Số người tham gia bảo hiểm xã hội có xu hướng giảm
12:00 | 08/09/2021
Trong 4 tháng cuối năm 2021, nếu không có những giải pháp sáng tạo, đột phá cùng với sự tập trung, quyết liệt thì ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ khó hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam tại Hội nghị giao ban tháng 9/2021 cho biết, tính đến ngày 6/9/2021, cả nước có 14.844.857 người tham gia BHXH (đạt 29,82% lực lượng
lao động) và đạt 83,89% kế hoạch BHXH Việt Nam.
Trong đó, BHXH bắt buộc được có 13.662.083 người tham gia, BHXH tự nguyện có 1.182.774 người tham gia và
bảo hiểm y tế (BHYT )có 85.243.768 người tham gia, đạt 87,33% dân số tham gia BHYT.
Đáng chú ý, có 16 BHXH tỉnh có số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng so với cuối năm 2020, 33 BHXH tỉnh có số người tham gia BHXH tự nguyện tăng, 11 BHXH tỉnh có số người tham gia BHYT tỉnh tăng so với cuối năm 2020, đặc biệt có 9 tỉnh số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tăng so với năm 2020 là Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình và Thanh Hoá.
BHXH khẳng định, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, tỷ lệ người lao động thất nghiệp gia tăng, thì chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành “điểm tựa” giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận người lao động thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế xã hội đất nước.
Riêng trong tháng 8/2021, BHXH các địa phương đã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 61.914 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 61.215 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và 699 người hưởng chế độ học nghề. Tính chung 8 tháng năm 2021, cả nước đã giải quyết cho 483.411 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, cơ quan BHXH đã chi cho hơn 7,2 triệu lượt người đi khám chữa bệnh BHYT.
94% SỐ LAO ĐỘNG GIẢM THAM GIA BHXH Ở 19 TỈNH PHÍA NAM
Báo cáo của BHXH Việt Nam cũng chỉ rõ những hạn chế trong thực hiện chính sách như việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH giữa một số cơ quan BHXH địa phương còn chưa có sự thống nhất, gây ra những thắc mắc, kiến nghị của người lao động. Tình trạng người lao động mượn hồ sơ tư pháp của người khác để đi làm vẫn đang diễn biến phức tạp, phát sinh những hệ lụy trong công tác tổ chức thực hiện chế độ, chính sách.
Việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT liên quan đến dịch COVID-19 vẫn còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.
Tình trạng chi vượt dự toán, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT tại một số địa phương vẫn chưa được kiểm soát toàn diện, đầy đủ, nhất là đối với một số cơ sở khám chưa bệnh tư nhân.
Đáng chú ý, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục giảm so với tháng 7/2021 (BHXH, bảo hiểm thất nghiệp giảm trên 1,16 triệu người) và giảm sâu so với thời điểm hết 2020 (trong đó, BHXH giảm 1,424 triệu người và BHYT giảm 2,762 triệu người).
Vì vậy, trong 4 tháng cuối năm 2021, nếu không có những giải pháp sáng tạo, đột phá cùng với sự tập trung, quyết liệt thì ngành BHXH khó hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, tổng số nợ của toàn ngành hiện 24.921 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,24% so với số phải thu (so với cùng kỳ năm 2020, số tiền nợ tăng 2.593 tỷ đồng, tỷ lệ nợ so với số phải thu tăng 0,94%)…
Lý giải việc số người tham gia vào hệ thống BHXH giảm, ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý thu- sổ thẻ cho biết, công tác thu, phát triển đối tượng trong tháng 8/2021 giảm sâu so với tháng trước chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như các chính sách liên quan của nhà nước (do quy định về BHYT và điều chỉnh giảm nghèo).
Theo tính toán của ban Thu, nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến như thế này, ước số lao động giảm năm 2021 khoảng 2,8 triệu người, chấm dứt hợp đồng lao động hơn 800.000, tạm hoãn 326.000, nghỉ việc không lương 1,4 triệu người và ngừng việc khoảng 314.000 người. Điều này ảnh hưởng lớn đến phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của ngành BHXH Việt Nam.
Mặt khác, công tác chỉ đạo điều hành cũng như các giải pháp về phát triển BHXH của BHXH Việt Nam rất cụ thể, nhưng việc triển khai của các địa phương khác nhau, có nhiều địa phương không ảnh hưởng nhều của dịch bệnh song việc chỉ đạo không hiệu quả.
“Trong số hơn 1,3 triệu lao động tham gia BHXH giảm thì tập trung tại 19 tỉnh phía Nam chiếm hơn 94% (1,098 triệu lao động) so với lao động giảm, đặc biệt 3 tỉnh chiếm trên 30% so với tổng số lao động tham gia BHXH của cả nước là là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai”- ông Hào khẳng định.
TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC NHÓM GIẢI PHÁP
Để hoàn thành các chỉ tiêu thu và phát triển đối tượng tham gia, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị chủ động, bám sát tình hình diễn biến dịch COVID-19 để xây dựng giải pháp, kịch bản điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ, ứng phó với dịch bệnh và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2021.
Đồng thời, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia, đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ BHXH, BHYT trong những tháng cuối năm, phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Đặc biệt, tăng cường các hoạt động truyền thông trực tuyến, tập trung trực tiếp vào các nhóm đối tượng có khả năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…
Về công tác thu, phát triển đối tượng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị bám sát kế hoạch phát truyền thông trong 4 tháng cuối năm, cụ thể hoá thành cẩm nang và xây dựng thành những kịch bản để tuyên truyền sâu rộng. Dịch bệnh có thể thay đổi theo từng tuần, nên có những dự báo chính xác để công tác chỉ đạo điều hành được đúng và trúng.
"Hoàn thành được tất cả các chỉ tiêu của cả năm 2021 là rất thách thức, nhưng cơ hội của 4 tháng cuối năm chưa hẳn là không có, nếu chúng ta biết nắm bắt cơ hội thì sẽ có được thành quả", Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh
Mặt khác, Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng đề nghị cần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thanh toán BHYT đối với các cơ sở y tế phi truyền thống.
Đặc biệt, tăng cường kỷ cương kỷ luật và trách nhiệm người đứng đầu, nhất là thái độ phục vụ người dân, người lao động trong giai đoạn hiện nay...
Ngày 6/9, BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch số 2800/KH-BHXH về triển khai thực hiện công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT 4 tháng cuối năm 2021.
Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu, trong 4 tháng cuối năm, toàn ngành phấn đấu phát triển khoảng 2,351 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 561.000 người tham gia BHXH tự nguyện, 4,786 triệu người tham gia BHYT. Phấn đấu thu đạt 160.670 tỷ đồng.
|
N. NGA
Theo Bizlive