Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Những hệ lụy kinh tế vì sự lê thê trong tố tụng dân sự

12:00 | 28/05/2015

Hầu hết các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về định hướng phát triển kinh tế xã hội trong hơn 20 năm qua đều nhấn mạnh đến việc cần phải xây dựng và phát triển một nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN lành mạnh thông qua việc cải cách thể chế, xây dựng pháp luật, cải cách hành chính...

Ảnh minh họa

Một số nghị quyết cũng đề cập đến việc cải cách tư pháp vì mục đích đổi mới chung. Tuy nhiên, trong hầu hết các nghị quyết đó, tầm quan trọng của cải cách tư pháp, đặc biệt là sửa đổi luật tố tụng dân sự (TTDS) (từ thụ lý hồ sơ, xác minh, chuẩn bị và xét xử sơ thẩm, kháng cáo và xét xử phúc thẩm và thi hành án dân sự) đối với mục tiêu phát triển kinh tế lại không được chú trọng đề cập. Theo quan điểm của tác giả, đã đến lúc cần nhìn nhận một cách nghiêm túc những hệ lụy của sự lê thê về thời hạn trong Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) đối với nền kinh tế.

Đâu là những “lê thê” trong TTDS?

Một thực trạng gây bức xúc trong dư luận nhân dân hàng chục năm nay là thời gian giải quyết các vụ án bị kéo dài, thậm chí là dài lê thê không điểm dừng. Vậy nguyên nhân về mặt pháp luật nằm ở đâu?

Trước hết, BLTTDS hiện nay chỉ quy định thời hạn theo kiểu “cá mè một lứa” mà không dựa vào giá trị tranh chấp, mức độ rõ ràng về yêu cầu và chứng cứ hay thậm chí là quan hệ đặc thù của tranh chấp (tranh chấp theo hợp đồng, ngoài hợp đồng, thương mại, dân sự, giá trị tranh chấp, mức độ rõ ràng của căn cứ và chứng cứ...) để quy định các thời hạn khác nhau một cách hợp lý (trừ thời hạn thụ lý tranh chấp dân sự (4 tháng) và tranh chấp thương mại (2 tháng)).

Thứ hai, BLTTDS khá “hào phóng” về thời hạn cho các bước trong TTDS cùng với tình trạng “mắt nhắm hờ” đối với trách nhiệm của tòa án và thẩm phán trong việc tuân thủ thời hạn giải quyết tranh chấp. Theo đánh giá và tính toán của tác giả, thời gian từ khi nộp đơn khởi kiện đến xét xử sơ thẩm có thể kéo dài 16-18 tháng, phúc thẩm phải mất thêm 14 tháng, tức tổng cộng là 30 tháng đối với tranh chấp thương mại và đến 32 tháng đối với tranh chấp dân sự. Đó là chưa kể đến sự vắng bóng của các thời hạn liên quan đến thời gian giám định, khoảng cách của các lần triệu tập lấy lời khai, hòa giải, xét xử... Ngay cả khi vụ án đã được đưa ra xét xử nhưng phiên tòa vẫn có thể bị tạm ngừng mà không biết bao giờ mới được mở lại. Tuy thời hạn đã dài đến vậy, vẫn có rất nhiều vụ việc cần hơn 30-32 tháng cho việc xét xử sơ thẩm mà không có một căn cứ hợp lý.

Ngoài ra, tuy TTDS chỉ có tối đa hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm để bản án có hiệu lực thi hành, nhưng số lượng án bị hủy bởi giám đốc thẩm ngày một tăng do lỗi vi phạm tố tụng của chính thẩm phán phụ trách mà đương sự phải hứng chịu. Có những vụ án kéo dài 15 năm do lỗi vi phạm tố tụng của các thẩm phán nhưng chưa có quy định nào của pháp luật xác định trách nhiệm bồi thường của cơ quan tiến hành TTDS. Sự khiếm khuyết này cũng đóng góp rất lớn cho sự lê thê vô hạn định của TTDS.

Thứ ba, ngoài sự lê thê về thời hạn và các “cửa rộng” cho tòa án kéo dài thời gian giải quyết vụ án, các quy định về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong BLTTDS hiện nay đang tạo ra sự tùy xét mang tính chủ quan quá lớn cho thẩm phán khiến cho sự lê thê của TTDS trở nên đáng lo hơn cho việc thực thi công lý.

Đâu là hệ lụy của sự lê thê đối với nền kinh tế?

Cuốn “Sự bí ẩn của tư bản” (The Mystery of Capital) của Hernando de Soto có luận điểm nền tảng rằng chướng ngại chính ngăn phần còn lại của thế giới không được hưởng lợi từ chủ nghĩa tư bản là sự bất lực của nó trong tạo ra tư bản (vốn). Tư bản là lực lượng làm tăng năng suất lao động và tạo ra sự giàu có của các quốc gia. Tài sản phải có cuộc sống riêng để có thể tạo thành vốn và chảy trong huyết mạch của nền kinh tế.

Muốn vậy, cần phải gỡ bỏ các ách tắc liên quan đến sự thỏa đáng và chặt chẽ về giấy tờ sở hữu tài sản, sự rõ ràng trong việc xác định tư cách pháp nhân và trách nhiệm của doanh nghiệp, khoảng cách giữa các cơ hội kinh doanh và nguồn tài chính.

