chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Những "chiêu trò" gắn mác môi giới bất động sản giăng bẫy nhà đầu tư
12:00 | 05/09/2019
Bên cạnh những môi giới bất động sản làm nghề chân chính thì có không ít môi giới sử dụng chiêu trò để “giăng bẫy” nhà đầu tư. Theo ghi nhận, vài tháng qua những cái bẫy này xuất hiện rất nhiều ở Tp.HCM.
Lừa bán dự án "ma" Chỉ trong 5 tháng trở lại đây, tình trạng rao bán dự án "ma" xuất hiện dày đặc ở Tp.HCM. Hồi giữa tháng 8, UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12 đã ra văn bản cảnh báo người dân cẩn trọng với một dự án ma do công ty Vietland làm chủ đầu tư. Dự án này nằm trên đường Dương Thị Giang, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM. Hồi tháng 6/2019, UBND quận Bình Tân cũng cảnh báo về 6 doanh nghiệp bán dự án ma bao gồm: Công ty TNHH phát triển nhà ở Nablaland, Công ty Hoàng Kim Land, công ty Đất Vàng Hoàng Gia, Công ty Angel Lina, Công ty Bất Động Sản Anh Kiệt, Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Năm Tài. Trong đó, Nablaland và Angel Lina là hai đơn vị có nhiều dự án nhất. Dịp đầu năm, UBND phường Thạnh Xuân, quận 12 cũng đã có văn bản cảnh báo về tình trạng rao bán, sang nhượng đất nền trái phép trên địa bàn. Lợi dụng tâm lý mua đất giá rẻ, nhiều đối tượng đã tiếp thị, phát tờ rơi quảng cáo sai sự thất về 4 khu đất ở phường này. Mặc dù chính quyền ra sức cảnh báo nhưng các đầu nậu vẫn có nhiều chiêu núp bóng khó kiểm soát. Các đối tượng dùng nhiều chiêu trò hòng dụ những khách hàng tay mơ, tin vào những lời "mật ngọt chết ruồi". Từ những cái bẫy giăng sẵn này, thời gian qua có không ít nhà đầu tư đã rơi vào cảnh "tiền mất tật mang". Người bị lừa thường là người mới đi kinh doanh BĐS, mù mờ về pháp lý và không đi kiểm tra thực tế từng dự án. Chiêu sành sỏi nhất của các đối tượng là núp bóng các công ty lớn để tạo dựng niềm tin với người mua. Mục đích đầu tiên của chúng là nhận tiền cọc, sau đó đổi luôn sim số và "lặn mất tăm". Gần đây nhất, vụ việc của công ty Alibaba đã gây chấn động dự luận. Khách hàng tố cáo công ty này bán đất nền tại nhiều dự án "ma" có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Công ty đã quảng cáo bán đất tại nhiều dự án không được cấp phép như dự án Alibaba Center City 5, dự án Tóc Tiên Residence, Alibaba Phú Mỹ Central City (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)… và thu tiền của khách hàng lên tới 95%, tương ứng số tiền trên dưới 1 tỉ đồng mỗi nền đất. Chiêu thức huy động vốn được Alibaba sử dụng là khách hàng ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng đất, hưởng lãi suất cam kết tới 12% sau 6 tháng nhưng đến hạn, công ty chây ỳ không thanh toán hoặc yêu cầu khách hàng tiếp tục đầu tư vào lô đất khác cũng thuộc chủ đầu tư này. Thực tế cho thấy có rất nhiều khách hàng đã nếm quả lừa từ việc cả tin vào lời hứa hẹn của môi giới. Chị Lan Anh, một nhà đầu tư đất nền tại Q.12, Tp.HCM cho biết chị từng suýt dính vào bẫy của môi giới dự án "ma" khi săn đất nền tại đường Dương Thị Giang, Q.12. "Hồi đầu mình liên hệ thì bạn này giới thiệu dự án do công ty Vietland làm chủ đầu