứu đã giảm đi 2,8 lần khả năng xin nghỉ phép trong khoảng thời gian suốt 2 năm qua - một điều mà có lẽ không ông chủ lao động nào mà không muốn.
"Nếu các y tá đang làm việc nhiều hơn và khỏe mạnh hơn, điều này có nghĩa là sự liên tục hiện diện tại nơi làm việc đã tăng lên” ông Lorentzon nói.
“Điều này có nghĩa là chất lượng chăm sóc, hay chất lượng làm việc sẽ cao hơn. Nói tóm lại, nghiên cứu cho thấy rằng các y tá đã làm việc hiệu quả hơn trong nhóm thực nghiệm làm việc 6 tiếng mỗi ngày" - Ông này nói thêm.
Trước đây, những lo ngại về sự giảm năng suất chính là một rào cản lớn làm người ta nghi ngại việc thực hiện các chính sách làm việc với thời gian ngắn hơn mỗi ngày. Làm việc với thời gian ngắn, theo những quan niệm cũ, nghĩa là khối lượng công việc không được đảm bảo mà người chủ lao động vẫn tiêu tốn từng ấy số tiền lương.
“Ngày làm việc 6 tiếng đã từng không được chấp nhận ở nhiều nước do các tổ chức, cơ quan, công ty lo lắng rằng năng suất của người lao động sẽ giảm sút” - Pramila Rao, một giáo sư về quản trị nguồn nhân lực tại Đại học Marymount nói với tờ Bloomberg.
Các nước được chỉ mặt đã từng lắc đầu cương quyết với chính sách làm việc 6 tiếng mỗi ngày không ai khác chính là nơi mà người lao động phải chịu áp lực làm việc cao nhất: Mỹ, Anh, Nhật Bản; đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản - 2 quốc gia có năng suất làm việc cao hàng đầu và được coi là những nước nghiện công việc nhất.
Tuy nhiên giờ đây, khoa học đã chứng minh ngày một nhiều rằng mô hình một ngày làm việc 8 tiếng của truyền thống là một cách tiếp cận công việc thiếu hiệu quả. Chúng ta biết rằng đây là một chính sách vốn được sinh ra từ thời cách mạng công nghiệp hơi nước cách đây tới 300 năm, nhằm mục tiêu cắt giảm thời gian làm việc chân tay mà công nhân bị buộc làm việc ở nhà máy.
Trong thời đại công nghệ bùng nổ và cách mạng công nghiệp hơi nước đã dời xa, có nhiều công cụ có thể hỗ trợ làm việc hơn và như khả năng con người làm một công việc cũng đã rất khác. Vì thế con số 8 tiếng/ngày cần lắm một sự thay đổi.
Thụy Điển hay các nước Bắc Âu, tuy nằm một cách im ắng ở một góc thế giới nhưng vẫn thường xuyên đưa ra được những cải tiến cuộc sống đi trước thời đại cho người dân toàn thế giới.
Với mô hình làm việc kiểu Thụy Điển 6 tiếng/ngày vừa được chứng minh mới đây, có lẽ các nước Anh, Mỹ, Nhật Bản và cả thế giới sẽ nên xem xét một chính sách làm việc cũ kỹ, đã tồn tại suốt cả 3 thế kỷ qua của mình.
PHAN LỆ/Theo Trithuctre