Trong quá trình lưu thông tài sản, sẽ có những xung đột có chủ ý hoặc không có chủ ý của các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế (bên mua, bên bán, bên thứ ba có liên quan). Các xung đột này là các ách tắc trong lưu thông tài sản. Nếu coi sự lưu thông tài sản trong nền kinh tế như một hệ tuần hoàn máu, các tranh chấp trong nền kinh tế là các cục máu đông, các thành phần mỡ trong máu có thể gây xơ vữa động mạch, thậm chí có thể gây ra tắc nghẽn mạch máu, thì luật pháp TTDS kém hiệu quả sẽ là một liều thuốc có tác dụng kém hay thậm chí là có tác dụng ngược đối việc giải quyết các chứng bệnh tim mạch của nền kinh tế với năm hệ lụy sau.

Hệ lụy thứ nhất gây “tắc nghẽn” sự lưu thông tài sản: tài sản đang tranh chấp không được đưa vào lưu thông vì lý do nó còn nằm trong giai đoạn TTDS phân định nó là của ai, ngay cả các tài sản là đối tượng của các vụ đòi lại tài sản, đòi nợ với chứng cứ rõ ràng hoặc có cầm cố thế chấp, hay kể cả những vụ yêu cầu ngân hàng thanh toán theo bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang. Sự lê thê trong việc này có thể gây ra các hậu quả cho đương sự như hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trễ, năng lực cạnh tranh bị giảm sút, cơ hội đầu tư hay cơ hội hiện thực hóa lợi nhuận bị mất. Hậu quả đó cũng dẫn đến các cơ hội hay lợi ích khác bị ảnh hưởng như hoạt động thu ngân sách, tạo việc làm, sự lưu thông của dòng vốn để thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng.

Hệ lụy thứ hai là biến tài sản từ “có giá trị thành vô giá trị”: tài sản đang tranh chấp có bị hủy hoại hoặc mất giá trị do không được sử dụng hoặc bảo quản đúng cách trong thời gian dài như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nguyên liệu, hương liệu, máy móc, phương tiện vận tải. Sự vô giá trị cũng có thể xảy đến do việc khấu hao tài sản trong công tác kế toán.

Hệ lụy thứ ba là biến đương sự từ “hữu sản thành vô sản”: thời gian giải quyết vụ án kéo dài khiến cho doanh nghiệp bị kiệt quệ về kinh tế do chi phí kiện tụng và chậm thu hồi được khoản nợ hoặc nhận khoản thanh toán mà mình đáng được hưởng trong khi nền kinh tế thị trường có đặc tính phụ thuộc lẫn nhau (mua bán nguyên vật liệu, dịch vụ phụ trợ, lương cho người lao động). Nếu doanh nghiệp đó sớm nhận được khoản tiền hay tài sản đó để chi trả cho các chi phí sản xuất hay đưa vào khai thác, nó không phải lâm vào cảnh phải vi phạm hợp đồng và phải bồi thường, bị chấm dứt hay mất hợp đồng, nợ nần... Thật đau lòng nếu vì phải sử dụng liều thuốc TTDS để giải tỏa một quyền lợi chính đáng bị ách tắc mà doanh nghiệp đó phải lâm vào tình cảnh mất khả năng thanh toán hoặc phá sản.

Hệ lụy thứ tư là tạo sự “cực đoan về độ chắc chắn”: do không tin vào hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp tại tòa án, các chủ thể tham gia vào giao dịch kinh tế có thể chỉ tham gia những giao dịch mà họ cho là “chắc ăn” trong khi việc kinh doanh luôn gắn liền với rủi ro. Vì sự quá cẩn thận này, nhiều cơ hội kinh doanh có thể bị bỏ qua một cách đáng tiếc, đó là chưa kể đến rủi ro mất khả năng cạnh tranh hoặc bị thôn tính.

Hệ lụy thứ năm là biến đương sự từ “tích cực sang tiêu cực”: sự lê thê trong TTDS có thể làm cho các bên mất quá nhiều thời gian, công sức, tâm trí và tiền của gây nên tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến quan hệ, tinh thần hoặc quyết định kinh doanh. Ngoài ra, do sự mất niềm tin ở tòa án khi không thể thỏa thuận về trọng tài thương mại, họ có thể tìm đến cách thức bảo vệ tiêu cực như thuê công ty đòi nợ (dù hợp pháp nhưng tính chuyên nghiệp và phù hợp của các hành động của các công ty đòi nợ thuê đang gây tranh cãi) hay thậm chí dùng bạo lực trực tiếp hay gián tiếp.

Cần rút ngắn thời gian tố tụng

Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng 21-4-2015, Tòa án Nhân dân Tối cao cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo: “Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp”. Thủ tục rút gọn trong TTDS là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm đại biểu.

Đây là một tín hiệu tốt về sự không ngừng sửa đổi TTDS nhằm hướng đến việc bảo vệ các lợi ích kinh tế một cách hiệu quả và có ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận những hệ lụy kinh tế rõ ràng của sự lê thê trong TTDS mới thấy được tính cấp thiết của việc sửa đổi BLTTDS theo hướng rút ngắn thời gian tố tụng. Công lý đối với mỗi cá nhân hay tổ chức trong TTDS không phải là một khái niệm hay giá trị vĩnh hằng mà nó cần được thừa nhận và thực thi kịp thời.

Đồng thời, công lý cần phải đặt trong sự phát triển và vận hành của cả nền kinh tế xã hội như vừa là một động lực và trợ lực của nền kinh tế và xã hội đó chứ không chỉ đơn thuần là một đặc ân của pháp luật được tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng khác nắm giữ và phân phối tùy ý mình. Để kết thúc bài viết, tác giả xin được nhắc đến một thành ngữ pháp lý nổi tiếng: Công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối (Justice delayed is justice denied)!

Theo Saigontimes.

undefined