tư. Sau mấy ngày mình dùng số khác gọi lại thì cô này lại bảo dự án này là của Hoàng Anh Land làm chủ đầu tư. Nghi ngờ nên mình đã đi tìm hiểu và phát hiện dự án đó hoàn toàn không có, vậy mà họ quảng cáo là đã bán hết 2/3. Sau này đi mua đất mình rất cẩn thận, muốn tìm hiểu dự án nào thì đến thằng phường đó hỏi có tồn tại không rồi mới liên hệ môi giới", chị Lan Anh chia sẻ. Cẩn thận với những "môi giới" ẩn danh Ngoài việc mua phải dự án không có thật, khách hàng còn dễ mắc bẫy của các môi giới chuyên nghiệp. Vì nhân viên môi giới và những người có tiền thường bắt tay nhau tạo group kín, họ thỏa thuận làm giá mua bán qua lại để dụ những "con mồi" không chuyên nhả cọc. Một chiêu thức khá phổ biến đó môi giới sẽ "ném" các thông tin ảo về một dự án, quảng cáo rằng rất đắt khách và người mua cứ thế nhảy vào cọc mà không hề quan tâm đến bản chất thật sự dự án đó có tốt như quảng cáo, mức thanh khoản ra sao và có vị thế tốt hay không. Sau khi dụ nhà đầu tư nhả cọc, các môi giới chuyên nghiệp này sẽ bắt đầu tổng tấn công, ép người mua phải thanh toán theo tiến độ, nếu không thanh toán kịp sẽ bị ngộp và chấp nhận mất cọc. Sau đó, các môi giới này sẽ tiến hành bán lại sản phẩm (với giá mà người kia chịu mất cọc) ra bên ngoài. Người ngoài "thấy ngon ăn" lại nhảy vào mua, sau đó là ôm hàng luôn và không bán lại được. Theo một số môi giới trong nghề, các đối tượng môi giới đã nhảy vào làm ăn theo kiểu "chụp giật" như trên thường rất rành về thị trường nhưng lại không có chứng chỉ hành nghề môi giới. Họ sẵn sàng đánh đổi giá trị nghề nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận dựa trên chiêu thức giăng bẫy các nhà đầu tư. Khi tạo group kín, họ sẽ điều khiển cuộc chơi, thỏa thuận nhau đẩy giá và tìm mồi, họ biết khi nào nên rút khi nào nên buông, chỉ có người mua là chịu thiệt. Theo số liệu của Hội môi giới BĐS Việt Nam, ở Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người tham gia hành nghề. Trong đó: Hà Nội có khoảng 70.000 người, Tp.HCM khoảng 90.000 người, số còn lại ở các địa phương khác. Với đặc thù nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp chưa cao, chỉ có 70% người hoạt động thường xuyên, 20% hoạt động kết với nghề khác. Đặc biệt, chỉ có khoảng 35.000 người đã có Chứng chỉ hành nghề, số còn lại khoảng 265.000 chưa có Chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó, việc thành lập các công ty môi giới lại quá dễ dàng. Nhiều người chỉ cần có trong tay chứng chỉ hành nghề là bắt đầu mở công ty, tuyển nhân viên (người không có chứng chỉ vào làm) khiến cho ngành nghề này trở lên nhiễu loạn. Sau thời gian dài, môi giới BĐS xuất hiện khắp nơi và gần như ai ai cũng có thể trở thành môi giới. Dó đó các chuyên gia khuyến cáo, khi đi mua đất, mua căn hộ tại các dự án thì ngoài việc phải xem tính pháp lý thì người mua còn phải thận trọng với chính những môi giới dắt mối cho mình. Tốt nhất là nên tìm một môi giới quen biết, nhờ vả thông qua các mối quan hệ để hạn chế thấp nhất các rủi ro. Đặc biệt là với những dự án có giá rao bán quá thấp so với thị trường thì cần phải cẩn trọng hết mức.
Theo Trí thức trẻ