Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Nuôi dạy con thời công nghệ: Nhiều thuận lợi, lắm thách thức

12:00 | 12/02/2019

Nuôi con thời công nghệ, cụm từ vô tình gợi cho chúng ta nghĩ đến sự tiêu cực: trẻ nghiện điện thoại, hư mắt, gặp nhiều vấn đề tâm lý vì tác động của màn hình… Thế nhưng nhìn toàn diện thì công nghệ đang hỗ trợ các bậc cha mẹ có nhiều lựa chọn hơn trong việc nuôi dạy con cái. Vấn đề là bố mẹ khéo léo đến đâu mà thôi.

Nhiều công cụ hỗ trợ bố mẹ dạy con

9 giờ tối ngày thứ 5 hàng tuần, sau khi cho con gái 15 tháng tuổi ngủ xong, chị Kim Thoa (Thủ Đức-TPHCM) lại dành một tiếng để học trực tuyến (online) cùng với một cô giáo là tiến sĩ tâm lý trẻ em đang định cư ở Úc. Khóa học 10 buổi, mỗi buổi một giờ về vấn đề các giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ khiến chị Thoa rất hài lòng. Chỉ cần lựa chọn khung giờ phù hợp, một máy tính kết nối mạng là chị Thoa có thể tham gia lớp học đầy đủ.

Các khóa học nuôi dạy con hiện nay trên các nền tảng giáo dục trực tuyến như Kynia, Unica, Edumall… được khá nhiều phụ huynh lựa chọn. Với những nền tảng thân thiện và dễ học, các khóa học trực tuyến giúp bố mẹ vừa học. kiến thức vừa thực hành với con và nhận được sự tư vấn trực tiếp từ giáo viên.

Trên mạng xã hội Facebook, môi trường để bố mẹ tiếp cận các kiến thức dạy con khá phong phú. Chị Lê Thiên Trân, một giáo viên mầm non theo phương pháp Montessori đang công tác ở một trường mầm non tại TPHCM mới đây đã mạnh dạn mở lớp học trực tuyến cho phụ huynh quan tâm đến phương pháp giáo dục này. Lý do mở lớp học được chị chia sẻ: “Mình thấy có nhiều phụ huynh hiểu lầm về phương pháp Montessori nên muốn mở lớp học nhằm giúp những ai muốn dạy con theo phương pháp này hiểu đúng về nó để hỗ trợ con tốt nhất”.

Khóa học đầu tiên chị Trân cũng rất bất ngờ khi có 15 phụ huynh và hai bạn trẻ chưa có gia đình đăng ký học. Lớp học với hình thức tương tác trực tiếp qua livestream trong một nhóm kín trên Facebook. Kết thúc khóa học, nhiều phụ huynh phản hồi rất tốt vì đã có một khóa học bổ ích, linh hoạt, hiệu quả. Những phụ huynh ở tỉnh xa vẫn có thể ngồi nhà học. Chị Trân cho biết sẽ duy trì lớp học định kỳ hàng tháng để cung cấp cho phụ huynh những kiến thức bổ ích về phương pháp giáo dục này.


Đánh giá về vai trò của công nghệ trong việc hỗ trợ các bậc cha mẹ, chị Trân cho rằng: “Mình thấy rất hay và tiện dụng! Nếu không có mạng xã hội, chắc chắn mình sẽ khó tiếp cận nhiều phụ huynh và chia sẻ với họ những điều hay mà mình biết được trong việc nuôi dạy con. Cũng nhờ công nghệ hiện đại mà mình được tiếp cận rất nhiều kiến thức hay để nuôi dạy con gái”.

Bên cạnh các lớp học trực tuyến hiện nay các nhóm trao đổi kinh nghiệm trên mạng xã hội cũng rất sôi nổi, thu hút nhiều phụ huynh tham gia trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con.

Chị Lan Hương (quận 9, TPHCM) có hai bé 3,5 tuổi và 5 tuổi quyết định không cho cho con đi học trung tâm tiếng Anh mà tham gia vào một nhóm kín gồm các phụ huynh muốn học tiếng Anh cùng con với sự hướng dẫn của một giáo viên ở Hà Nội. Chị Hương cho biết mỗi tháng mất 2 triệu đồng cho hai bé và thấy khá hiệu quả khi mẹ có thể cùng với con học tiếng Anh ngay tại nhà lại được trao đổi kinh nghiệm từ bố mẹ khác.

