Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Sống tử tế vì nhau

12:00 | 02/04/2016

Đoàn người đứng thành hàng dài chờ trước cánh cổng dẫn vào bên trong tòa nhà của lãnh sự quán của một nước châu Á nằm bên khu phố đông đúc xe cộ qua lại. Tia nắng đầu ngày xuyên qua kẽ hở đám lá cây chiếu xuống khuôn mặt những người đứng xếp hàng đã bắt đầu thấm ướt mồ hôi. Họ vẫn trật tự, kiên nhẫn nhích từng bước theo nhau đi về phía cánh cổng kim loại.

Xong thủ tục trình chứng minh thư, hàng người đi vào bên trong cánh cổng có anh bảo vệ áo xanh to cao đứng. Phía bên trong, vẫn còn có hai khu vực phải xếp hàng nữa trước khi người xin thị thực đến được ô cửa kính nộp hồ sơ.

Khu vực xếp hàng thứ nhất phía bên trong lãnh sự quán cách khu vực tiếp theo hai cánh cửa kim loại nữa. Từ khu vực này vẫn có thể quan sát được khu vực bên trong qua cánh cửa quay một chiều đi ra được làm bằng những thanh thép inox tròn. Phòng nhận hồ sơ thị thực khá nhỏ nhưng lượng người nộp hồ sơ rất đông.

Người đi thăm con cháu, người đi học, đi du lịch, xuất khẩu lao động... Tiếng trẻ con khóc ré lên hòa lẫn vào tiếng chuông điện thoại và tiếng xì xào trò chuyện.

Phía trước tôi là một bà cụ đi cùng với cô cháu trẻ tuổi. Bà bảo với tôi là đã hơn bảy mươi tuổi rồi, đang định đi thăm con cháu ở nước ngoài. Bà bị đau đầu gối không đứng được lâu, mà ngồi thì mấy anh bảo vệ không cho. Bà bảo bà sang nước ngoài, người ta thấy bà già đau chân, họ cũng cho mượn cái ghế ngồi tạm, thế mà mấy anh bảo vệ này là người cùng quê hương đất tổ mà chẳng để ý gì đến người già.

Tiếng khóc trẻ con tiếp tục ré lên. Người phụ nữ lớn tuổi ôm đứa trẻ đang khóc trao cho một cậu thanh niên rồi đứng dậy. Chị chần chừ một lúc rồi tiến lại anh bảo vệ hỏi xem liệu chị có thể ra ngoài mua sữa cho cháu chị đang khóc vì đói được không. Chị được phép ra ngoài theo cánh cửa thép xoay. Nhưng khi ra lớp cửa thứ hai nơi chúng tôi xếp hàng, chị không qua tiếp được nữa. Anh bảo vệ cửa này yêu cầu chị phải có giấy tờ chứng minh nhân thân cầm theo. Chị ngẩn người ra, sao anh bên trong kia chẳng nói gì. Giấy tờ tùy thân của chị đã nộp cùng hồ sơ xin thị thực rồi. Bây giờ chị đi ra mua sữa cho cháu cũng không được, đi vào lại cũng chẳng xong.

Chị đứng đó thẫn thờ không biết phải làm sao, khuôn mặt chị như sắp bật khóc. Bà cụ trước mặt tôi cất tiếng với anh bảo vệ có khuôn mặt tuy rất trẻ nhưng cũng rất lạnh lùng: “Cháu ơi, cháu giải quyết cho người ta đi chứ sao lại để tội nghiệp người ta thế”. Thấy thái độ của anh bảo vệ có vẻ không thay đổi, cả hàng người nơi tôi đứng bắt đầu nói thêm vào đề nghị các anh giải quyết.

Không biết có phải vì tiếng nói của chúng tôi hay không mà một lúc sau chị cũng được vào lại bên trong dù chưa ra ngoài mua sữa cho cháu. Tôi tự hỏi nếu anh bảo vệ ở bên trong chỉ cần bỏ ra mấy giây thời gian rộng rãi của mình để dặn chị mang theo giấy tờ thì có phải đã bớt đi một sự phiền hà cho đồng bào của anh? Vẫn biết nơi các anh làm, quy tắc công tác bảo vệ là kỷ luật nhưng điều đó đâu có ngăn các anh thân thiện và giúp đỡ đồng bào. Có khi chính sự tử tế với đồng bào ngay tại lãnh thổ nước ngoài sẽ làm người nước ngoài coi trọng con người và đất nước của các anh hơn. Nguyên tắc và địa vị công việc dù có khắt khe hay quan trọng đến đâu chăng nữa cũng không triệt tiêu tấm lòng tử tế cho nhau. Những cánh cửa thép lạnh lùng của lãnh sứ quán nọ xem ra không đáng ngại bằng cánh cửa lòng tử tế đã khép lại.

Một cụ già trong bộ phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy đã giải thích rất căn cơ về nghĩa của tử tế: “Tử tế, các nhà làm phim thân mến ạ, gốc của nó là từ chữ Hán. Chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé.

Chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé”.

Thế đấy, tử tế với nhau là từ những chuyện nhỏ nhất, chẳng hạn như một thùng trà đá từ thiện trên phố trưa hè, một thái độ lắng nghe của bác sĩ với bệnh nhân hay một lời căn dặn nhẹ nhàng với dân nơi trụ sở công quyền. Xét cho cùng, ở thời đại nào thì con người vẫn cần sự tử tế, nhất là ở nơi mà truyền thống thương yêu nhau đã đi vào tục ngữ ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Theo TBKTSG


undefined