chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Nhà nước nên bớt tự cung tự cấp
3:23 | 06/09/2013
Cuộc họp của Ủy ban Nhân dân TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội tám tháng đầu năm, diễn ra vào giữa tuần trước, đã nóng lên với chuyện lãnh đạo một số doanh nghiệp công ích nhận lương tiền tỉ và nguy cơ thành phố sẽ hụt thu 20.000 tỉ đồng so với kế hoạch đặt ra cho năm 2013. Tuy là hai vấn đề không giống nhau, nhưng lại có mối quan hệ trực tiếp đến túi tiền của thành phố, hay nói rộng hơn là túi tiền của quốc gia.
(TBKTSG) - Cuộc họp của Ủy ban Nhân dân TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội tám tháng đầu năm, diễn ra vào giữa tuần trước, đã nóng lên với chuyện lãnh đạo một số doanh nghiệp công ích nhận lương tiền tỉ và nguy cơ thành phố sẽ hụt thu 20.000 tỉ đồng so với kế hoạch đặt ra cho năm 2013. Tuy là hai vấn đề không giống nhau, nhưng lại có mối quan hệ trực tiếp đến túi tiền của thành phố, hay nói rộng hơn là túi tiền của quốc gia. Trong bối cảnh khó khăn, thu ngân sách không chỉ ở TPHCM mà của cả nước sụt giảm, Chính phủ đã không ít lần kêu gọi các ngành và các địa phương tiết kiệm chi tiêu. Thậm chí còn đặt ra một mức cụ thể là tiết kiệm 10% chi thường xuyên. Tuy nhiên, biện pháp hành chính đó không thể giúp giải quyết tình trạng lãng phí trong chi tiêu công, là mục tiêu Chính phủ muốn hướng tới. Sự việc diễn ra tại một số doanh nghiệp công ích ở TPHCM cho thấy, đã đến lúc phải thay đổi phương thức quản lý và sử dụng các khoản chi tiêu của Nhà nước, cụ thể là các khoản chi cho công ích và dịch vụ của các cơ quan nhà nước. Trở lại với vấn đề lương tại bốn doanh nghiệp công ích ở TPHCM. Giả sử bỏ qua yếu tố vi phạm pháp luật, thì mức lương một số cá nhân nhận, dù là tiền tỉ, cũng không đáng trách lắm nếu họ quản lý và sử dụng nguồn ngân sách được cấp một cách hiệu quả và tiết kiệm. Ngược lại, nếu mức lương thấp, nhưng lại để thất thoát, lãng phí hàng chục hay hàng trăm tỉ thì cũng không chấp nhận được. Năm ngoái, ngân sách TPHCM đã chi cho Công ty Công viên và Cây xanh gần 600 tỉ đồng. Câu hỏi đặt ra ở đây tại sao lại là 600 tỉ đồng mà không thể thấp hơn? Nếu không phải doanh nghiệp công ích của Nhà nước làm, mà đấu thầu cho tư nhân thực hiện, thì liệu mức chi tiêu có thấp hơn không? Không khó để trả lời cho câu hỏi này. Hiện nay, các số liệu về chi tiêu ngân sách do Bộ Tài chính công bố không nói rõ con số chi tiêu cho các hoạt động công ích hàng năm là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là rất lớn. Hầu hết các chi tiêu này đều được thực hiện thông qua các doanh nghiệp nhà nước công ích và cơ quan nhà nước. Đây là mảnh đất màu mỡ cho lãng phí, tiêu cực phát sinh. Câu chuyện về những nhà vệ sinh có mức giá xây dựng cao ngất, hoặc các công trình xây dựng bằng vốn nhà nước bị bỏ hoang mà báo chí từng nêu là những ví dụ điển hình. Đã bao giờ chúng ta tự hỏi: vì sao Nhà nước phải tự làm các dịch vụ mang tính công ích, trong khi chỉ cần giữ vai trò quản lý là đủ? Vì sao Nhà nước phải tự cung tự cấp dịch vụ cho mình, thay vì đấu thầu để thuê của khu vực tư nhân? Ví dụ, bỏ tiền ra sắm xe công, xây hội trường, thậm chí là xây văn phòng có hiệu quả bằng thuê ngoài không? Nhà nước có cần bỏ tiền ra xây rạp hát, nhà thi đấu thể thao, sân vận động, nhà khách... hay để cho tư nhân làm rồi thuê lại khi cần...? Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, mở cửa cho khu vực tư nhân tham gia đấu thầu thực hiện các công việc công ích và cung cấp dịch vụ cho Chính phủ là giải pháp tốt để nâng cao hiệu quả dịch vụ và tiết kiệm chi phí. Muốn vậy, Nhà nước phải bớt ôm đồm và thay vào đó là đẩy mạnh việc thuê dịch vụ ngoài, thay vì tự cung tự cấp một cách khép kín như lâu nay. |
Bảo Nam, Theo TBKTSG