Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, thành phố sẽ liên tục rơi vào tình trạng quá tải trường lớp nếu tốc độ tăng dân số cơ học từng năm nhanh như hiện nay. Tình trạng quá tải trường lớp đang tạo ra áp lực lớn. Đơn cử như tại Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) có khoảng 90.000 dân, con số này gấp 4 lần dân số các phường khác. Ngay cả mỗi cấp học tại đây đã có 2 trường công lập thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân.
Tại nhiều trường tiểu học, THCS tại các quận nội thành như Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình… sĩ số các lớp học cũng cao hơn rất nhiều so với quy định của Bộ GD-ĐT. Một số trường giờ thể dục chỉ một nửa học sinh có cơ hội xuống sân trường vì quá đông.
Vẫn biết ngoài hệ thống các trường công lập, vẫn còn lượng lớn các trường tư thục, quốc tế… Nhưng nhìn lại câu chuyện hàng trăm phụ huynh tại phường Hoàng Liệt (Hàng Mai) phải bốc thăm vào trường mầm non công lập để thấy việc được vào trường công vẫn là mong muốn của số đông phụ huynh khi giảm được một số tiền lớn chi phí học tập.
Chị Vũ Thu Hiền (Hà Đông, Hà Nội) có con gái lớn đang học tại trường THPT công lập và con thứ 2 đang học tiểu học ngoài công lập, so sánh mức chi phí học tập của 2 con ở 2 môi trường khác nhau, chị Hiền cho rằng chi phí cho con học trường tư đắt hơn từ 2-3 lần trường công. Mức chênh lệch này sẽ tùy thuộc vào việc lựa chọn trường tư nào.
“Không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con học trường tư. Nếu gia đình có 2-3 con cùng học trường tư thì chi phí sẽ đắt hơn rất nhiều”, chị Hiền chia sẻ và cho rằng Hà Nội cần có những giải pháp để khắc phục tình trạng quá tải trường lớp như hiện nay.
Sinh sống tại khu đô thị Thanh Hà, gia đình chị Nguyễn Hoàng Linh cũng đang phải cho con đi học tại một trường trái tuyến ở một trường công khu vực lân cận do thiếu trường công lập. Vợ chồng chị Linh chấp nhận đưa đón con đi học xa hơn vì chi phí học tập tại trường ngoài công lập rất cao.
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, việc tăng đột biến số học sinh vào lớp 6 chắc chắn sẽ dẫn đến số phòng học thiếu. Do đó, Sở đề nghị các Phòng GD-ĐT đề xuất phương án tham mưu với UBND các quận, huyện, thị xã triển khai bổ sung thêm phòng học, đồng thời có phương án hợp lý để học sinh trong độ tuổi đều được đáp ứng nhu cầu học tập.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục Trưởng Cục Trẻ em cho rằng, cần nhìn lại bài toán quy hoạch tại các đô thị lớn có di dân cơ học, hay nơi tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất. "Luật quy định hạ tầng kinh tế phải đi liền với hạ tầng xã hội, nhưng rất đáng tiếc trong thời gian vừa qua, khi phê duyệt các khu đô thị mới còn cố tình hoặc vô ý bỏ qua những hạ tầng xã hội dẫn đến hệ lụy con em người lao động khi di chuyển đến những khu đô thị có mật độ dân số cao, hay khi đến các khu chế xuất thiếu trường lớp. Để khắc phục vấn đề thiếu trường lớp cần giải bài toán gốc về quy hoạch", ông Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Đặng Hoa Nam cũng cho rằng, để hạn chế tình trạng quá tải cục bộ ở một số khu vực, các bậc phụ huynh cũng cần tuân thủ quy định của ngành giáo dục, cho con em học đúng tuyến, không quá nặng nề về vấn đề trường chuyên lớp chọn, vô tình tạo ra những áp lực đan chéo cho nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục cũng như tạo áp lực về giao thông.
"Chúng tôi luôn khuyến nghị các bậc phụ huynh khi chọn trường cho con cần tìm những môi trường giáo dục trong lành, an toàn cả về mặt giao thông đô thị. Ngoài kiến thức, cha mẹ cần quan tâm đến các yếu tố khác để trẻ được phát triển toàn diện", ông Đặng Hoa Nam nói.
Cục trưởng Cục Trẻ em cũng nhấn mạnh rằng, pháp luật có quy định rõ ràng học tập là quyền của trẻ em. Do đó, về lâu dài các cơ quan chức năng cũng như các địa phương cần sớm nghiên cứu chính sách để giải bài toán thiếu trường lớp. Cần có chính sách để đảm bảo những người thu nhập thấp, người lao động có một môi trường giáo dục tốt, an toàn nhất cho con em. Song song với việc xây dựng các trường công lập cũng cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân khi đầu tư vào giáo dục như chính sách về đất đai, tín dụng, thuế. Việc phát triển hệ thống trường ngoài công lập cũng góp phần hạ nhiệt dần sức nóng của việc quá tải trường lớp.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, lâu nay vẫn nói nhiều khẩu hiệu “giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”, song sự đầu tư đó chưa thực sự tương xứng.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ nhấn mạnh, các dự án xây dựng chung cư nếu không có các thiết chế xã hội đi kèm thành phố cần kiên quyết đình chỉ, buộc dừng lại cũng như quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương nơi để xảy ra tình trạng "vỡ quy hoạch"./.