Sự phát triển của công nghệ ngày nay cũng cho phép bố mẹ có nhiều sự lựa chọn hơn về công việc để có thể sắp xếp thời gian bên con trong những năm đầu đời. Nhiều người giờ đây chỉ cần một máy tính kết nối mạng đã dễ dàng làm việc nhóm, họp, bán hàng hay điều hành cả dự án mà vẫn ở nhà được với con. Tất nhiên, việc này đòi hỏi khả năng làm việc khoa học và hiệu quả của bố mẹ vì không hề dễ dàng khi vừa chăm con nhỏ vừa làm việc.

Nhiều thách thức

Cần hạn chế thời gian tiếp xúc với điện thoại của trẻ.

Rõ ràng là công nghệ mang đến nhiều công cụ tuyệt vời giúp việc nuôi dạy con có thêm nhiều lựa chọn, tuy nhiên mặt trái của nó đòi hỏi bố mẹ phải rất tỉnh táo để vượt qua những thách thức.

Quá sa đà vào các mạng xã hội là một cám dỗ mà không phải ai cũng vượt qua được. Khi đó, bố mẹ sẽ vô tình bớt xén thời gian bên con hoặc dành thời gian không chất lượng bên con. Hãy luôn ý thức được điều này để dùng mạng xã hội một cách khoa học và không ảnh hưởng đến con.

Các khóa học dạy con được tổ chức nhiều và cung cấp cho bố mẹ lượng kiến thức khổng lồ, tuy nhiên chính nó cũng khiến nhiều ông bố bà mẹ không đủ sự tinh tế vô tình áp dụng một cách cứng nhắc vào con trong khi mỗi đứa trẻ lại là một chủ thể không bé nào giống bé nào, khiến trẻ trở nên mất phương hướng và làm bố mẹ rơi vào tình trạng căng thẳng không cần thiết.

Lạm dụng các thiết bị điện tử, dù là các ứng dụng được thiết kế để dạy học cho em bé chưa bao giờ được khuyến khích vì những hệ lụy mà nó mang lại cho bé như hạn chế cảm xúc, giao tiếp, tâm lý không ổn định… Vì vậy, khi dùng các ứng dụng (app) để dạy con bố mẹ phải xem xét kỹ tính giáo dục, khoa học của ứng dụng đó, thời lượng để bé tiếp xúc với màn hình thích hợp cũng như mức độ sự tương tác của bố mẹ khi con dùng ứng dụng đó.

Sự phát triển của công nghệ giúp cộng đồng các ông bố bà mẹ được mở rộng và kết nối nhiều hơn tuy nhiên nó cũng sẽ tạo ra những áp lực vô hình trong việc nuôi con như so sánh con mình với con người ta, cảm thấy con mình không đạt “chuẩn” hay bị cuốn theo các phong trào nuôi con đang nóng mà không biết nó có phù hợp với con mình hay không.

Nuôi dạy con trong thời đại công nghệ lắm thuận lợi nhưng cũng nhiều thách thức, đòi hỏi bố mẹ phải luôn cập nhật kiến thức, kỹ năng mới để hỗ trợ con tốt nhất. Nhưng có một điều không bao giờ thay đổi đó là dù có dùng công nghệ hay không thì tình yêu thương của bố mẹ cũng là công cụ tuyệt vời nhất giúp con lớn lên một cách vững vàng. Sự kết nối giữa con với bố mẹ là liều thuốc tinh thần vô giá cho tâm hồn, trí tuệ của bé. Dù bố mẹ có học bao nhiêu khóa học hay, dùng bao nhiêu ứng dụng tốt nhưng nếu mất đi sự kết nối trực tiếp với con thì mọi sự giáo dục đều không hiệu quả.

Muốn vậy, bố mẹ hãy luôn nhắc nhở mình cách dùng công nghệ hợp lý, lắng lòng mình lại để biết con thực sự cần gì và cho con điều đó, không nên chạy theo các trào lưu. Hãy dành thời gian “chất lượng” bên con, cùng con khám phá cuộc sống bên ngoài màn hình, cùng con làm việc và chia sẻ câu chuyện của mỗi thành viên trong gia đình để có đủ sự tôn trọng cá tính của con. Nếu làm được như vậy, công nghệ sẽ giúp chúng ra có được một thế hệ con trẻ hoàn thiện về kỹ năng, kiến thức và thái độ trong tương lai.


Hà Ngọc Nga

Theo Saigontimesndc

undefined