Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Số bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn gia tăng vào mùa mưa ở Nam Bộ

12:00 | 08/12/2014

Ngày 7/12, Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, số lượng bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập bệnh viện điều trị gia tăng khá lớn ở thời điểm Nam Bộ đang ở mùa mưa, nhưng tổng số ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong năm 2014 không gia tăng so với các năm trước đó.

Tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy hiện đang có gần 10 ca nằm viện do rắn lục đuôi đỏ cắn. Đa số các bệnh nhân nằm viện đều là người ở tỉnh Bình Dương.

Ông Phạm Hồng Nguyên (ở tổ 22, khu 3, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) một bệnh nhân đang được điều trị tại đây cho biết, lúc trước, ở khu vực ông sinh sống rất ít xuất hiện rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhưng khoảng một tháng trở lại đây, liên tục có khoảng 4-5 người bị rắn lục cắn phải nhập viện.

Ông Nguyên bị rắn lục cắn khi ông đang nằm ở sân nhà. Trước đó một tuần, một người hàng xóm của ông Nguyên cũng bị rắn cắn phải nhập viện trong hoàn cảnh tương tự.

Số liệu của Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, tính từ đầu năm 2014 đến nay đã tiếp nhận gần 800 ca bị rắn cắn nhập viện và điều trị. Trong đó có gần 500 ca bị răng lục đuôi đỏ cắn, chủ yếu bệnh nhân đến từ các địa phương như Long An, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh…

Đáng chú ý, số bệnh nhân nhập viện gia tăng trong những tháng mùa mưa ở Nam Bộ. Riêng trong tháng 10/2014, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 90 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn, trong khi các tháng trước chỉ khoảng 50 ca. Số trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn thường chiếm 43-45% tổng số ca bị rắn cắn nhập viện.

Theo bác sỹ Trần Quang Bính, đa số các trường hợp nhập viện do rắn lục đuôi đỏ cắn đều được chữa khỏi do đã có huyết thanh điều trị. Nhưng vẫn có trường hợp người dân vẫn chưa biết cách sơ cấp cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn dẫn đến có trường hợp bị hoại tử.

Khi gặp trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người bên cạnh phải trấn an bệnh nhân không được lo lắng, hoảng sợ. Sau đó, rửa sạch vết thương và băng ép bất động không cần garo để hạn chế nọc độc chạy vào hệ thần kinh trung ương. Nguyên tắc bất động là trên một khớp, chẳng hạn như cắn ở bàn chân thì bất động đến trên đầu gối. Sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để điều trị.

Thông thường, bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn chỉ nằm viện từ 2-3 ngày là có thể xuất viện. Theo ghi nhận tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trong năm nay không có trường hợp nào tử vong do rắn lục đuôi đỏ cắn.

Các bác sỹ cũng khuyến cáo, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn tuyệt đối không được rạch nặn vết cắn gây chảy máu, vì sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng; không được garo vì có thể gây hoại tử, phải cắt bỏ phần thịt bị tổn thương. Đồng thời người dân trong khi làm việc ở khu vực rừng cây, bụi rậm cần đội mũ rộng vành, mang ủng và có gậy xua động khi đi vào khu vực bụi rậm.

Theo TTXVN

undefined