chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Những cuộc hội ngộ bất ngờ giữa Điện Biên
12:00 | 07/05/2014
Về thăm chiến trường, những người lính cùng sư đoàn bất ngờ gặp lại nhau; một người con đi tìm hài cốt cha vô tình ngồi cạnh đồng đội chiến đấu của cha năm xưa… Họ cùng ôn chuyện cũ giữa mảnh đất lịch sử những ngày đầu tháng 5.
Đứng trên tượng đài Chiến thắng nhìn ra cánh đồng Mường Thanh bao la, cựu binh Nguyễn Văn Thức (phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ) hồi tưởng lại những ngày này cách đây 60 năm. “Chiều tối 7/5, chúng tôi được lệnh không phải chuyển cơm đến chiến hào nữa. Ai cũng thắc mắc thì nhận được tin quân ta toàn thắng rồi”, người tiểu đội trưởng anh nuôi năm xưa cho biết.
Bước vào tuổi 84 nhưng sức khỏe ông còn khá tốt. Những ngày này, ông thường đi thăm lại đồi A1, đồi C1, tượng đài Chiến thắng với mong muốn gặp lại những người đồng đội năm xưa.
Trông thấy 3 người lính già đang đi tới, huy hiệu chiến sĩ Điện Biên cài trên ngực áo, ông vội vàng chạy lại bắt tay, hỏi vồn vã: “Đồng chí thuộc đơn vị nào đấy?”. Người kia trả lời “316 đây”. Vậy là họ ôm chầm lấy nhau vì cùng Sư đoàn 316 chiến đấu trên chiến trường Điện Biên.
Hai cựu binh mà ông Thức gặp là Lê Trọng Hồng (84 tuổi) và Lê Công Vinh (83 tuổi) cùng ở xã Hùng Tiến (Vĩnh Bảo, Hải Phòng).
Những người lính ôn lại chuyện cũ, hỏi thăm cuộc sống của nhau. Ảnh: Hoàng Phương.
Leo hết 340 bậc đá dẫn lên tượng đài, cựu binh Lê Công Vinh như sống lại những ngày kéo pháo vào, kéo pháo ra. Ông có mặt ở chiến trường Điện Biên từ cuối những năm 1953. Tiểu đoàn pháo cao xạ thuộc trung đoàn 367, Sư đoàn 316 có nhiệm vụ kéo pháo vào trận địa để chuẩn bị cho chiến dịch. “Đơn vị tôi có mặt hầu hết ở các trận đánh vì yểm trợ cho bộ binh tiến công và tiến sát sân bay Mường Thanh. Khoảnh khắc xúc động nhất là chứng kiến cảnh tướng Đờ Cát bị bắt sống, đưa từ dưới hầm lên”, ông kể.
Đây là lần thứ 3 ông Vinh quay trở lại thăm Điện Biên. Nơi này hoàn toàn đổi khác, có những địa danh khiến người lính già không thể nhận ra. Đặc biệt, theo ông nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 trước giản đơn, giờ ngày càng khang trang. Nhìn mọi sự đổi thay trên mảnh đất này, ông thấy mừng vì mình cũng góp một phần công lao trong đó.
Ông Vinh tâm sự, 60 năm trôi qua chỉ làm dày thêm nỗi nhớ khôn nguôi đồng đội, đồng chí. Ông thường kể chuyện Điện Biên cho con cháu nghe để chúng biết thêm về lịch sử. “Đồng đội tôi hy sinh nhiều trên chiến trận, trở về đời thường cũng chẳng còn lại mấy người. Tiếc là họ không còn để cùng nhau quay trở lại thăm Điện Biên. Chúng tôi còn sống cũng là nhờ đồng đội”, ông Vinh nói.
