Theo tiết lộ từ một chủ cửa hàng có thâm niêm gần chục năm gắn bó với “nghiệp” chế biến vịt, ngan nướng: “Tại Hà Nội có hàng nghìn cửa hàng lớn nhỏ bán vịt, ngan nướng. Mức độ tiêu thụ là vô cùng lớn, nguồn nguyên liệu trong nước vừa đắt lại không thể cung cấp đủ cho tất cả các cửa hàng.
Cho nên, rất nhiều quán vịt nướng sử dụng nguồn thịt vịt là thịt đông lạnh lấy từ các chợ đầu mối hoặc các đầu nậu. Tất cả các nguồn này đa phần đều có xuất xứ từ Trung Quốc chuyển về qua đường tiểu ngạch với mức giá thấp hơn nhiều”.
Chủ cửa hàng cho biết thêm: Vịt đã chế biến, giết mổ từ các lò mổ Trung Quốc được đóng thùng tuồn qua biên giới và len lỏi vào các chợ đầu mối. Khi đến tay nhà hàng, quán chế biến, đa phần là vịt đã được giết mổ trước đó cả tuần, thậm chí với những lô hàng giá rẻ, trong đó còn có cả ngan vịt chết dịch được xếp xen kẽ. Để có thể giữ được nguyên liệu không bốc mùi, người ta đã phải tẩm lên chúng những loại hóa chất ức chế phân hủy.
Khi tới tay các chủ cửa hàng, để sản phẩm chông bắt mắt hơn, các chủ quán phết lên thịt vịt một lớp phẩm màu hoặc nhúng vào hóa chất hương liệu, khiến sau khi nướng vịt trông rất bắt mắt. Mùi thơm hấp dẫn của vịt nướng cũng từ loại hương liệu hóa chất đó mà ra. Đa phần các hóa chất, phẩm màu này đều độc hại và đã bị cấm, song trên thực tế vẫn được các chủ quán sử dụng một cách phổ biến.
Không chỉ vịt chết được chế biến thành đặc sản, mà cả lợn chết dịch sau khi qua tay các chủ cửa hàng cũng thành ruốc, mắm tép thơm ngon.
Tháng 6 năm ngoái, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội phát hiện cơ sở chuyên thu mua và buôn bán thịt heo chết do mắc bệnh tai xanh tại xã Khánh Hòa, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Chủ cơ sở là Nguyễn Văn Hải (24 tuổi, ở xã Khánh Hà, H.Thường Tín, TP.Hà Nội) khai nhận, heo chết được Hải mua từ Nguyễn Bá Trọng (30 tuổi, ở thôn Thanh Trì, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ), người hành nghề giết mổ, bán thịt heo.
Thịt heo sau khi mua về được Hải bóc tách lấy xương sườn, xương cục, chân giò… đem bán lẻ tại các chợ trên địa bàn huyện Thường Tín. Số thịt nạc còn lại được Hải bán cho một cơ sở chế biến thực phẩm trên đường Nguyễn Khoái (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) với số lượng trung bình 200 kg/ngày.
Quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường làm rõ, lúc bấy giờ, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có hiện tượng heo chết hàng loạt do mắc bệnh tai xanh. Nhân cơ hội này, Nguyễn Bá Trọng đã đầu tư tiền mua máy móc, xây dựng kho đông lạnh, thu mua heo chết bệnh với giá rẻ - dưới 10.000 đồng/kg.
Kiểm tra kho đông lạnh của Trọng, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang lưu giữ gần 4 tấn thịt heo. Số heo này được Trọng xác nhận là heo chết do bệnh tai xanh, thu mua từ các hộ gia đình trên địa bàn từ nhiều ngày qua.
Cùng thời điểm này, lực lượng chức năng cũng tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến thực phẩm tại số 209 đường Nguyễn Khoái. Qua kiểm tra phát hiện cơ sở này chứa một lượng lớn thịt heo sống, chờ sao tẩm làm ruốc, chết biến món thịt chưng mắm tép. Ông Đào Quang Bình, chủ cơ sở thừa nhận, số thịt heo chết này được mua từ Nguyễn Văn Hải.
Cũng theo ông Bình, ruốc làm từ thịt heo chết được bán với giá từ 100.000-120.000 đồng/kg, còn mắm tép có giá từ 10.000-30.000 đồng/lọ.
Bị đầu độc bởi chính những món 'đặc sản' như trên, thế nên cũng dễ hiểu vì sao số người mắc bệnh ung thư và chết vì bệnh này lại cao như thế.
Theo thông tin tại hội thảo khoa học "Ung bướu quốc gia" lần thứ VII với chủ đề “Phòng chống ung thư ở phụ nữ” diễn ra ngày 25/10/2013 tại Cần Thơ, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới.
Theo đó, mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 người mới mắc ung thư và 75.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Theo Đất Viêt