Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Sức sống "Hồ Chí Minh" trong lòng nhân loại

12:00 | 19/05/2015

"Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này".

Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Liên Xô. Ảnh tư liệu.

Lời nhận định của TS. Modagat Ahmed - nguyên Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - là một trong những dẫn chứng về tình cảm, sự kính trọng mà bạn bè thế giới dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con vĩ đại, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

1. Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn thể quốc dân đồng bào đứng giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, trịnh trọng tuyên bố với thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Sự kiện đánh dấu bước ngoặt lịch sử dân tộc này đã lan truyền khắp các lục địa, trở thành niềm tự hào chung của các nước thuộc địa thế giới bấy giờ. "Việt Nam - Hồ Chí Minh" đã trở thành khẩu hiệu của niềm tin, sự kính trọng mà đông đảo nhân dân các nước trên thế giới dành cho.

"Việt Nam và Hồ Chí Minh là hai tên gọi nổi tiếng và phổ biến nhất đối với nhân dân Ấn Độ" - ông Greetesh Sharma, Chủ tịch điều hành Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam từng nói.

Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại ấn tượng sâu sắc cho những người từng có cơ duyên gặp Người, ngay cả đối với những người chỉ được gặp ít phút, gặp một lần hay nhiều lần. Không phải ai cũng có khả năng như vậy mà ắt hẳn đó phải là người có khí chất vô cùng đặc biệt.

GS.TS Raul Valdes Vivo - nguyên Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nico Lopez (Cuba) kể lại lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tôi thấy đôi mắt Người đẫm lệ. Nén cơn xúc động, Bác Hồ nói rằng nhân dân là cội nguồn của mọi chiến thắng, rằng người Việt Nam là vô địch, như là một Cuba ở Đông Dương!". GS. TS Raul Valdes Vivo nói thêm rằng: "Còn Cuba muốn là một Việt Nam ở biển Caribe!".

Tự hào vì là một trong những nhà ngoại giao được gặp Bác nhiều lần, nguyên Đại sứ Hungary tại Việt Nam Alfred Almasi chia sẻ: "Tinh thần của Hồ Chí Minh đã theo suốt sự nghiệp của tôi, như chiếc la bàn trong cuộc sống của tôi".

Đối với những người bạn lớn của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh được dành trọn sự mến phục. Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev từng khẳng định: "... Hoàn toàn có thể hiểu được sự quan tâm sâu sắc của tất cả những người có lương tri trên hành tinh tới lịch sử cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, trước hết là tới thân thế và sự nghiệp của con người mà suốt nửa thế kỷ lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam độc lập mà tên tuổi của người đó gắn liền với chiến công cách mạng yêu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam, với bản anh hùng ca Việt Nam - đồng chí Hồ Chí Minh".

Cựu Quốc vương Norodom Sihanouk (Vương quốc Campuchia) từng viết: "Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử các dân tộc Đông Dương và các dân tộc Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh như là tượng trưng cho cuộc đấu tranh yêu nước giành độc lập dân tộc. Người là một trong những nhân vật hoạt động chính trị và là lãnh tụ cao quý nhất của thế kỷ XX".

2. Hàng trăm công trình nghiên cứu, rất nhiều cuốn sách, thước phim; hàng nghìn bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được công bố, xuất bản. Dẫu có sự khác biệt về quan điểm chính trị, nhưng điểm chung trong tất cả là đều dành sự ngưỡng mộ, kính trọng đối với Người, một người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người đã dành trọn cuộc đời vì dân, vì nước. Ngay cả những người từng là kẻ thù, là đối thủ của chúng ta trong chiến tranh cũng không tiếc lời ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Báo chí Mỹ từ những năm 1954 và mãi về sau này, mỗi khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành những lời bình luận đầy tôn trọng. Tờ New York Times, số ra ngày Chủ nhật 9/5/1954 đã viết: "Một người Pháp, sau này trở thành Cao ủy Pháp tại Đông Dương, cũng phải thừa nhận ông Hồ là người có tính cách rất mạnh mẽ và đáng tôn kính...".

Trên tờ Time, khi tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX, nhà báo Stanley Karnow từng viết: "Không có sự dao động trong niềm tin của Hồ Chí Minh, không thể lay chuyển ý chí của ông, ngay cả khi cuộc chiến tranh của Mỹ leo thang, tàn phá đất nước, ông vẫn giữ niềm tin đối với nền độc lập của Việt Nam".

Nhân dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi bình luận về Người, nhà báo Denis Gray của hãng tin AP (Mỹ) đã viết: "Việt Nam có thể có những bước thăng trầm, nhưng ký ức về vị lãnh tụ cộng sản được sinh ra cách đây 115 năm sẽ tồn tại mãi mãi".

3. Đối với người dân Việt Nam, nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trào lên niềm tự hào về một con người vĩ đại đã làm rạng rỡ non sông đất nước, đúng như Tổng bí thư Lê Duẩn từng thay mặt toàn Đảng, toàn dân tiễn biệt Bác: "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta".

Sự tôn kính của nhân dân đối với Bác vượt qua cả không gian và thời gian. Nhà báo Canada George Fogarasi từng kể trên tờ The Straits Times của Singapore: "Tôi hỏi một người đạp xích lô về Hồ Chí Minh, người này đã có thời kỳ đi học tập cải tạo vì từng đứng trong hàng ngũ của chế độ Sài Gòn cũ. Nhưng anh vẫn kính trọng đạo đức của Hồ Chí Minh và gọi Người là một người Việt Nam chân chính".

Đối với những người từng có cơ may gặp Bác, dù năm tháng có xóa mờ ký ức thì hình ảnh về Người vẫn được nâng niu, trân quý như vật báu.

Ở Việt Nam, không chỉ có bảo tàng bằng hiện vật, không chỉ có ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh của những người từng được gặp Bác, còn có một "bảo tàng" về Người ở trong lòng dân tộc, trong trái tim nhân dân Việt Nam. Người mãi là niềm tự hào dân tộc.

Theo Hanoimoi.

undefined