Đối với cựu binh Lê Trọng Hồng (thuộc Sư đoàn 304), mỗi lần trở lại Điện Biên là thêm một lần nhớ đến những đồng bào người Thái nuôi quân trong chiến dịch. “Tôi rất nhớ những đồng bào nuôi chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Giờ chẳng biết ai còn, ai mất. Họ cũng đói nhưng nhường cơm vắt cho bộ đội ăn để lấy sức đánh giặc”, ông Hồng rưng rưng nước mắt. Mỗi lần nhắc đến 400 đồng bào đã mất ở thôn Noong Nhai trong trận bom ngày 25/4 của quân Pháp, ông đều khóc.
Giữa câu chuyện, giọng ông Thức vang lên: “Cũng nhờ sự chỉ đạo tài tình, chuyển từ phương án đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà quân ta mới giảm thương vong. Anh em ta mới có dịp ngồi đây. Tiếc là đại lễ lần này, Đại tướng không còn để được chứng kiến” . Những người lính già chợt lắng lại khi nghe câu chuyện của ông Thức.
Người cựu binh Điên Biên cùng các sĩ quan trẻ thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Ảnh: Hoàng Phương.
Các chiến sĩ Điện Biên tuổi đôi mươi năm nào giờ đã thành những ông lão râu tóc bạc phơ, tuổi xưa nay hiếm. “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, anh em mình chắc khó còn được ngồi đây ôn chuyện cũ. Chúng ta còn có dịp gặp nhau ở đây là mừng rồi”, ông Thức cắt ngang câu chuyện.
Họ cùng nhau chụp ảnh, nhận những lời chúc khỏe mạnh, sống lâu của những người thuộc thế hệ sau có mặt ở Điện Biên những ngày này.
Trên chuyến bay ngày 4/5, cựu binh Lương Khắc Việt và ông Lê Xuân Biên đều cùng ở Hà Nội lên thăm Điện Biên. Chuyện trò qua lại, ông Biên biết người ngồi cạnh mình trước là lính bộ binh thuộc Sư đoàn 316, cùng đơn vị với cha mình.
Ông Việt và ông Lê Văn Lợi (cha của ông Biên) cùng nhập ngũ một ngày ở Nông Cống, Thanh Hóa. Sau 4 tháng huấn luyện ở Nghệ An, họ được điều về Trung đoàn 176 (Sư đoàn 316) bổ sung cho chiến trường Tây Bắc. Họ thường xuyên tâm sự vì là người cùng quê. Ông Việt biết được người đồng đội mới cưới vợ được ít ngày thì xung phong đi bộ đội.
Ông Lê Xuân Biên và cựu binh Lương Khắc Việt chụp ảnh cùng nhau tại đồi C1.
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, họ hành quân liên tục. Hai người bặt tin nhau từ cuối năm 1953. Cho đến ngày vô tình gặp con trai đồng đội giữa Điện Biên, ông Việt mới biết người bạn đồng ngũ năm xưa đã hy sinh trước chiến thắng 3 ngày trong trận đánh đồi C1.
“Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn đi tìm hài cốt cha nhưng không thấy. Ông mất lúc tôi còn chưa chào đời. Nghe bác Việt kể chuyện cha là người vui tính, tôi lại mường tượng ra lúc ông nói cười. Tôi sinh 1954, đúng năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Biên cũng là tên ông nội đặt cho tôi nhằm gợi nhắc đến chiến trường nơi cha tôi đánh trận”, ông Biên cho hay.
60 năm trôi qua, ông không còn nhiều hy vọng tìm thấy hài cốt cha. Nhưng mỗi lần đến Điện Biên, thăm lại chiến trường nơi cha từng đánh trận, ông lại có cảm giác thanh thản.
Mấy ngày qua, người cựu binh già cùng con trai đồng đội đi thăm đồi C1, nơi ông Lợi hy sinh và thắp hương cầu khấn. Hai người hẹn khi nào về Hà Nội sẽ đến thăm nhà nhau.
“Tôi sẽ có dịp thắp hương cho anh Lợi, người từng vào sinh ra tử trên chiến trường năm xưa. Cuộc hội ngộ với con trai anh ấy tại Điện Biên lịch sử này cũng là nhờ vong linh đồng đội dẫn đường”, ông Việt nói.
Theo Vnexpress